Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Anh thợ hồ làm giám đốc

Tạp Chí Giáo Dục

 

Anh Trọng tại công ty nước uống đóng chai của mình

Dân gian có câu: “Tam thập nhi lập”, nghĩa là con người ta khi đến 30 tuổi đã có thể tạo dựng nên sự nghiệp cho mình. Tuy nhiên, không ít người do hoàn cảnh nên đến “tam thập” mà vẫn trắng tay. Trường hợp của anh cũng vậy. Ngoài 30 tuổi mới bắt đầu làm lại cuộc đời mình bằng cách vừa đi làm vừa đi học BTVH để rồi 8 năm sau trở thành một giám đốc. Đó là anh Vũ Hoàng Minh Trọng – Giám đốc Công ty Nước uống đóng chai Vast ở Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM.
Tôi gặp anh tại Lễ tổng kết năm học 2009-2010 và kỷ niệm 8 năm thành lập Trường BTVH Thành đoàn vào hồi tháng 5. Anh được Ban giám hiệu mời với tư cách là một học viên (HV) cũ của trường. Trước đó, tôi đã biết đến tên anh qua bài viết của một thầy giáo trong trường kể về một tấm gương HV có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn biết phấn đấu để đạt được mục đích của mình. Trong bài viết của mình, thầy Đoàn Dương Đông đã đúc kết một phương châm sống qua câu chuyện của HV Trọng: “Đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội. Phải biết tạo ra cơ hội và nắm bắt lấy nó!”. Phải chăng đó cũng là bài học được rút ra từ cuộc đời thăng trầm của cậu trò mồ côi cha Vũ Hoàng Minh Trọng?
Những tháng ngày gian khó
… Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở khu Xóm Mới, quận Gò Vấp, TP.HCM nhưng Vũ Hoàng Minh Trọng vẫn được cha mẹ cho ăn học để không thua thiệt với bạn bè. Cuộc sống của mấy mẹ con Trọng càng bế tắc hơn khi người cha ngã bệnh mất sớm. Bắt đầu từ đó, ngoài giờ học, Trọng phải phụ giúp mẹ những công việc trong nhà. Dù gồng mình làm việc suốt ngày nhưng người mẹ vẫn không lo đủ ngày hai bữa cơm cho đàn con thơ, gia đình luôn thiếu trước hụt sau. Nhiều bữa Trọng đi học mà bụng đói meo vì không có hạt cơm nào lót dạ. Mấy mẹ con sống lắt lay trước gió bão cuộc đời. Không cam chịu cảnh bần hàn như vậy mãi, một ngày đầu năm 1981, mẹ Trọng quyết định dắt díu ba đứa con đi kiếm kế sinh nhai. Năm 13 tuổi, Trọng phải từ bỏ bạn bè trường lớp để sớm bước vào đời.
Bốn mẹ con Trọng vượt cả trăm cây số lên vùng đất Định Quán, Đồng Nai để sinh cơ lập nghiệp. Tiền bạc không có, của cải lại càng không, khó khăn cứ thế chồng chất thêm. Lúc đó may mà có người thân cho một miếng đất nhỏ để cất nhà làm nơi trú ngụ chứ cũng chẳng có tiền để mua. Bắt đầu từ đó, bà con ở đây thấy xuất hiện một người đàn bà ốm yếu ngày ngày đi vào rẫy làm mướn, cậu con trai gầy gò lẽo đẽo sau lưng mẹ. Hai mẹ con hết nhổ cỏ thuê quay sang cắt lúa, bẻ bắp mướn, khi mặt trời tắt nắng lại cõng một bó củi trên vai như gánh một định mệnh của kiếp nghèo. Để có thêm tiền chi tiêu trong gia đình và mua quần áo, sách vở cho con, mẹ quyết định bán thêm bánh tráng. Ngày nào hai mẹ con cũng thức dậy từ 4 giờ sáng. Hôm thì xay bột tráng bánh, bữa lại quạt than nướng bánh để kịp đi chợ. Phần việc lúc bấy giờ của cậu bé Trọng là vác bao bánh đi bán từ đầu làng đến cuối xóm. Những cơn mưa lạnh buốt hay cái nắng gay gắt giữa buổi trưa hè không thể làm tắt đi tiếng rao của cậu. Nhiều hôm, đôi chân mỏi nhừ, miệng rao khản cả cổ mà chỉ bán được vài ba chiếc. Cuộc đời của đứa trẻ mồ côi là chuỗi ngày vất vả trong vị mặn chát của những giọt mồ hôi. Lớn lên một chút, Trọng theo đám thanh niên trong làng đi làm phụ hồ. Lại những ngày trộn vôi vữa, khiêng gạch ngói để mưu sinh. Thế nhưng không như người khác tự an phận thủ thường, Trọng luôn tìm cho mình cơ hội làm việc tốt hơn. Nhờ thông minh và có bàn tay khéo léo, sau một thời gian đi làm thuê, Trọng đã trở thành thợ giỏi. Một lần biết được thông tin tuyển sinh của một lớp đào tạo kỹ thuật nghiệp vụ xây dựng, anh nung nấu ý chí đi học. Anh Trọng chia sẻ: “Dù mình có giỏi như thế nào nhưng không được đào tạo đến nơi đến chốn thì cũng chỉ là thợ tay ngang. Nhận thấy lớp học này phù hợp với công việc và sở trường của mình nên tôi quyết định theo học”.
