Học sinh Trường Mầm non tư thục Thần Đồng (quận Ninh Kiều) trong giờ chơi và tìm hiểu thiên nhiên |
Hiện nay, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (CSGDMNNCL) trên địa bàn TP.Cần Thơ đang bị… tăng thêm khó khăn khi ngành bảo hiểm xã hội yêu cầu các chủ trường, các nhóm trẻ, phải trả lương và đóng bảo hiểm cho giáo viên theo mức lương tối thiểu của Nghị định 70/2011/NĐ-CP (gọi tắt là NĐ70).
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng mà các trường, nhóm, phải trả cho giáo viên là 1.780.000 đồng/tháng, và mức đóng bảo hiểm cũng tăng theo. Với yêu cầu này khiến các CSGDMNNCL hoang mang, băn khoăn. Vì đối với ngành giáo dục, từ trước đến nay, mức lương giáo viên, trong hoặc ngoài công lập, đều theo thang bảng lương Nhà nước. Giáo viên hưởng lương theo bằng cấp và thời gian lên lương từ 2 đến 3 năm. Nếu căn cứ theo tinh thần NĐ70, kết hợp 35% phụ cấp đứng lớp, thì thu nhập một giáo viên mầm non mới ra trường của hệ tư thục sẽ cao hơn lương giáo viên dạy trung học phổ thông trường công lập có 10 năm thâm niên? Một bất hợp lý khác là yêu cầu này chỉ áp dụng với hệ ngoài công lập trong khi giáo viên mầm non hệ công lập lương và mức đóng bảo hiểm xã hội vẫn như cũ, với mức lương khởi điểm 830.000 đồng/tháng kết hợp 35% phụ cấp đứng lớp, trong đó phần lớn tiền đóng bảo hiểm xã hội từ ngân sách Nhà nước.
Cũng cần nói thêm rằng, đối tượng và phạm vi áp dụng của NĐ70 là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại… nói chung là những đơn vị hoạt động theo mô hình kinh doanh – sản xuất. Còn CSGDMNNCL hoạt động theo chủ trương và mục tiêu xã hội hóa giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 05 của Chính phủ, trong đó đặc biệt mầm non là ngành học đang gặp khó khăn nhất, không riêng gì ở Cần Thơ mà trên phạm vi toàn quốc. Hiện nay trường, lớp mầm non công lập ở Cần Thơ hầu như chỉ đáp ứng cho những cháu có cha mẹ là công nhân viên chức Nhà nước. Số còn lại, nhất là những cháu có cha mẹ là lao động phổ thông, người mưu sinh bằng nghề buôn gánh bán bưng, dân nghèo thành thị, người chạy chợ kiếm ăn từng bữa,… sẽ đi đâu nếu không có các CSGDMNNCL nhận nuôi, dạy?
Thật là thiếu công bằng đối với học sinh ở các CSGDMNNCL, không những chịu thua thiệt trong điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện học tập… giờ đây cha mẹ các cháu có thể phải chịu thêm khoản tiền để đáp ứng yêu cầu tăng lương và đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên. Trước khó khăn này, một nhân viên Phòng Bảo hiểm xã hội quận Ninh Kiều đã trả lời: “Nếu không đủ kinh phí thực hiện theo mức lương tối thiểu thì về thu thêm học phí của phụ huynh”?!
Trước yêu cầu về mức lương tối thiểu và qui định mức đóng bảo hiểm xã hội tương ứng trên, các chủ trường tư thục, nhóm trẻ gia đình đều cho rằng: “Đa số phụ huynh của trường tôi là người lao động, kiếm được tiền để lo cho con với mức này đã khó khăn rồi. Nhiều người đến tháng còn phải thiếu tiền vì lo không đủ. Nếu tăng thêm chắc chắn nhiều người sẽ không thể cho con đi học”. Trước sự thúc hối của ngành bảo hiểm xã hội về đóng bảo hiểm cho giáo viên theo mức lương tối thiểu mới, chủ một số nhóm trẻ gia đình có ý định ngưng hoạt động. Ông Nguyễn Văn Xuân, Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Thủy, cho rằng: “CSGDNCL, nhất là mầm non, có vai trò rất lớn trong sự nghiệp giáo dục. Các CSMNNCL đã chia sẻ với Nhà nước gánh nặng về giáo dục. Thực sự mà nói, đối với quận Bình Thủy, không có cơ sở tư thục chúng tôi khó mà thực hiện yêu cầu phổ cập mầm non 5 tuổi. Hoạt động của các trường chủ yếu mang tính chất phục vụ, không thể liệt chung vào nhóm sản xuất – kinh doanh. Theo tôi, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, giúp các cơ sở làm tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc giáo dục trẻ thơ – những mầm non tương lai của đất nước”.
Cần nói thêm, thời gian qua hoạt động của các CSMNNCL ở Cần Thơ đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Chỉ tính riêng quận Ninh Kiều, mỗi năm, các CSMNNCL đã “chia lửa” với Nhà nước hơn 20 tỷ đồng, đồng thời góp phần giúp bộ mặt trường lớp của quận ngày càng khang trang, hiện đại. Thành quả trên là công sức đóng góp của các phụ huynh, và thật vô lý khi yêu cầu người dân tiếp tục gánh trách nhiệm trong việc tăng lương và đóng bảo hiểm xã hội khi qui kết trường tư thục mầm non giống như hoạt động các cơ sở sản xuất – kinh doanh…
Bài, ảnh: Đan Phượng
Bình luận (0)