Tối mai (26-2), tại Nhà Văn hóa Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch) sẽ diễn ra Lễ tuyên dương và trao giải thưởng Phạm Ngọc Thạch lần 2/2011. Đây là giải thưởng do Thành đoàn TP.HCM xét trao hai năm một lần cho những cá nhân là bác sĩ, y sĩ, dược sĩ… có nhiều sáng kiến, nghiên cứu khoa học trong chuyên môn cũng như đóng góp vì cộng đồng. Giáo Dục TP.HCM xin giới thiệu 3 trong số 26 gương mặt thầy thuốc trẻ tiêu biểu được trao tặng giải thưởng cao quý Phạm Ngọc Thạch năm nay.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hào: “Giải thưởng là sự khích lệ”
Bác sĩ Hào chữa bệnh trong một chuyến đi từ thiện
|
Sinh năm 1978, bác sĩ Nguyễn Trọng Hào hiện là Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bí thư Chi đoàn Bệnh viện Da liễu. Anh đến với nghề từ một nỗi trăn trở về những bệnh nhân mắc phải căn bệnh “nhiều tủi nhục” – bệnh phong. Anh kể: “Trong ký ức tuổi thơ, tôi nghe mọi người cho rằng phong là căn bệnh “dồn” người ta đi đến cái chết không những vì các cơn đau vật vã mà còn vì sự khiếp sợ, xa lánh của người đời”. Để rồi khi trở thành một bác sĩ chuyên khoa, bên cạnh có nhiều sáng kiến trong việc phòng chống bệnh phong mà Hào còn là tuyên truyền viên, xua đuổi cái nhìn khắc nghiệt đối với những bệnh nhân mắc phải căn bệnh này.
Không dừng lại ở đó, từ thực tế những năm tháng “trải nghề”, mỗi khi nhìn thấy các bệnh nhân tỉnh xa, có hoàn cảnh khốn khó phải chờ đợi ngày này sang ngày khác mới đến lượt khám đã “vương mang” trong lòng bác sĩ Hào một nỗi buồn thương. Dằn vặt, suy nghĩ… và rồi sáng kiến về một phòng khám thanh niên ngoài giờ được anh tham mưu với lãnh đạo bệnh viện và nhận được sự chấp thuận, ủng hộ nhiệt tình. Phòng khám ra đời. Chỉ hoạt động trong hai tiếng đồng hồ buổi trưa với thành phần là… chính các bác sĩ, đoàn viên thanh niên của bệnh viện. Phòng khám mang lại hiệu quả kinh tế, là tín hiệu vui được nhiều bệnh nhân hoan nghênh, giúp giảm thiểu tình trạng “cò mồi” trước cổng bệnh viện. Điều đặc biệt, bác sĩ Hào còn mang một trăn trở khác đối với ngành giáo dục khi anh bắt tay thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Kiến thức, thái độ, hành vi của học sinh THPT tại TP.HCM về tác hại của ánh nắng mặt trời đối với sức khỏe”. Theo đó, anh cho rằng học sinh ở lứa tuổi này cần có những điều chỉnh sinh hoạt nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nghiên cứu này đã được anh tham mưu với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM để đưa ra các phương pháp phòng chống tác hại của ánh nắng trong sinh hoạt học đường.
Khi hay tin mình đạt giải thưởng cao quý Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ Hào đã không giấu nổi sự xúc động. Anh cho biết: “Với tôi, đó là một động lực, sự khích lệ lớn lao để phấn đấu hơn nữa cho nghề và cho xã hội”.
