Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhiều dịch bệnh đang bủa vây

Tạp Chí Giáo Dục

Rửa tay thường xuyên cho học sinh là cách phòng chống dịch bệnh hữu hiệu ở các trường mầm non

Ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – đã khẳng định như vậy tại buổi giao ban y tế quận, huyện sáng 5-3. Theo đó, hiện tại TP.HCM đang phải đương đầu với bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM), sởi, thủy đậu và nguy cơ cúm A/H5N1, cúm A/H7N9…
Mùa khô nhưng vẫn có ca tử vong do SXH
Mặc dù đang là mùa khô nhưng số ca mắc SXH trên địa bàn TP vẫn ở mức cao.  Tuần thấp nhất là 120 ca, tuần cao nhất là 338 ca. Báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP.HCM cho thấy, tổng số ca mắc trong tháng 1 là 1.197 ca, trong khi đó cùng kỳ năm 2013 chỉ có 860 ca. Đến tháng 2, số ca mắc giảm còn 557 ca, tuy nhiên vẫn cao hơn tháng 2-2013 là 82 ca.
Nguy hiểm hơn là có 1 ca (người lớn) tử vong. Đại diện Bệnh viện (BV) Nhiệt đới cho biết: Trước khi bệnh nhân được đưa đến BV Nhiệt đới thì đã được gia đình chuyển tới BV quận điều trị khoảng 4 ngày. Sau đó, BV xét nghiệm thấy có dấu hiệu bất thường nên chuyển qua một BV khác. Từ BV này bệnh nhân mới được chuyển tới BV Nhiệt đới. Lúc đó bệnh nhân đã rơi vào tình trạng nguy kịch…
Cũng theo đại diện BV Nhiệt đới, từ đầu năm đến nay toàn bộ khu vực phía Nam có 30.000 ca mắc SXH. Trong đó bệnh nhân là người lớn không nhiều nhưng hầu hết là nặng. Bởi, người lớn hay chủ quan, khi sốt thường tự ý mua thuốc uống. Chỉ sau 4-5 ngày không khỏi mới tới BV, lúc này thì bệnh đã chuyển nặng.
Q.Tân Phú là địa phương có số ca mắc SXH tương đối cao. Theo đại diện TTYTDP quận thì, nguyên nhân là do trên địa bàn có nhiều công trình thi công dang dở. Ở các công trình này có nhiều hầm chứa nước, từ đó phát sinh lăng quăng và muỗi.
Để chấm dứt tình trạng này, TS. Lê Trường Giang – Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM – cho rằng: “Cần phun hóa chất vào các hầm chứa nước để diệt lăng quăng và muỗi. Đề nghị UBND quận, huyện ra quyết định xử phạt hành chính đối với những chủ doanh nghiệp để xuất hiện các hầm chứa nước”.
Trường học đã xuất hiện nhiều loại bệnh
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc TTYTDP TP.HCM – cho biết: “Bệnh thủy đậu đang gia tăng, đã xuất hiện chùm ca bệnh trong trường học tại Q.3. Đến nay ngành y tế đã kiểm soát được ổ dịch. Tuy nhiên, không loại trừ thời gian tới sẽ xuất hiện những chùm ca bệnh ở nơi khác”.
Bệnh TCM hiện đang có dấu hiệu nhích lên, theo chu kỳ tháng 3 là đỉnh của dịch. Bệnh không chỉ xuất hiện ở cộng đồng mà đã xảy ra ở trường mầm non, nhóm trẻ gia đình. Đại diện TTYTDP Q.8 cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2014, toàn quận có 122 ca TCM – chủ yếu là trẻ dưới 2 tuổi. Ngành y tế đã ghi nhận ca bệnh ở Trường Mầm non Bông Sen, P.16.
Ông Hưng (Phó giám đốc Sở Y tế) tâm tư: “Tỷ lệ trẻ mắc bệnh TCM đang học tại các trường mầm non từ đầu năm đến nay là 55 cháu. Ngoài ra còn có trên 200 cháu trong độ tuổi tới trường mầm non nhưng chưa rõ là có đi học hay không cũng mắc bệnh. Vì vậy cần phải “hâm nóng” lại việc kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại các trường mầm non. Nếu các trường làm vệ sinh tốt thì không chỉ phòng được bệnh TCM mà còn tránh được các bệnh truyền nhiễm khác”.
Đối với bệnh sởi, từ tháng 12-2013 đến nay có dấu hiệu tăng. Việc triển khai tiêm vét đã được thực hiện từ tháng 1-2014, tuy nhiên số trẻ được phụ huynh đưa đến tiêm không nhiều. Cụ thể như ở Q.Bình Tân, trong tháng 1 và tháng 2 tiêm vét cho gần 1.350 trẻ (mũi 1) và trên 400 trẻ (mũi 2). Trong khi đó số trẻ trên địa bàn lên đến 28.000 trẻ. Còn tại Q.Tân Phú cũng mới chỉ tiêm được cho 150 trẻ…
“Chống dịch sởi không khó, tiêm ngừa là biện pháp chủ lực. Trước tiên là rà soát số trẻ chưa tiêm tại các trường mầm non, nhóm trẻ, sau đó thực hiện tiêm ngay tại trường. Tại cộng đồng, khu dân cư nào có đông trẻ cũng tiến hành tiêm ngay ở khu dân cư. Làm quyết liệt trong nửa tháng thì có thể giảm hẳn ca mắc. Với những trẻ phụ huynh không nhớ là đã tiêm chưa thì cứ tiến hành tiêm vì chỉ cần thời gian của 2 mũi tiêm cách nhau 1 tháng là an toàn”, ông Lê Trường Giang cho biết.
Được biết, thời gian tiêm vét vaccine sởi cho trẻ từ 9 đến 36 tháng tại TP.HCM sẽ tiếp tục từ 7-3 đến 29-4.
TP đang bị cúm gia cầm bao vây
Đến thời điểm này TP.HCM vẫn chưa ghi nhận cúm A/H5N1 trên gia cầm cũng như trên người. Tuy nhiên, rất nhiều địa phương lân cận TP đã xuất hiện các ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm. Đồng thời, BV Nhiệt đới cũng đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân bị cúm A/H5N1 ở Bình Phước (bệnh nhân này đã tử vong).
Với cúm A/H7N9, hiện Việt Nam vẫn chưa có ca mắc. Tuy vậy tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc rất phức tạp. TP.HCM là đầu mối giao lưu nên nguy cơ cũng rất cao.
Mặc dù vậy, nhưng “khi đi kiểm tra ở một số quận, huyện, chúng tôi phát hiện tại các quán ăn nhà vườn đang nuôi hàng chục con gà, vịt. Rồi các hộ gia đình vẫn còn lén lút nuôi gà”, ông Hưng tỏ ra lo lắng.
Theo đó, ông Hưng đề nghị TTYTDP quận, huyện phải phối hợp với thú y và các ban ngành liên quan tăng cường kiểm tra việc chăn nuôi gia cầm. Các BV chuẩn bị khu cách ly (cơ sở, trang thiết bị, nhân lực) để khi có ca bệnh là triển khai ngay. Hiện tại TP.HCM có 5 ngàn viên thuốc Tamiflu để điều trị cúm gia cầm trên người…
Bài, ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)