Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Việt Nam là nước xuất khẩu công nghệ thông tin hàng đầu thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

Tối 29/10, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin Việt Nam – ASOCIO 2014, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức chương trình giao lưu chào mừng Diễn đàn.

Diễn đàn có sự tham dự Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Quang cảnh một buổi tọa đàm trong khuôn khổ Diễn đàn ASOCIO 2014.

(Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ trong 35 năm qua, ngành công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đã đạt được tốc độ phát triển nhanh nhất, xã hội hóa nhanh nhất và hội nhập quốc tế sớm nhất, sâu rộng nhất.

Từ một đất nước phải nhập khẩu thiết bị, máy tính và điện thoại di động, nay Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu các sản phẩm công nghệ thông tin hàng đầu thế giới nhờ thu hút và sử dụng hiệu quả đầu tư nước ngoài và phát huy sức mạnh các nguồn lực trong nước.

Doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam năm 2013 đạt trên 39,5 tỷ USD, tăng 55,3% so với năm 2012 nhờ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử tăng 59,7% với doanh thu trên 36,7 tỷ USD và chiếm tới 93% tổng doanh thu của ngành công nghiệp công nghệ thông tin. Công nghiệp phần mềm và nội dung số cũng tăng trưởng mạnh, lần lượt là 12,7% và 13,9%.

Xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin năm 2013 đạt 34,76 tỷ USD, tăng trên 51,7% so với năm 2012. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Việt Nam đã xuất siêu 8,4 tỷ USD trong năm 2013.

Hệ thống đào tạo nhân lực công nghệ thông tin tiếp tục được duy trì ổn định với khoảng 290 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng và gần 150 cơ sở đào tạo nghề về công nghệ thông tin.

Năm 2013, Việt Nam nằm trong Top 10 nước châu Á có tốc độ tăng trưởng người dùng Internet nhanh nhất khu vực châu Á, đạt 33,19 triệu người; Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 99/193 quốc gia về Chính phủ điện tử trong năm 2013 với 100% cơ quan nhà nước có trang/cổng thông tin điện tử, cung cấp hơn 100.000 dịch vụ công trực tuyến các loại phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Công nghệ thông tin là ngành đi đầu trong hội nhập quốc tế. Kể từ khi Việt Nam mở cửa, các doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu của Việt Nam đã nhanh chóng vươn ra khắp thế giới.

Hiện nay, hầu hết các tập đoàn hàng đầu thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam, không chỉ để tiêu thụ sản phẩm mà còn là để đầu tư lâu dài với quy mô lớn và ngày càng tăng như Samsung đang dẫn đầu với qui mô đầu tư gần 6 tỷ USD, Intel cũng đầu tư trên 1 tỷ USD, các tên tuổi nổi tiếng như Microsoft, IBM, HP, Alcatel – Lucent đều đang đầu tư vào Việt Nam.

Từ năm 2012 , Việt Nam cũng đã vươn lên là đối tác gia công phần mềm lớn thứ 2 của Nhật Bản.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh với niềm tin về tương lai tươi đẹp trong mối quan hệ hợp tác cùng phát triển giữa các nền kinh tế và các doanh nghiệp trong khu vực châu Á-châu Đại Dương, Việt Nam mời gọi bạn bè quốc tế cùng chia sẻ, cùng nhau tạo ra, hướng tới xây dựng một cộng đồng châu Á và châu Đại Dương năng động, sáng tạo, văn minh, tiếp tục là đầu tàu tăng trưởng kinh tế của thế giới.

Trong chương trình, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã trao giấy chứng nhận và giới thiệu với cộng đồng quốc tế 30 doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam 2014.

Đây là các doanh nghiệp tiêu biểu trong hai lĩnh vực là Phần mềm đóng gói và BPO/outscourcing/offstore. Hoạt động này nằm trong chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam mở rộng thị trường, vươn ra quốc tế, xác lập vị trí của mình và của Việt Nam trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.

Trong 30 doanh nghiệp có nhiều tên tuổi quen thuộc của ngành công nghệ thông tin Việt Nam, gồm cả công ty trong nước và công ty có vốn đầu tư nước ngoài như FPT Software, TMA Solutions, Harvey Nash Việt Nam, MK Smart, DiGi-Texx Việt Nam, CMC Software Solution, Tinh Vân,…

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức chương trình giới thiệu các doanh nghiệp được chọn lựa ra thế giới. VINASA sẽ thông qua hệ thống các tổ chức đối tác quốc tế song phương, đa phương của mình, trong đó có Liên minh Dịch vụ Công nghệ thông tin Thế giới (WITSA), Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á-châu Đại dương (ASOCIO).

Chương trình giới thiệu 30 doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam đến các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức được lựa chọn tại gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; tạo cơ hội và hỗ trợ kết nối, hợp tác, tìm kiếm các đối tác tiềm năng.

Sau 8 phiên tọa đàm chuyên sâu về 3 chủ đề chính gồm: “Công nghệ thông tin với tái cấu trúc nông nghiệp”; “Công nghệ thông tin – Phương thức phát triển mới nâng cao hiệu quả dịch vụ công” và “S.M.A.C – Nền tảng công nghệ phát triển thông minh”, ông Abdulah Kafi, Chủ tịch Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á-châu Đại Dương (ASOCIO) đã chuyển tới các Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực châu Á- châu Đại Dương thông điệp của Diễn đàn năm 2014.

Đó là công nghệ thông tin đã xâm nhập và lan tỏa sâu rộng đến mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, tạo giá trị gia tăng mới cho từng ngành cũng như cho toàn bộ nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin.

Với sự hội tụ của mạng xã hội, di động cá nhân, những ứng dụng phân tích và điện toán đám mây chắc chắn sẽ tạo ra nền tảng phát triển mới mà ở đó mọi giá trị cá nhân sẽ được phát huy tối đa.

Dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, nông nghiệp sẽ trở thành ngành kinh tế xanh và thông minh, mỗi hộ nông dân đều có cơ hội trở thành một doanh nghiệp số có năng suất và giá trị vượt trội, cùng với chất lượng cuộc sống cao hơn.

Các quốc gia hãy bắt tay nhau, các ngành nghề hãy sát cánh cùng nhau, các doanh nghiệp trong khu vực hãy hợp tác cùng nhau để cùng phát triển, xây dựng một khu vực châu Á-châu Đại Dương thịnh vượng./.

Việt Hà

(TTXVN/Vietnam+)

Bình luận (0)