Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Người cựu binh già đi tìm chữ cho lũ trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Nguyễn Đức Tảo (phải) với ông Nguyễn Sáu – người đồng hành cùng phong trào khuyến học xã suốt 14 năm qua

Trở về từ những năm tháng chiến tranh ác liệt, chứng kiến cảnh nhiều học sinh xã nhà phải bỏ học giữa chừng vì cuộc sống đói nghèo, ông đã trăn trở rất nhiều. Rồi ông quyết định mở lớp dạy Anh văn miễn phí và vận động bà con ủng hộ thành lập quỹ khuyến học để khuyến khích con em trên địa bàn tiếp tục đến trường. Gần 15 năm vì tương lai thế hệ măng non, ông đã viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường về phong trào khuyến học trên mảnh đất nghèo Cam An.
Ông là cựu chiến binh Nguyễn Đức Tảo, ở xã   Cam An (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Tham gia bộ đội năm 1963. Hai năm sau, ông vinh dự được Cục Tình báo cử đi học khóa cử nhân ngoại ngữ, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1968, ông gia nhập đơn vị Tình báo kỹ thuật thuộc C150 – Quân đoàn 3 – Tây Nguyên. Chiến tranh kết thúc, ông tham gia chiến trường Campuchia (năm 1977), rồi quay về chiến đấu trong chiến tranh biên giới ở Lạng Sơn (năm 1979). Về hưu, ông canh cánh trong lòng khát vọng giúp trẻ em nghèo có điều kiện vươn tới chân trời tri thức.
Đưa ngoại ngữ về… làng
Nghỉ hưu năm 1984, chưa đầy một năm sau, ông tập hợp con em từ cấp 1 đến cấp 3 trong xóm lại dạy học Anh văn… không thù lao. Tiếp xúc với thế hệ trẻ, ông luôn nhắn nhủ các cháu thông điệp rằng, bây giờ phong trào học Anh văn chưa phát triển, nhưng chưa đầy chục năm nữa đây sẽ là môn học cần thiết. Muốn tiếp cận nền khoa học kỹ thuật hiện đại, các cháu cần phải học thông thạo môn ngoại ngữ này.
Ban đầu, các bậc phụ huynh tỏ ra nghi ngại, bởi ở cái nơi mà đời sống theo kiểu “cơm bữa có bữa không”, học trò không biết lấy đâu ra tiền đóng học phí đến trường học tiếng mẹ đẻ, nói chi tới chuyện học tiếng Tây. Thế là, để dạy học cho trẻ em nghèo ông phải chọn thời gian tầm 6 giờ chiều, khi các gia đình đã nghỉ ngơi sau ngày làm việc. Thấy thời gian hợp lí, bà con cho con em đến học ngày một đông. Các cháu học rất say mê. Từ đó, hình ảnh các cô, cậu bé vắt vẻo lưng trâu, miệng ê a đọc tiếng Anh ở miền quê Cam An này không còn là sự lạ.
Ông Tảo bộc bạch: “Thời mình do điều kiện chiến tranh ly lạc, nay hòa bình cần phải tạo thêm điều kiện cho các cháu mở mang kiến thức, xây dựng quê hương. Mong muốn của tôi là giúp các cháu học tập thật tốt để mai này góp phần xây dựng quê hương đất nước. Mà muốn vậy, trước tiên phải giúp các cháu học cái chữ, cái ngoại ngữ chuẩn để sánh vai với bạn bè trong nước và quốc tế. Có vậy, mai này các cháu mới không phải cực khổ tần tảo một nắng hai sương, quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” như ba mẹ chúng”.
Ngoài việc dạy học, ông còn tranh thủ thời gian đến tận từng nhà có con em nghỉ học “tư vấn” cho các bậc làm cha làm mẹ cố gắng tiếp tục đưa con đến trường. Nhờ đó mà học trò ở miền quê nghèo này không còn dở dang chuyện học hành như trước nữa.
Chắp cánh ước mơ cho học trò nghèo
Để giúp các cháu thực hiện ước mơ vào giảng đường đại học, năm 1997, ông Tảo cùng người bạn tri âm Nguyễn Sáu đứng ra thành lập Quỹ khuyến học thôn Phổ Lại (Cam An). Ông vận động từ bà con trong thôn, đến các cơ quan, xí nghiệp, các đơn vị kinh doanh đóng góp quỹ. Năm đầu tiên, quỹ thu được 14 triệu đồng, giúp được rất nhiều con em trong thôn đến trường. “Tôi có ba cháu theo học đại học, là cán bộ nghỉ hưu, hàng tháng có lương mà việc nuôi con ăn học còn hết sức chật vật, huống chi là nông dân. Bởi vậy, tôi lập Quỹ khuyến học với mong muốn giúp được các cháu phần nào hay phần đó”, ông Tảo tâm sự.
Thấy mô hình khuyến học của ông có hiệu quả thiết thực, chính quyền xã tạo điều kiện giúp đỡ. Năm 2000, ông được bầu làm Chủ tịch Hội khuyến học xã. Bên cạnh phong trào khuyến học, ông Tảo còn đề xuất phong trào khuyến dạy để động viên, khuyến khích các giáo viên đang công tác tại các trường trên địa bàn xã. Không chỉ có vậy, ông còn tổ chức “Đêm giao lưu văn nghệ nối nhịp cầu khuyến học” nhằm huy động sức mạnh ở tất cả các nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là nối nhịp cầu cho các thế hệ học trò trưởng thành từ phong trào khuyến học có điều kiện quay lại giúp đỡ các em đang theo học. Và trong đêm giao lưu văn nghệ đầu tiên (năm 2008), Quỹ khuyến học xã đã thu về gần 15 triệu đồng, trên 1.000 cuốn vở. Số tiền và vở này ông đã cùng với xã trao cho học sinh giỏi các cấp, tân sinh viên đỗ đại học, cao đẳng.
Từ phong trào khuyến học do ông Tảo thành lập, đến nay toàn xã Cam An đã có 18 CLB khuyến học, với 1.150 hội viên khuyến học/1.287 hộ gia đình. Đến nay đã có 155 sinh viên cùng hàng trăm học sinh từ bậc tiểu học đến THPT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Quỹ khuyến học hỗ trợ. Hàng năm, xã Cam An đều có học sinh đoạt giải quốc gia và được chọn làm mô hình điểm cho toàn huyện Cam Lộ.
Về Cam An hôm nay, câu ca như nỗi niềm trăn trở của nhà thơ Chế Lan Viên – người con của mảnh đất này “Ơi gió Lào ơi đừng thổi nữa/ Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ/ Những đồi sim không đủ quả nuôi người” như đã được thấu hiểu và bù đắp. Cuộc sống của bà con đã đủ đầy hơn trước. Phong trào xã hội hóa giáo dục đã lan rộng khắp nơi. Đặc biệt, ba năm trở lại đây, miền quê này còn xuất hiện phong trào “gia đình cử nhân”.
Trong hành trang vào đời, mỗi thế hệ học trò Cam An hẳn sẽ không bao giờ quên được sự đóng góp miệt mài, không toan tính của những bông hoa tiêu biểu như người cựu chiến binh già Nguyễn Đức Tảo – người viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bà Nguyễn Thị Thùy Mỵ, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Quảng Trị nói: “Trong công cuộc xã hội hóa giáo dục hôm nay rất cần những hạt nhân khuyến học tích cực như bác Nguyễn Đức Tảo. Bác là một bông hoa rạng rỡ giữa vườn hoa khuyến học của tỉnh nhà”.

 

Bình luận (0)