Áo xanh tình nguyện trên vùng cao
Thanh niên tình nguyện tham gia làm đường |
Mặt trời đã gác núi, những ngôi nhà gỗ cửa đóng im lìm, không tiếng cười trẻ thơ đã càng làm tăng thêm sự lặng lẽ, cô quạnh giữa núi rừng. Lúc này, những người phụ nữ S’Tiêng tay bồng bế con thơ bắt đầu ra đứng đầu ngõ đăm đắm trông về phía rừng xa, để chờ đợi chồng, cha, con của họ từ rừng sâu trở về. Cuộc sống của người S’Tiêng ở Bom Bo cứ thế trôi qua theo ngày tháng và có lẽ họ không nghĩ rằng vào một ngày mai kia sẽ có một “phố núi” được mọc lên từ rẻo cao nguyên đất đỏ này…
Đổi thay nhờ những bàn tay
Tiếp chúng tôi, già Làng Điểu Lên ở Sóc Bom Bo, năm nay ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn còn rắn rỏi, cứ tấm tắc khen: “Người S’Tiêng có nghĩ cũng không dám. Bao năm quen với cảnh núi rừng. Giờ được định canh định cư ổn định. Các rẫy cà phê, tiêu, điều, ngô, lúa… Mỗi năm thu được hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Điều này làm cho dân S’Tiêng tao cảm thấy rất yên tâm với cuộc sống mới. Cái đói không còn nữa…”.
Những năm trước, có đến 15% dân số toàn xã Bom Bo là người dân tộc S’Tiêng, do quen với lối sống du canh, du cư, nên hàng ngày họ chỉ biết trông lên rừng để chặt cây bán gỗ, lấy đất trỉa ngô, lúa. Vì thế chẳng mấy chốc, họ đã biến những cánh rừng bạt ngàn nơi đây thành những rặng đồi hoang, núi trọc và mảnh đất này ngày càng khắc nghiệt hơn trước nắng gió cao nguyên. Còn bây giờ, chương trình 135 của Chính phủ là hỗ trợ các xã nghèo miền núi và trong đó có Sóc Bom Bo. Từ nguồn kinh phí 400 triệu đồng/năm này, lại được tiếp nhận thêm nguồn trí thức trẻ tình nguyện về, làm cho sắc diện Sóc Bom Bo mỗi năm một đổi thay.
Anh Phạm Quốc Cường là kỹ sư xây dựng tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa thành phố, tâm huyết về xây dựng Bom Bo mà bỏ chốn phồn hoa đô hội. Gần 2 năm ở đây, dấu ấn để lại cho người dân Bom Bo là những công trình cơ sở hạ tầng do anh thiết kế và đang gấp rút hoàn thành trong năm nay. Đó là công trình nhà văn hóa trung tâm, nhà thiếu nhi, sân vận động, nhà truyền thống, trường trung học phổ thông cơ sở, trạm y tế…”. Còn bây giờ Cường lại tiếp tục xắn tay vào xây tiếp 230 căn nhà tình thương, tình nghĩa cho đồng bào dân tộc. Để gặp được anh, chúng tôi phải vượt qua hai, ba ngọn đồi để đến ấp 9 của xã Bom Bo, nơi anh đang lập kế hoạch xây dựng nhà tình nghĩa cho bà con tại đây. Với nước da đen rám, khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, anh hóm hỉnh kể: “Mình về đây mới chưa đầy hai năm không biết có thay đổi và giống người S’Tiêng hay không mà đám bạn cứ gọi mình là “Điểu” Cường. Mà thật, có lẽ mình rất có duyên số với người S’Tiêng, nhiều lần về thành phố thăm gia đình được hai, ba ngày là lại nhớ Bom Bo, buộc lòng phải khăn gói trở lên trước thời hạn nghỉ phép”.
Một chàng trai cũng dạn dày phong sương núi rừng Bom Bo không kém khác là trưởng nhóm trí thức trẻ tình nguyện, Nguyễn Thành Long. Long tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp, khát khao chinh phục núi rừng bằng kiến thức của mình và anh đã tình nguyện về Bom Bo. Già làng Điểu Lên ở ấp 3, sau khi dẫn chúng tôi đi tham quan về mà cứ tấm tắc khen mãi về những mô hình nông, lâm nghiệp tại đây: “Cái rẫy của Điểu Hiên nhờ thằng Long mà mỗi năm thu về bạc triệu. Nó là kỹ sư mà. Trồng cây gì, con gì cũng chắc ăn như tao trồng bắp”. Dẫn chúng tôi một vòng qua các ngọn đồi, những mô hình thời thượng của kinh tế nông nghiệp là “kinh tế trang trại” cũng được anh phác họa, xây dựng cho người dân nơi đây. Già làng Điểu Lên đưa tay chỉ như khoe: “Đây là rẫy điều cao sản Ấn Độ; kia là ngọn đồi hồ tiêu, dưới chân ngọn đồi là ao cá xen lẫn là những mảng vườn khoai, bắp để tao có thể kiếm thêm tiền dưa mắm cho bữa cơm… tất cả đều do thằng Long chỉ cho gia đình tao làm đó”… Và với ông, những câu chuyện về thằng Long, thằng Cường cứ mãi nối tiếp nhau bên những ché rượu cần và ánh đèn điện sáng choang thay cho ánh lửa rừng, câu chuyện vẫn chưa kết thúc cho đến tàn đêm.
