Xiên ngang những sườn núi đầy đá dăm lởm chởm, gồ ghề, nhiều đoạn đường vào bản Cha Mậy B (xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, Sơn La) còn bị xẻ rãnh sâu, ngập bùn đất, có đoạn tưởng không sao đi nổi.
Mẹ Sênh chuẩn bị cho con gái lên trường nhập học
Ảnh: TRỊNH VĨNH HÀ
|
… Bản Cha Mậy B cách trung tâm huyện gần 60km, một trong sáu xã khó khăn nhất của huyện. Nhiều trẻ em ở đây chỉ học được đến hết lớp 5 vì lên THCS phải ra trung tâm huyện học trên những quãng đường trắc trở quá sức. Và một ngăn trở khác cũng khó khăn không kém: không ít học sinh đang học lớp 4, lớp 5 đã bị gia đình gọi về bản để dựng vợ gả chồng. Rồi trình độ hạn chế, khác ngôn ngữ cũng khiến nhiều HS bỏ cuộc.
Chúng tôi đến Cha Mậy đúng hôm Sùng Thị Sênh nhận được giấy báo trúng tuyển ĐH Tây Bắc. Sênh lặng ngắm tờ giấy báo trúng tuyển màu hồng như một trẻ nhỏ bất ngờ được người lớn tặng một món đồ chơi yêu thích.
Ít nói và diễn đạt tiếng phổ thông còn ngắc ngứ nhưng người cha, ông Sùng Chừ Thánh thú thật: thoạt đầu gia đình cũng chỉ muốn cho đứa con trai đi học tiếp lớp 6 trên huyện, con gái ở nhà học hết lớp 5 rồi gả chồng sớm như phong tục người Mông vẫn thế. Nhưng cô con gái nằng nặc đi học đã lung lay ý định của ông. Cũng là một chuyện lạ với nhiều người cha nơi đây.
Thời gian đầu ông đưa hai con đi xuyên rừng, qua mấy quả núi để ra đường lớn. Phải đi bộ ít nhất sáu tiếng mới ra được đường dẫn về trung tâm huyện. Vừa đi ông vừa căn dặn các con cách để khỏi lạc, phòng ngừa nguy hiểm trên đường. Sau ông để các con tự đi. Ông nghĩ: con đường đi học của các con khó khăn chừng nào, có lẽ ý chí học hành của chúng lớn lao chừng ấy.
Trong ngôi nhà gỗ tuềnh toàng, những tấm giấy khen của các con bừng sáng. Có sáu người con nhưng năm người được vợ chồng ông lo cho đi học trên huyện. Sênh không có tiêu chuẩn vào trường nội trú huyện, phải học ở Trường THCS Ly ở thị trấn Thuận Châu. Lên lớp 10 lại chuyển sang học tại Trường THPT Việt Bắc (Thái Nguyên). Không dễ dàng với một gia đình thu nhập trông cậy hoàn toàn vào nương rẫy lại phải nuôi năm con đi học…
Học cho mẹ cha, cho đám trẻ ở bản
Sênh kể: “Mỗi lần về nhà em tranh thủ gùi gạo, măng khô, rau cải khô lên trường”. Gùi nặng, có khi ra đến đường lớn vai Sênh tấy đỏ, trầy xước. Nặng hơn trên vai là có cả tấm lòng cha mẹ.
Không nhiều HS người Mông nói tiếng phổ thông lưu loát như Sênh dù Sênh bảo: “Việc tập không nói ngọng rất khó khăn với em khi học, giao tiếp với thầy cô, bạn bè…”. Rất nhiều bỡ ngỡ, khó khăn với một cô học trò nhỏ từ bản đi học xa, nhưng Sênh cứ tỉ mỉ học từng thứ và liên tục là HS tiên tiến, HS giỏi. Thầy cô bảo Sênh là một trong những HS chăm chỉ, học tốt những môn khoa học xã hội. Không chỉ thế, năm lớp 9 Sênh được chọn đi thi HS giỏi môn lịch sử cấp huyện và đoạt giải 3; lớp 12 có mặt trong đội tuyển HS giỏi cấp tỉnh.
Mỗi lần về nghỉ hè, Sênh nhờ mẹ dạy khâu áo, thêu thùa, đi nương – những công việc mà tất cả phụ nữ Mông đều phải thành thạo. Nhưng trong sâu thẳm lòng mình Sênh vẫn luôn mong muốn được học cao hơn để sau này có thể “làm một điều gì đó tốt cho trẻ em ở Cha Mậy”. Sênh bảo: “Ở Cha Mậy nam nữ kết hôn sớm. Cũng đã có người hỏi em làm vợ. Nhưng em chỉ mơ ước được đi học; học để thay đổi cuộc sống nghèo khó, để bù lại những vất vả của cha mẹ”.
Mẹ Sênh, một phụ nữ Mông không hề biết tiếng phổ thông, hiếm khi đi xa hơn những cánh rừng xung quanh bản nhưng lại là người lặng lẽ ủng hộ sự học của con cái. Sênh vào ĐH, bà chuẩn bị hành trang đến trường cho con gái một cách tỉ mỉ, chu đáo; tự tay thắt cho con cái đai lưng do chính tay bà thêu. Rưng rưng bà nói với chúng tôi bằng tiếng của dân tộc mình: “Mong mọi người giúp để Sênh tiếp tục được đi học”.
Chúng tôi lại nghĩ khác: chính chí học cao hơn đỉnh núi của Sênh và sự nhọc nhằn của cha mẹ đã tiếp bước cho Sênh đi cùng ước mơ của mình.
TRỊNH VĨNH HÀ – KHƯƠNG XUÂN (TTO)
Bình luận (0)