Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đổi mới giáo dục ĐH: Không “dàn hàng ngang” để hội nhập quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

Không được “nhúng” trong môi trường nghiên cứu khoa học và sáng tạo nên SV Việt Nam ra trường không nhạy bén, thích nghi kém so với các nước. Điều này gây trở ngại cho quá trình hội nhập quốc tế
Nhiều đại biểu tham dự hội thảo “Hội nhập quốc tế trong quá trình đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam” do ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức, cho rằng việc hội nhập quốc tế trong bối cảnh đổi mới giáo dục ĐH không thể “dàn hàng ngang” mà tiến. ĐH nào có khả năng cần được tạo điều kiện để hội nhập hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhìn nhận, giáo dục Việt Nam để hội nhập sâu rộng với thế giới còn phải vượt qua nhiều thách thức. Để đẩy nhanh tiến độ hội nhập, Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) khẩn trương xây dựng khung trình độ quốc gia, hoàn thiện việc phân tầng, xếp hạng ĐH, điều chỉnh lại cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp tương thích với các nước trên thế giới…
Khó “vươn ra biển lớn”
Thứ trưởng Bùi Văn Ga lý giải, việc SV và người lao động Việt Nam gặp khó khăn trong hội nhập quốc tế xuất phát từ nguyên do hệ thống văn bản pháp quy chưa đồng bộ, chưa có khung trình độ quốc gia thống nhất giữa các trình độ đào tạo sau phổ thông, cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp chưa tương thích với các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Chưa kể, nguồn lực đầu tư cho giáo dục ĐH còn rất thấp. Dù đã huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục ĐH nhưng cho tới nay chi phí đơn vị trên mỗi SV một năm bình quân chưa được 500 USD. Mức này so với các nước phát triển lẫn khu vực còn quá khiêm tốn, dẫn đến nhiều hệ lụy đối với việc thực hiện chương trình đào tạo toàn diện, tạo điều kiện phát huy năng lực sáng tạo của SV. Do thiếu thốn cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học trong trường ĐH còn hạn chế. Giảng viên ít tham gia thực hiện nghiên cứu khoa học do phải đảm đương khối lượng giảng dạy lớn. Không được “nhúng” trong môi trường nghiên cứu khoa học và sáng tạo nên SV ra trường không nhạy bén, thích nghi kém.
PGS.TS Trần Chí Đáo (nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng thừa nhận, lực lượng giảng dạy của nước ta chưa đủ bản lĩnh để hợp tác quốc tế một cách bình đẳng. Rất ít nhà khoa học ở các trường ĐH nước ta cùng hợp tác bình đẳng khi nghiên cứu một đề tài khoa học hoặc cùng hướng dẫn một nghiên cứu sinh. Không nhiều các giáo sư Việt được mời sang các nước giảng dạy một cách đích thực.
“Trong khi đó, trường ĐH thời gian qua được mở một cách tràn lan. Vì thế, đội ngũ giảng viên giỏi vốn đã mỏng lại càng thêm mỏng; cơ sở vật chất đã thiếu lại càng thiếu vì bị dàn trải, phân tán đầu tư. Đối với những trường mới, chất lượng đào tạo thấp là khó tránh khỏi. Khi chất lượng kém, hội nhập giáo dục ĐH trong nước đã khó chưa kể hội nhập quốc tế”, PGS.TS Nguyễn Cảnh Huệ (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) phân tích thêm. Ông Huệ còn đề cập, ngoại ngữ là công cụ quan trọng để các nhà khoa học tiếp cận thông tin, giao lưu, hội nhập quốc tế, nghiên cứu khoa học, tuy nhiên trình độ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh của đội ngũ giảng viên nước ta còn hạn chế. Phần lớn giảng viên độ tuổi từ trung niên trở lên, có học vị, học hàm cao của nước ta hiện nay chủ yếu được đào tạo ở Liên Xô và một số nước Đông Âu nên ít được học tiếng Anh. Thế hệ giảng viên trẻ được đào tạo tiếng Anh khá bài bản thì lại chưa tự tin ở chuyên môn trong hội nhập quốc tế.
Không hội nhập kiểu “dàn hàng ngang”
Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, để đẩy nhanh tiến độ hội nhập quốc tế của giáo dục ĐH trong những năm tới, Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ LĐ-TB&XH khẩn trương xây dựng khung trình độ quốc gia, hoàn thiện việc phân tầng, xếp hạng ĐH, điều chỉnh lại cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp tương thích với các nước trên thế giới…
Theo PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, việc giải quyết bài toán về tài chính là hết sức quan trọng đối với đổi mới giáo dục ĐH. Tài chính hiện được xem như “nút thắt cổ chai” đối với các nỗ lực đổi mới giáo dục đào tạo. Nhiều quy định không còn phù hợp tình hình kinh tế xã hội hiện nay, ngân sách Nhà nước cấp và mức thu học phí không tạo điều kiện đủ để nâng cao chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập.
Theo quan điểm của PGS.TS Trần Chí Đáo, hội nhập quốc tế trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ĐH không thể “dàn hàng ngang” mà tiến. Các ĐH Việt Nam không thể đều hội nhập quốc tế như nhau. Thay vào đó, những ĐH quốc gia, ĐH vùng, ĐH trọng điểm hoặc trường nào có khả năng thì cần tạo điều kiện để hội nhập hiệu quả.
Nhấn mạnh việc khai thác phong cách học tập mỗi SV trong câu chuyện đổi mới giáo dục ĐH hội nhập quốc tế, TS. Trần Đình Châu – Vụ trưởng, Chánh văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực – nhìn nhận: Không có cỡ áo chung cho tất cả mọi người, mỗi SV có cách học riêng vì vậy việc đào tạo cần theo hướng thầy giảng ít hơn để trò học nhiều hơn cũng như tạo điều kiện để SV tư duy, sáng tạo, phát triển trí tuệ.
Bài, ảnh: Mê Tâm
 
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh: Bên cạnh hoàn thiện các chính sách của Nhà nước khuyến khích phát triển hợp tác quốc tế, các trường ĐH cần chủ động tạo điều kiện để mở rộng giao lưu, trao đổi SV, giảng viên với đối tác nước ngoài. Đồng thời tăng cường hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường ĐH uy tín tại khu vực. Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo chuẩn khu vực và quốc tế.
 

Bình luận (0)