“Phố núi” lên đèn
Trưởng thôn Điểu Quánh, khề khà bên ché rượu cần, thông tin cho chúng tôi nhưng không giấu được niềm hãnh diện với núi rừng Bom Bo hôm nay: “Về Bom Bo, bây muốn nghe chày giã gạo thì tao dẫn bây đi lên nhà máy xay lúa của Điểu Hên. Muốn lên rẫy thì lấy máy cày chở bây đi. Còn nấu cơm thì bằng điện chứ không dùng củi như ngày xưa nữa. Bệnh đau không cần phải lội suối, trèo đèo để hái lá rừng chữa trị nữa mà có thuốc Tây rồi …”. 2 năm trước, cũng theo nhịp bước chân tình nguyện trẻ, Nguyễn Trung Thành, tốt nghiệp Trung cấp Y tế thành phố cũng khăn gói về Bom Bo để giúp người dân nơi đây xóa bỏ những nếp nghĩ về việc “lấy lá rừng làm thuốc”. Sau gần 2 năm trời rong ruổi khắp các thôn, ấp ở Bom Bo để khám chữa bệnh cho người dân nơi đây, dường như anh đã thấu hiểu và cảm thông những nỗi khó khăn thiếu thốn của người Bom Bo trong cảnh bệnh đau do tiết trời của chốn rừng núi xa xôi hẻo lánh này. Dẫu biết rằng rồi cũng có ngày trở về lại chốn thị thành, nhưng đã bao lần anh vẫn không thể nào ra đi khi những tấm lòng của đồng bào dân tộc S’Tiêng đã thắt chặt vào tim anh bằng một sợi dây tình cảm vô hình mà anh không thể nào tháo gỡ ra được. Chị Điểu Thị Xây, cùng hàng chục người khác ở một thôn nằm sâu trong ấp Chín, xã Bom Bo khi nghe đoàn chúng tôi đến, họ đã lặn lội ra từ tờ mờ sáng để mong được gặp vì cứ ngỡ chúng tôi sẽ rước anh Thành về miền xuôi. Mới vừa gặp, chị đã vồn vã: “Các anh về miền xuôi thì về, nhưng các anh đừng bắt anh Thành về. Nhờ có anh Thành mà tôi thoát chết từ cơn bệnh sốt rét hồi năm ngoái. Bà con chúng tôi quí Thành lắm, nếu anh đi rồi, khi bị bệnh thì chúng tôi biết xoay trở thế nào đây?”. Chẳng những Thành không về mà còn quyết định mở một tủ thuốc ở trên đỉnh một ngọn đồi ấp 9, nơi mà mỗi khi có cơn mưa đi qua thì người dân muốn mua thuốc chữa bệnh phải đi bộ hàng chục cây số mới tới trung tâm xã được. Còn hôm nay tại đây đã có một tủ thuốc và một phòng khám bệnh hẳn hoi để người dân núi rừng có thể đến khi bệnh hoạn do tiết gió trở trời của vùng rừng núi vốn được mệnh danh là thâm sơn cùng cốc… Những điều tai nghe mắt thấy về Bom Bo hôm nay hoàn toàn khác hẳn trong tâm trí của chúng tôi về một Bom Bo bên ánh lửa rừng nghe tiếng giã gạo. Sự heo hút của rừng núi, cái giá lạnh của màn đêm và cả những căn bệnh sốt rét do muỗi và sự hà khắc của chốn “rừng thiêng nước độc” ở Bom Bo cũng đã được đẩy lùi.
… Hoàng hôn đã phủ trùm lên Bom Bo tự bao giờ, những ánh đèn điện được bắt sớm từ những dãy nhà ngói phía triền đồi như đã làm xua tan đi những áng sương đêm xuống sớm ở núi rừng. Đắm nhìn phố núi lần nữa trước lúc chia tay, lòng lâng lâng vui theo sự thay đổi của núi rừng Bom Bo mà quên đi cả những lời chia tay, tiễn biệt của những chàng trai trẻ tình nguyện về với Bom Bo và đã ở lại xây dựng cho Bom Bo. Mai này, phố núi tráng lệ ấy được mọc lên, có lẽ không phải chỉ riêng trong chúng tôi mà tất cả mọi người nơi đây, sẽ mãi không quên những chàng trai trẻ đã tình nguyện về đây, về với Bom Bo trong những ngày phố núi hẳn còn ngổn ngang khó khăn này.
Nguyễn Công Lý
Bình luận (0)