Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

O Sâm và bức ảnh lay động lòng người

Tạp Chí Giáo Dục

Ở vào tuổi 70, nhắc tới quãng thời gian cống hiến cho Tổ quốc, bà Sâm khiêm tốn bảo đó là nhiệm vụ
Trở về cuộc sống đời thường sau 20 năm quê hương im tiếng súng, nữ y tá Ngô Thị Sâm ở phường Thạch Quý, TP.Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) không hề biết rằng, khoảnh khắc bà băng bó vết thương cho tên lính dù Mỹ đã được một nghệ sĩ nhiếp ảnh ghi lại. Bức ảnh sau đó được triển lãm đã lay động lòng người yêu chuộng hòa bình trên thế giới với tựa đề “Tấm lòng Việt Nam”…
Bức ảnh để đời
Tìm đến phường Thạch Quý, chúng tôi hỏi nhà nữ y tá Ngô Thị Sâm, nhiều người ngỡ ngàng rồi chợt ồ lên: “O Sâm băng bó cho thằng Mỹ được chụp lên ảnh phải không?”. Liền đó bà con tận tình chỉ đường về nhà bà Sâm. Đón chúng tôi trong căn nhà cấp 4 là một người phụ nữ có nước da hồng hào, dáng người khỏe mạnh và nụ cười đôn hậu dù nét thanh xuân năm xưa phai mờ theo vòng quay nghiệt ngã của thời gian. “Ngày đó tôi chỉ biết làm tròn nhiệm vụ của một người y tá chứ không hề nghĩ rằng mình được chụp lên ảnh rồi nổi tiếng như thế”, vừa nói bà Sâm vừa đưa tay chỉ lên tường phòng khách, nơi treo bức ảnh cũ mèm đen trắng cho khách xem.
Bà Sâm nhớ lại: “Hôm đó tôi đang bán gạo ở chợ thì có anh cán bộ huyện Thạch Hà dẫn một người gọi là nghệ sĩ nhiếp ảnh đến. Hỏi han vài câu rồi ông ấy chìa tấm ảnh ra tặng tôi. Ông ấy nói, bức ảnh này vừa đoạt huy chương vàng đồng hạng do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức triển lãm. Lúc đó tôi sững sờ, không tin là giây phút mình băng bó vết thương cho tên lính Mỹ đã được ghi lại và được đem đi triển lãm. Rứa mà mấy chục năm tôi không hề hay biết”…
Bà Sâm nhớ lại thời khắc bà gặp và băng bó cho tên lính Mỹ ấy. Đó là ngày 19-5-1972, thời điểm không quân Mỹ ồ ạt dội bom xuống Hà Tĩnh hòng cày nát mảnh đất này. Tầm trưa, khi chiếc máy bay F4 của địch đang quần lượn trên bầu trời Hà Tĩnh, nhăm nhe tìm mục tiêu để dội bom thì bị hỏa lực pháo cao xạ của ta bắn cháy. Phát hiện thấy chiếc dù bật rơi xuống cánh đồng xã Thạch Trung, bà Sâm cùng 4 dân quân xác định điểm rơi để bắt sống địch. “Lúc nớ tôi và anh em nghĩ rằng, bộ đàm của tên lính Mỹ vẫn còn phát tín hiệu nên tìm cách nhanh chóng phá hủy để nó không phát hiện vị trí để ứng cứu. Thế nhưng lúc đó, trên bầu trời xuất hiện 6 chiếc máy bay địch quần thảo, bắn hàng loạt đạn xuống cánh đồng đến rát mặt. Chúng tôi trườn theo mấy luống khoai để tiếp cận tên lính dù. Đến gần nó, anh em phát hiện dấu đất mới, nghi là nó vừa kịp giấu bộ đàm nên chúng tôi liền đào lên, đạp nát bộ đàm. Mất tín hiệu, máy bay giặc tản dần. Còn chúng tôi áp giải địch về căn cứ”. Bà Sâm cho biết thêm: “Lúc bị bắt, tên địch tỏ vẻ hoảng loạn. Hắn bị nhiều vết thương ở vùng đầu, mặt, cổ, máu chảy nhiều nên tôi lấy bông băng cầm máu cho hắn. Lúc đó quả thật tôi chỉ nghĩ mình làm nhiệm vụ của một y tá cứu bệnh nhân chứ không hề nghĩ là nên bỏ mặc vì hắn là kẻ thù”.
Kỷ niệm thời hào hùng

