SBB ngày nay. Ảnh: T.L
|
Sóc Bom Bo (SBB) nổi tiếng là căn cứ địa cách mạng trong thời chống Mỹ, song người dân khắp nơi còn biết đến SBB với tinh thần chiến đấu, tinh thần hậu cần dành cho bộ đội Cụ Hồ của đồng bào S’Tiêng như câu chuyện cổ tích qua bài hát Tiếng chày trên Sóc Bom Bo của cố nhạc sĩ Xuân Hồng…
Mảnh đất chúng tôi đang đặt chân, trước đây là SBB, nay mang tên mới: Thôn 1, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, Bình Phước. Cái tên được đặt vào ngày 1-4-1998 là một phần đất của hai xã cũ Đăk Nhau và Minh Hưng. Điểu Lênl – người từng tham gia cách mạng, nay là già làng của đồng bào dân tộc S’Tiêng ở SBB, hồ hởi nói: “Cán bộ đến chơi, già làng mừng lắm vì được kể lại câu chuyện về con người, về văn hóa truyền thống của đồng bào trên mảnh đất SBB này”.
Tình người trong những năm lửa đạn
Vào những năm Pháp thuộc, chúng lấy sức đồng bào làm công nhân đồn điền, làm đường 14, cuộc sống khổ cực, tủi nhục biết nhường nào. Tháng 3-1959, Mỹ thay Pháp đàn áp, lập ấp chiến lược, truyền đạo, xuyên tạc cách mạng, nhằm… “tát nước bắt cá, nhổ cỏ tận gốc”. Song, lúc này, Bộ Chính trị đề ra chủ trương xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Tây Nguyên – đồng bào có dịp giác ngộ và đi theo cách mạng. Những nam thanh nữ tú Điểu Beo, Điểu Lết, Điểu B’Riêng, Điểu Ong, Điểu Lúp, Điểu Xiêng, Thị Cát, Điểu K’rú, Điểu Lênl… háo hức theo tiếng gọi non sông tình nguyện làm bộ đội Cụ Hồ góp phần giải phóng quê hương.
Ngay buổi đầu đội du kích Bom Bo do Điểu K’rú lãnh đạo phối hợp cùng lực lượng vũ trang căn cứ Nửa Lon ở Đăk Nhau tổ chức phản công tiêu diệt địch khi chúng đưa quân ra càn quét. Trận đánh này khiến địch không dám đưa quân ra vùng cách mạng. Từ vùng Bom Bo, căn cứ cách mạng của ta đã mở rộng tới giáp biên giới ngã ba Đông Dương.
Nói về căn cứ Nửa Lon, Điểu Lênl cho biết: “Thời bấy giờ bộ đội ta cực khổ lắm, thiếu cái ăn, cái mặc, mỗi người chỉ được nửa lon gạo rang đèo theo trên người, đói mang ra ăn rồi uống nước suối. Từ chuyện nửa lon gạo rang đó mà cái tên căn cứ Nửa Lon ra đời”.
Mùa khô năm 1965, Khu ủy và Bộ chỉ huy Quân sự miền Nam quyết định mở chiến dịch Đồng Xoài – Phước Long. Chưa đầy một giờ đồng hồ, ta làm chủ hoàn toàn ấp chiến lược Bù Đông. Đây cũng là thời điểm Bộ Chính trị vận động bà con ở SBB về với vùng giải phóng làm hậu thuẫn về lương thực và tải đạn. Hơn 200 hộ đồng bào S’Tiêng bỏ ấp chiến lược từ SBB, di chuyển 18km vào vùng Đăk Nhau làm dân tiếp tế, hậu cần với tinh thần tất cả cho chiến dịch, tất cả cho bộ đội Cụ Hồ.
Trên đầu máy bay địch thường xuyên quần thảo, bắn phá, thế nhưng vì bộ đội Cụ Hồ, vì miền Nam thân yêu, những nhịp chày của đồng bào vẫn cứ đều đặn rền vang bên ánh lửa lồ ô. Đuốc lồ ô soi sáng cho bà con giã gạo, đuốc lồ ô soi sáng cả những giọt mồ hôi rơi cùng nhịp chày. Chính hình ảnh này khiến cố nhạc sĩ Xuân Hồng – lúc bấy giờ được Khu ủy biệt phái tăng cường ra mặt trận và cùng tham gia trong đêm giã gạo đã không kìm được xúc động, ông đã “vẽ” lại khung cảnh này qua bài hát Tiếng chày trên Sóc Bom Bo chỉ mất một đêm. Cứ như vậy, trong ba ngày đêm, số lượng gạo đã vượt quá chỉ tiêu quy định. Hơn 30 gia đình ở SBB đã giã được 15.000kg gạo gửi vào chiến trường.
