Sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM trong giờ thực hành. Ảnh: A.Khôi |
Năm nay, ĐH Y Hà Nội lập kỷ lục lần thứ hai khi xác định điểm chuẩn vào ngành bác sĩ đa khoa của trường là 27,5 điểm. Nhìn từ điểm số đầu vào năm nay, ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng nhà trường tỏ vẻ băn khoăn về cách thức ra đề thi tại kỳ thi ĐH và việc xét tuyển thẳng học sinh đoạt giải quốc gia vào các trường ĐH…
Ông Nguyễn Đức Hinh nói: Mọi người quan niệm 27,5, 28 điểm là con số “kinh khủng”, nhưng bản chất đây là cuộc thi xếp hạng, điểm lấy từ cao xuống thấp đến đủ chỉ tiêu. Giả sử trường lấy 500 thí sinh, nếu 29 điểm mà là người thứ 501 thì cũng bị loại. Vấn đề không phải con số tuyệt đối. Thi ĐH giống như một cuộc chạy marathon. Có người về nhất, về nhì để trao giải. Tuy nhiên, theo tôi, để con số tuyệt đối cao như vậy không tốt cho quá trình phân loại thí sinh. Chúng ta cũng phải xác định sòng phẳng năm nay điểm chuẩn lấy 27,5 không có nghĩa là khóa này giỏi hơn khóa năm trước chỉ lấy 26 điểm. Khi lên điểm thi xong, chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo hai bộ, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế. Nếu điểm chuẩn ngành bác sĩ đa khoa là 28 thì trường thiếu 40 chỉ tiêu. Còn nếu trường lấy 27,5 thì lại thừa 120 chỉ tiêu. Chính vì vậy, khi làm việc với hai bộ chúng tôi cũng đã trình hai phương án. Phương án thứ nhất là đào tạo ngoài ngân sách, phương án thứ hai là du di chỉ tiêu trong tổng chỉ tiêu của trường. Và Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã không đồng ý phương án thứ nhất. Chúng tôi chấp nhận vui vẻ và đã cân nhắc đưa ra mức điểm theo hướng có lợi cho xã hội.
PV: Nhưng có một điều dư luận băn khoăn đó là chỉ tiêu của trường hầu như không tăng qua thời gian, thưa ông?
Chúng tôi không thể tăng vì liên quan đến chất lượng, liên quan đến cơ sở vật chất, con người, liên quan đến trách nhiệm với xã hội. Khác với đào tạo kinh tế, luật, chỉ cần 2-3 giảng đường là năm bảy trăm SV có thể ngồi học để chúng ta diễn trình diễn thuyết. Riêng ngành y còn liên quan đến bệnh viện thực tập, đầu tư… Thế giới không có trường y nào đào tạo 550 bác sĩ/khóa mà thường chỉ là 100, 150, 200. Ở Việt Nam, số lượng trường ít, lại chỉ tập trung ở một vài tỉnh. Nói chung so với thế giới, tỷ lệ trường y tính trên đầu dân thì ở nước ta rất thấp. Chính vì thế để bảo đảm lượng thầy thuốc cung cấp cho đất nước đòi hỏi các trường phải đào tạo nhiều. Hơn nữa, số lượng bác sĩ đào tạo ra đã không còn thiếu so với nhu cầu thực tế.
Ông có nói đây là một cuộc chơi, ai điểm cao sẽ thắng. Thi co cụm như hiện nay là điều không tốt. Vậy theo ông, giải pháp như thế nào để giải quyết hợp lý nhất?
Theo ý kiến của tôi là đề phải rải ra, cho đề khó hơn. Những năm 80, điểm chuẩn 15, 16, 17 điều này không có nghĩa là thế hệ đó kém. Trường tôi đang đau đầu vì có đến 17 thủ khoa, sắp tới khai giảng, chúng tôi thưởng kiểu gì bây giờ. Thủ khoa cùng lắm chỉ 1, 2 người thôi.
Đề khó hơn lại liên quan đến điểm sàn?
Không sao cả, điểm sàn đi theo đề. Điểm sàn do chúng ta đặt ra, năm nay điểm sàn 14, 15, đề khó thì cho xuống 10. Vấn đề làm sao tẽ ra, đừng để cụm lại một cụm phía trên. Quan trọng là xã hội đừng nghĩ 9, 10 là con tôi giỏi còn 6, 7 là con tôi không giỏi. Cuộc thi này hoàn toàn khác với thi phổ thông. Chúng tôi chỉ nhằm mục đích lấy từ trên xuống dưới cho đủ chỉ tiêu. Càng tẽ ra bao nhiêu chúng tôi càng dễ lấy. 20 điểm cũng được, chúng tôi vẫn lấy đủ 500.
Ngoài ra đề khó hơn, riêng với ĐH Y Hà Nội, có cần tạo ra tiền lệ riêng như hạn chế tuyển thẳng với giải quốc gia?
Từ năm ngoái trở về trước, ĐH Y Hà Nội chỉ tuyển thẳng những em giải nhất. Năm nay nhận được thông báo nhận các em giải nhất nhì ba. Năm nay gần 100 em tuyển thẳng.
Có vẻ như nhiều trường không tin vào chất lượng thi quốc gia hiện nay vì để cho các tỉnh tổ chức?
Tôi không tin. Cùng lắm chúng tôi chấp nhận giải nhất. Mọi năm chúng tôi chỉ tuyển nhóm đó thôi. Năm ngoái 1 em giải nhì sinh quốc gia không vượt qua điểm sàn. Hơn nữa, nếu xét tuyển thẳng từ giải ba lên thì tất cả những em được giải đều nộp hồ sơ vào hết ĐH Y Hà Nội. Như vậy, ĐH Hải Phòng, ĐH Y Thái Bình, Học viện Quân y chẳng có em nào, sẽ thiệt thòi cho những trường này. Nếu ĐH Y Hà Nội chỉ nhận giải nhất thì nhì, ba sẽ dàn đều về cho các trường kia, cũng là cách để dàn dều, không cụm lại. Sau năm nay, chúng tôi sẽ quyết liệt về chuyện này kẻo xảy ra hệ lụy. Chúng tôi cũng đã làm nghiên cứu, điểm thi vào trường và kết quả học tập sau 6 năm không có gì liên quan đến nhau. Dù sao đây cũng là bước để chọn các em giỏi, có năng lực. Tôi vẫn đánh giá cuộc thi ĐH là cuộc thi tốt. Mọi thứ thế là ổn. Tôi ủng hộ bỏ cuộc thi tốt nghiệp và chỉ giữ kỳ thi ĐH.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)
Bình luận (0)