Bức ảnh nữ y tá Ngô Thị Sâm băng bó vết thương cho phi công Mỹ
Ở vào tuổi 70 với thân hình khá khỏe mạnh, ít ai biết rằng, cô y tá Ngô Thị Sâm năm xưa từng bị đuổi ra khỏi hàng tuyển quân vì… thân hình bé hạt tiêu. “Hồi năm 1965, tôi đi đăng ký tuyển quân để vào dân quân hỏa tuyến. Cả xóm cũng có nhiều chị em đi lắm. Giặc đến nhà thì không ai đứng ngoài cuộc. Rứa mà đến khi xếp hàng tuyển quân, vì thân hình quá bé nhỏ, ốm o nên tôi bị đồng chí trung đội phó nhìn chằm chằm. Nhìn hồi lâu ông lắc đầu, trợn mắt quát: Con cái nhà ai đi chăn trâu thì bước ra ngoài. Tôi lúng túng giải thích mãi, ông ấy vẫn không nghe. Sau đó, mấy người trong thôn cùng đám bạn bè đứng ra làm chứng, ông ấy mới đồng ý cho tôi tham gia lực lượng dân quân”, bà Sâm kể. Cũng vì thân hình bé hạt tiêu ấy nên 6 tháng đầu nhập ngũ, bà Sâm được giao nhiệm vụ chăn bò, tăng gia sản xuất. Sau đó, bà được đưa về làm thủ kho mất 2 năm. Tiếp đó bà được cấp trên cho đi học về ngành y để đào tạo y tá phục vụ cho yêu cầu của chiến trường. Tháng 4-1967, khi địch mở những đợt oanh tạc ác liệt ở đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải (Quảng Trị), thời điểm này để đảm bảo an toàn cho nhân dân, nhiều trẻ em, người già và phụ nữ ở Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế được chuyển ra Bắc. Bà về nhận công tác tại đơn vị K8-K10 thuộc UBND huyện Thạch Hà phục vụ đồng bào đi sơ tán của các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.
Cũng vì thân hình bé hạt tiêu ấy nên 6 tháng đầu nhập ngũ, bà Sâm được giao nhiệm vụ chăn bò, tăng gia sản xuất.
Chiến tranh leo thang, mảnh đất Hà Tĩnh luôn nằm trong tầm của những loạt bom đạn cày xới của địch. Là một y tá, bà Sâm bất chấp ngày đêm, hiểm nguy, hễ có người bị thương là bà có mặt. Nhiều lần đối mặt với cái chết, lần khác lại giáp mặt với lính dù Mỹ nhưng bà vẫn không nao núng tinh thần. Bà kể: “Có lần chúng tôi đang đưa công lệnh di dời kho gạo ở xã Thạch Điền (huyện Thạch Hà) đi đến cầu Nủi thì bị máy bay địch thả bom. Đồng đội đi cùng hy sinh, tôi bị đạn cắt vào cột sống, đầu và mắt cá chân. Được bà con xã Thạch Điền đưa vào bệnh viện kịp thời nên mới sống đến tận bây giờ”. Với những chiến công thầm lặng của mình, bà Sâm vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba và nhiều giấy khen, bằng khen khác.
Chiến tranh đi qua, bà Sâm trở về với cuộc sống đời thường, công tác ở văn phòng UBND huyện Thạch Hà mãi cho đến năm 1988, bà mới nghỉ hưu theo chế độ. Sau đó bà thuê một cửa hàng bán gạo ở chợ thị xã Hà Tĩnh (nay là TP.Hà Tĩnh) để kiếm sống. Cô y tá năm xưa giờ có 5 người con và 10 đứa cháu. Cuộc sống ấm êm. Thi thoảng ký ức chiến tranh dội về đâu đó với hình ảnh các đồng đội, đồng chí chiến đấu ngoan cường. Đôi khi, bà cũng tự hỏi không biết số phận của tên lính dù năm ấy ra sao? Nhưng ý nghĩ ấy qua rất nhanh. Thậm chí bà cũng không biết tên của kẻ địch. Mãi cho đến ngày nhận được bức ảnh, bà mới được biết tên phi công tên là Obri Nicon. Nhắc về thời trẻ tuổi, bà Sâm khiêm tốn bảo rằng đó là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi công dân, của người thầy thuốc chữa bệnh cứu người!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Sau 20 năm mới biết “bị” chụp hình
Kể từ lúc bức ảnh được chụp đến ngày bà Sâm biết sự hiện diện của nó mất khoảng 20 năm. Khoảng thời gian chưa đủ để quê hương hàn gắn vết thương sau chiến tranh tàn khốc nhưng đủ để một đứa trẻ trưởng thành, để gương mặt thanh xuân của cô y tá trong bức ảnh trở thành một người phụ nữ với gia đình con cái đề huề. 
 
 

Bình luận (0)