Hàng ngày, sau giờ làm, anh chạy xe từ Đồng Nai về Sài Gòn đi học bất kể đêm tối mưa gió hay bệnh tật. Nhiều khi cực khổ quá Trọng muốn nghỉ việc để chú tâm vào chuyện học hành nhưng không thể vì anh là trụ cột trong gia đình. Người mẹ tảo tần của anh 10 năm nay bị chứng tai biến mạch máu não nên chỉ nằm một chỗ, không làm được gì. Con đường đến trường chông gai là vậy nhưng Trọng không chịu đầu hàng số phận. Chỉ sau 18 tháng với 3 khóa học, anh đã hoàn thành chương trình của mình. Thế nhưng, đúng ngày thi tốt nghiệp, anh bị tai nạn giao thông phải vào bệnh viện điều trị hơn 2 tháng trời. Không chịu chùn bước, ba tháng sau, anh tiếp tục thi thêm phần lý thuyết để lấy cho được tấm bằng tốt nghiệp.
Vừa chạy xe ôm vừa đi học
Vào Trường BTVH Thành đoàn TP.HCM học văn hóa, tuy mất hết hồ sơ học bạ nhưng sau 23 năm kiến thức của anh hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Vì thế, Trọng đã dễ dàng vượt qua kỳ thi sát hạch đầu vào của trường. Nhờ luôn biết phấn đấu nên anh không hề thua bạn bè trong lớp về điểm số cuối mỗi học kỳ. Liên tục trong mấy năm liền, anh thợ hồ Minh Trọng đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và học sinh giỏi. Ngoài cương vị lớp trưởng, anh còn là thủ lĩnh cho nhiều phong trào của trường của lớp, hết lên sân khấu diễn kịch đến làm người dẫn chương trình cho các sự kiện trong trường. Vì quá chú tâm vào chuyện học nên công việc xây dựng của anh thời gian này bị đình trệ.
Rồi một lần tình cờ đọc báo biết có người muốn sang lại xưởng nước đóng chai, Trọng muốn thử nghiệm trong lĩnh vực mới này. Vay mượn khắp nơi cộng với số tiền bao nhiêu năm làm lụng vất vả dành dụm được, anh tiến hành sang lại phân nửa xưởng. “Nhiều người bảo rằng tôi quá liều mạng khi làm việc này vì lúc họ làm ăn thua lỗ tự dưng mình nhảy vào chịu trận. Nhưng tôi luôn tin vào bản thân. Do trước đó đã từng đi tiếp thị và bỏ mối bia, nước ngọt nên tôi cũng có một lượng khách ổn định, nhờ thế mà yên tâm phần nào”, anh Trọng bộc bạch. Thời gian đầu, phân xưởng của anh gặp không ít khó khăn về thị trường đầu ra, mỗi ngày chỉ tiêu thụ được hơn 100 bình nước. Nhưng dần dần, số lượng tăng lên đáng kể. Đến nay, mỗi ngày, xưởng của anh đã tiêu thụ được 1.500 bình nước đóng chai Vast. Bên cạnh đó, anh còn được người quen, bạn bè giới thiệu mối bán hàng nên lượng hàng xuất xưởng ngày một tăng.
Hôm đến Công ty Tân Trọng Phát nằm trong Khu công nghiệp Tân Bình, tôi thấy anh đang trực tiếp điều hành các công nhân làm việc. Ngồi tiếp khách mà di động của anh đổ máy liên tục. Trò chuyện qua điện thoại xong anh quay sang giải thích đó là những khách hàng và đối tác trong công việc. Nghe anh kể chuyện về thời đi học, tôi thắc mắc: “Có lúc nào anh thấy mệt mỏi và chán nản không?”. Anh Trọng nhanh nhảu: “Có chứ, nhiều lần lắm”. Rồi anh kể tiếp cho tôi nghe có thời gian vừa đi học vừa phải chạy xe ôm: “4 giờ 30 sáng đã ra đường Tân Kỳ Tân Quý để đón khách. 7 giờ ăn qua loa ổ bánh mì hay dĩa cơm tấm rồi lên công trình. Tối vào trường thay bộ quần áo mang theo để lên lớp. Học xong, 9 giờ đêm lại ra Bệnh viện Tai – Mũi – Họng tiếp tục chạy xe ôm”. Mỗi đêm anh chỉ ngủ được 3 tiếng đồng hồ, thời gian còn lại phải dành cho công việc và đi học nên áp lực là điều không thể nào tránh khỏi. Bây giờ ngồi nghĩ lại nhiều khi anh cũng tự hào với nghị lực của bản thân. Anh Trọng đúc rút kinh nghiệm sau nhiều năm “chiến đấu” với những khó khăn trong cuộc đời: “Người lớn tuổi thường bị chi phối về chuyện gia đình, công việc nên ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình học tập. Nhưng gian khó rồi sẽ nhường chỗ cho chuỗi ngày thành công nếu chúng ta biết cố gắng, kiên nhẫn và sống có định hướng rõ ràng”. Nhờ có ý chí kiên cường, không bao giờ ỷ lại vào bản thân mà sau khi có tấm bằng tú tài anh vẫn chưa chịu dừng chân nên tiếp tục theo học ngành quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Mở TP.HCM. Bạn bè thường trêu rằng anh đi học như để bù lại thời gian 23 năm vì kế sinh nhai mà phải gác chuyện học hành sang một bên.
Bài, ảnh: Hương Thủy

 

Bình luận (0)