Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Đỏ đen” sau giảng đường

Tạp Chí Giáo Dục

Chính SV chứ không ai khác đã tự tay đóng cánh cửa tương lai của đời mình bởi những canh bài như thế

Sau Tết, dạo quanh những quán cà phê cóc gần các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.Đà Nẵng vào bất cứ giờ nào, hình ảnh những sinh viên (SV) tụ tập đánh bài, sát phạt nhau hoặc thức thâu đêm xem đá bóng để cá độ đã không còn hiếm.
Lao vào những cuộc đen đỏ sát phạt nhau thâu đêm suốt sáng, công sức cha mẹ và cả tương lai phía trước của chính bản thân họ vô tình hay cố ý cũng được đặt trên canh bạc đen đỏ… 
Ăn chơi kiểu SV
Tầm 7 giờ tối, dạo quanh một vòng dọc các dãy nhà trọ gần khu vực Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng (thuộc quận Ngũ Hành Sơn), không mấy khó khăn để nghe những thanh âm trầm bổng và tiếng chạm cốc lách cách phát ra từ các phòng trọ chật hẹp. Em P.H.D (21 tuổi), quê ở Quảng Bình, hiện đang là SV năm 3 khề khà cùng bạn bên cốc rượu trắng cho biết: “Thời gian học của bọn em chủ yếu là trên lớp, lúc nào đến kì thi túng lắm thì quay cóp, còn lại thời gian về nhà thì hầu hết ở quán cà phê bóng đá. Đến đầu tháng được nhận tiền từ gia đình thì cùng nhau nhâm nhi cho ra dáng “bản lĩnh” con trai”. Nhiều người dân sống chung quanh các khu trọ của SV cho rằng, hầu như rất ít khi họ thấy các em cầm cuốn vở học bài, thay vào đó những cuộc rượu chè như thế kéo dài đến một hai giờ sáng. “Rượu vào lời ra, dù nửa đêm các em vẫn ồn ào to tiếng như giữa ban ngày, không hề để ý đến mọi người xung quanh nên rất phiền hà. Có nhiều chủ trọ không chấp nhận điều đó đã đuổi các em đi, có người nín nhịn chờ đến sáng mai họ mới gọi các em ra trao đổi. Nhưng sau những tiếng vâng dạ ngọt xớt “Chúng cháu vui quá lỡ gây ồn, chỉ hôm nay nữa thôi” rồi đâu lại vào đấy”, bà Nguyễn Thị Hòa – một chủ trọ chua chát nói.
Với những SV mê bài bạc, bóng đá lại khác, suốt ngày lẫn đêm gần như các em đều có mặt ở quán cà phê. Em Ng.N.V, một SV năm cuối Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho biết, các bạn SV bây giờ phần lớn đều mê chơi bài, cá độ bóng đá. Vào bất cứ giờ nào chỉ cần đi quanh một vòng các quán cà phê bên đường Phạm Như Xương, gần Trường ĐH Sư phạm đều nghe tiếng nhạc ồn ã, tiếng SV sát phạt nhau cũng ồn không kém, hoặc có nhóm lại chăm chăm vào màn ảnh ti vi cỡ lớn theo dõi từng pha bóng. Cuộc cá độ giữa họ đôi khi chỉ là một bữa cà phê, một bữa ăn sáng nhưng cũng có nhiều trường hợp mang cả tiền ăn gia đình tích cóp gửi cho để “nướng” vào cuộc đỏ đen. “Đời SV không thi lại, không ăn chơi thì không phải SV”, một cậu SV đang mải mê đánh bài phán như thế.
Tiền mất…
Khi được hỏi, hầu hết các em SV đều cho rằng, việc tham gia trò chơi đánh bài, bóng đá hay game chỉ để giải trí cho vui. Thế nhưng một khi đã lao vào những cuộc đỏ đen ấy, máu thắng thua khiến tâm thần bị kích thích và không còn ý thức được việc chơi vui với chơi thật. Em Tr.T.N, SV Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho biết, bây giờ không chỉ riêng ở quán cà phê mà ở cả căng tin trường các bạn cũng đem bài vào chơi. Có nhiều bạn mải chơi bỏ cả tiết học chính trên giảng đường. Lao vào sòng bài, ai cũng