Trong những tháng năm kháng chiến về sau, mỗi lần nghe bài hát ấy, anh em, bộ đội Cụ Hồ như được tiếp thêm sức mạnh về tinh thần, bởi họ lại được gợi nhớ về tấm lòng của bà con đồng bào S’Tiêng. Song nỗi nhớ ấy không chỉ là việc đồng bào tiếp lương, tiếp đạn, họ còn nhớ về con người S’Tiêng với bản tính chân chất, tốt bụng. Lúc chiến tranh đói khổ, đào được củ mài, hái được trái cà, bắt được con cá… người S’Tiêng ở đây đều gửi vào tiếp tế cho bộ đội.
Thay “áo mới” cho SBB
Con đường ĐT760 dẫn vào SBB được trải nhựa, hai bên là màu xanh ngút ngàn của cà phê và điều. Ảnh: N.T |
Về SBB những năm 1994, 1995, dấu vết chiến tranh vẫn còn sót lại trên mặt đất. Các mảnh bom đạn còn lẫn trong đất như: bom bi, bom mỏ vịt, bom cánh quạt, thân máy bay B52… được bà con đi làm rẫy, cuốc đất để trỉa bắp, trỉa lúa, trồng mì gom lại để cuối vườn. Cũng có gia đình nhặt những miếng nhôm từ thân máy bay gò thành thau chậu để dùng hay chế tạo thành dao, cuốc…
Giờ đây, quay lại mảnh đất này, dấu tích chiến tranh không còn nữa, thay vào đó là màu xanh của cây công nghiệp trải dài xa thẳm. Kinh tế phát triển từng ngày. “Bà con biết thâm canh tăng vụ, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc chăm sóc cho cây công nghiệp. Trước đây, bà con chỉ biết trồng cây đợi đến mùa rồi thu trái, nay bà con biết chọn giống tốt, đạt năng suất cao mà thay thế, biết lai ghép, bón phân cho cây tốt hơn. Chẳng hạn như vườn cà phê của già làng Điểu Lênl, trước kia là cà phê vối quả nhỏ, năng suất kém, nay già làng thay bằng cà phê vối quả to, dày trái, thậm chí trồng cả cà phê chè (loại cà phê nổi tiếng về năng suất và chất lượng). Mấy năm nay kinh tế phát triển, gia đình già làng cũng đã xây dựng được căn nhà khang trang nằm ngay trên trục đường ĐT760 trị giá hàng trăm triệu đồng… Từ đây, nhiều gia đình khác cũng đào bồn trồng theo” – Phó chủ tịch UBND xã Đăk Nhau Nguyễn Văn Quyết vui mừng cho biết.
Trên con đường ĐT760 dẫn vào SBB, trước đây chỉ là đường mòn đất đỏ ngổn ngang hố bom, hố voi và là tuyến đường “nổi tiếng” với những vụ buôn lậu, khai thác gỗ, cướp bóc… thì nay đã được mở rộng, trải nhựa phẳng lì. Dọc hai bên đường là màu xanh ngút ngàn của những vườn cà phê, tiêu, điều, cao su, ca cao, chôm chôm, sầu riêng…
Hình ảnh đồng bào S’Tiêng đeo gùi lên rừng đào củ mài, bẻ măng đã lùi xa vào quá khứ. Thay vào đó là những chuyến xe máy cày chở nông sản từ vườn, rẫy về nhà hay ra thẳng đại lý để bán.
Vốn là cái nôi của căn cứ cách mạng, UBND tỉnh Bình Phước đang đưa dự án vào quy hoạch khu bảo tồn văn hóa đồng bào S’Tiêng – SBB. Phó chủ tịch xã Nguyễn Văn Quyết cho biết: “Với diện tích gần 113ha, đến năm 2014, dự án sẽ đi vào hoạt động, dự án tập trung xây dựng khu bảo tồn, nhà văn hóa, tượng đài, khu thể thao giải trí…”. Còn đối với bà con nơi đây, niềm vui như nhân đôi, bởi cái nôi văn hóa đang được bảo tồn và phát triển.
Ngọc Trinh
Bình luận (0)