Nguyễn Anh Trường – bác sĩ của cô nhi bất hạnh
Bác sĩ Trường |
Cái tên nghe đầy “nam tính” nhưng bác sĩ Nguyễn Anh Trường mang đến cho người đối diện cảm giác là một cô gái mong manh bởi vóc dáng nhỏ nhắn của mình. Sinh năm 1981, Trường hiện là Phó trưởng phòng Y tế thuộc Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình (Thủ Đức) với hơn 200 trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở độ tuổi từ sơ sinh đến 18. Trong những năm tháng công tác tại trung tâm, Trường nhận thấy dường như việc chăm sóc các bé của bảo mẫu đơn thuần chỉ dựa vào cảm tính, vào bản năng của người phụ nữ, người mẹ, người chị chứ không được đào tạo chuyên môn. Điều đó đặc biệt… nguy hiểm khi có nhiều trẻ sơ sinh non tháng, bị dị tật bẩm sinh, bại não, úng thủy… đòi hỏi bảo mẫu phải có kiến thức, chuyên môn nhất định trong việc chăm sóc. Nhất là những bé bị bại não, nằm một chỗ nếu không nhận được các bài tập vật lý trị liệu hay phục hồi chức năng sẽ kéo theo nhiều bệnh khác nảy sinh. Để khắc phục tình trạng này, Trường đưa ra sáng kiến thường xuyên mở các lớp tập huấn đào tạo và nâng cao nghiệp vụ trong công tác bảo mẫu. Bắt tay thực hiện kế hoạch, Trường liên tục thỉnh mời bác sĩ tại các bệnh viện nhi đồng cũng như các giảng viên trường đại học về giảng dạy. Bảo mẫu tại trung tâm vì thế đã nâng cao tay nghề, nắm được những kỹ năng chăm sóc trẻ bài bản, hiểu rõ hơn về dấu hiệu bệnh ở trẻ để điều trị kịp thời… Hiệu quả mang đến là trung tâm không còn xảy ra dịch bệnh, trẻ được chăm sóc và nuôi dưỡng ngày một tốt hơn, tỷ lệ chuyển viện giảm (54 ca năm 2008 xuống còn 32 ca năm 2010), chi phí điều trị cũng giảm mỗi năm hơn 50 triệu đồng.
Làm việc ở nơi chỉ có tình thương yêu tồn tại, hỏi Trường có bao giờ nghĩ đến việc chuyển công tác, Trường cười: “Mình chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ra đi bởi tình yêu với các bé rất lớn, một ngày không đến trung tâm đã thấy nhớ. Mình sẽ gắn bó ở đây đến khi nào bị đuổi thì thôi!”.
Bác sĩ Hoàng Nguyên Khanh: “Tuổi trẻ là cống hiến”
Bác sĩ Khanh
|
Từ nhỏ, Nguyên Khanh ấp ủ một quyết tâm với… hai mục tiêu: trở thành thầy giáo hoặc thầy thuốc. Anh dí dỏm: “Tôi rất… mê được mang một trong hai chữ “thầy” này!”. Để rồi trong một lần nằm viện, hình ảnh đẹp của người thầy thuốc trở thành niềm thôi thúc anh theo đuổi và phải đạt được. Sinh năm 1978, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Y dược TP.HCM, Khanh về công tác tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học. Ngoài chức năng khám chữa bệnh, nơi đây còn chuyên cung cấp máu và các thành phần máu cho nhu cầu cấp cứu, điều trị của hầu hết các bệnh viện trong thành phố. Thế nhưng trên thực tế, bệnh viện lại không đủ lượng máu cung ứng cho nhu cầu. Trăn trở với thực tế này, ngoài đích thân 9 lần hiến máu cho bệnh viện, bác sĩ Khanh còn vận động tổ chức nhiều chương trình ngày hội hiến máu tình nguyện, góp phần đảm bảo nguồn dự trữ và cung cấp máu cũng như giúp hoàn thành tốt chuyên môn và nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình.
Nhìn thấy bệnh viện mỗi ngày một quá tải, một phần do các thủ tục như tư vấn, chỉ dẫn cho bệnh nhân quá rườm rà, Khanh đã đề xuất với ban lãnh đạo về thực hiện kế hoạch “tờ bướm giáo dục sức khỏe chuyên khoa huyết học” và “công trình bảng tin truyền thông thiết thực tại Khoa Khám bệnh”. Theo đó, tờ bướm và bảng thông tin là kênh nối giúp bệnh nhân tự tìm hiểu về bệnh lý huyết học, có kiến thức cơ bản khi tự chăm sóc và nắm bắt thủ tục như bảo hiểm y tế, quy trình đăng ký khám chữa bệnh tại các khoa…
Bài, ảnh: T.Dân
Bình luận (0)