có máu cá cược, ban đầu chỉ đơn thuần là một bữa cà phê nhưng sau con số ấy nâng dần lên và hiện thực hóa bằng tiền bạc. Không làm ra tiền nhưng cô cậu SV nào đã ngồi vào sòng bài đều hăng hái đặt tiền vào canh bạc không mấy đắn đo và hình như hình ảnh cha mẹ nhọc nhằn nơi chốn quê nhà gần như mờ hẳn dưới màu sắc của các quân bài. Người thắng cười tươi còn người thua thì ỉu xìu thất thểu ra về với điều chắc chắn nhìn thấy trước mắt là những bữa mì tôm dài đằng đẵng đang đợi ở phòng trọ. Đơn cử như trường hợp SV N.N.H, đang học năm thứ 2 ĐH Duy Tân Đà Nẵng than thở: “Hôm kia ba mẹ gửi cho em 2 triệu đồng tiền ăn và tiền trọ học, thấy bóng đá hay hay em lao vào cá cược, đến chừ chỉ còn được 70 ngàn. Từng ấy tiền mà trước mắt còn cả tháng không biết tiêu thế nào”. Khác với H., em Tr.Q.D, một SV năm 3 lại nghe rủ rê đánh bài. Mỗi ván 10 ngàn đồng. Chưa đầy 5 tiếng đồng hồ, D. bỏ cả buổi học và thua sạch trơn 1,5 triệu đồng. Để có tiền tiêu, D. đem cái máy tính xách tay ra hiệu cầm đồ rồi cay cú tiếp tục lao vào đỏ đen. Lại thua! Không còn cách nào khác, D. gọi điện về nhà xin bố mẹ với lý do “lớp con nộp tiền đi thực tế”!
… Tật mang
Sống xa nhà, không còn chịu sự quản lý từ gia đình, một bộ phận SV trở nên buông thả, ham mê cờ bạc, cá độ. Để có được tiền tiêu xài và “nướng” vào những canh bạc như thế, nhiều em nói dối gia đình, số khác liều lĩnh hơn đi chặn đường cướp của. Hậu quả từ đó dù muốn hay không chính bản thân các em cũng phải gánh chịu. Đã có rất nhiều trường hợp đang theo học tại các trường ĐH, CĐ, TCCN ở Đà Nẵng đến khi bị đuổi học, quyết định đã được nhà trường gửi về tận nhà mà SV vẫn chưa hề hay biết, vẫn ung dung ở trọ và chơi bời mỗi ngày. Đơn cử, cuối năm 2011, em H.M đang học hệ CĐ tại ĐH Đông Á Đà Nẵng do thiếu quá nhiều tín chỉ môn học nên bị đuổi học theo quy chế. Khi quyết định về đến nhà, mẹ của em lặn lội từ Bình Định ra Đà Nẵng để tìm hiểu sự tình, khi gặp mẹ, mẹ hỏi thì M. vẫn chưa hề hay biết. Không còn cách nào khác, M. phải khăn gói theo mẹ về quê. Một trường hợp khác vào đầu năm học 2012-2013, em H.V.M đang học CĐ tại một trường nghề Đà Nẵng cũng bị đuổi học. Hiểu ra đã muộn, suốt ngày M. cứ liên tục đốt thuốc rồi thẩn thơ ra vào nhà trọ. Cuối cùng em đành gọi điện về nhà trình bày sự thật và xin ba mẹ được ở lại để đi làm phụ hồ kiếm sống. Hôm ấy nghe tin con, cha mẹ M. ở tận miền biển bãi ngang nghèo khó tất tả vay mượn bà con chòm xóm ít tiền làm lộ phí tìm đến trường xin cho con được học lại nhưng không thể cứu vãn. 
Có lẽ không cần thống kê hết những trường hợp SV bị đuổi học do ham chơi. Bởi sự chơi thì muôn kiểu nhưng hậu quả gần như chỉ có một. Trái đắng ấy không chỉ chính bản thân người “gieo” nên nó gánh chịu mà đáng buồn hơn, những niềm tin yêu của các bậc làm cha làm mẹ gửi gắm vào con cũng tan theo mây gió với những món nợ không biết lấy gì để trả!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
“Nếu các bạn SV trước khi sa đà vào các cuộc chơi chỉ cần nhớ đến nỗi nhọc nhằn và niềm tin của cha mẹ thì hẳn những hệ quả đáng buồn như thế sẽ được hạn chế phần nào”, một cán bộ quản lý của Trường CĐ Nghề Đà Nẵng bộc bạch.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)