Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hội nghị G20 đặt mục tiêu nâng GDP của nhóm thêm 2% trong 5 năm tới

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 16-11, Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã ra Tuyên bố chung, đặt mục tiêu nâng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nhóm thêm ít nhất 2% trong 5 năm tới. Tuy nhiên, các nhà phân tích, chuyên gia kinh tế lại có nhiều ý kiến trái chiều về điều này.

Chiều hướng thuận lợi

Các phân tích của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho rằng, nếu cam kết của G20 được thực hiện đầy đủ, GDP của nhóm có thể tăng thêm 2,1% từ nay đến năm 2018, từ đó sẽ tạo thêm hơn 2.000 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu và tạo thêm hàng triệu việc làm. Tuyên bố chung cũng nêu rõ các biện pháp đẩy mạnh đầu tư, cạnh tranh, thương mại, tạo việc làm và các chính sách kinh tế vĩ mô sẽ hỗ trợ cho sự phát triển, tăng trưởng cũng như giúp giảm đói nghèo, bất bình đẳng.

Người biểu tình tại Brisbane yêu cầu G20 có chính sách cân bằng hơn về giàu nghèo.

Các hành động để thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm chất lượng đã được hoạch định trong Kế hoạch hành động Brisbane và các chiến lược tăng trưởng toàn diện của G20 như thúc đẩy tăng trưởng, thỏa thuận thành lập trung tâm cơ sở hạ tầng toàn cầu ở Sydney, thúc đẩy các biện pháp chống trốn thuế và tạo ra hệ thống các quy định về ngân hàng chặt chẽ hơn. Kế hoạch này cũng sẽ tạo ra áp lực để tất cả các nền kinh tế phát triển thực hiện khoảng 800 biện pháp cải tổ kinh tế, từ cải tổ thị trường lao động tới giảm bớt các hàng rào thương mại.

Chiến lược tăng trưởng mới của G20 gồm cải cách cả kinh tế vĩ mô nhưng tái cấu trúc cho phù hợp với từng quốc gia; tăng cường đầu tư có chất lượng vào cơ sở hạ tầng; cắt giảm rào cản thương mại; thúc đẩy cạnh tranh và tăng cường tạo việc làm.

Nhiều chuyên gia nhận định, thời điểm này, nhiều liên minh kinh tế đang hình thành, trong đó phải kể đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hiệp định thương mại tự do song phương… Điều này giúp thúc đẩy từng nền kinh tế thành viên cũng như giúp các cam kết kinh tế tiến gần nhau hơn. Thêm vào đó, hầu hết các nước thành viên của G20 đều nhất trí với những sáng kiến được nêu ra nên mục tiêu 2% có thể đạt được thông qua các biện pháp trên. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để những cam kết biến thành hành động.

Những tác động khó lường

Hầu hết những ý kiến phản đối đều cho rằng từ trước đến nay, G20 luôn phải đối mặt với chỉ trích là “nói suông”. Thậm chí, những chính sách phát triển của G20 thiên về hướng có lợi cho các nước giàu. Điều này đang tạo ra một khoảng cách lớn về phát triển. Ngay trước khi Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra, rất nhiều tổ chức xã hội tổ chức diễu hành phản đối ở nhiều nước, đặc biệt là tại Brisbane để yêu cầu G20 có chính sách cân bằng hơn.

Tiến sĩ Helen Szoke, Giám đốc điều hành của Ủy ban Cứu trợ nạn đói tại Australia cho rằng: “Điều các nhà lãnh đạo G20 cần phải làm là những lợi ích phát triển phải là lợi ích của tất cả mọi người chứ không phải chỉ của những người giàu”.

Không chỉ đối mặt với những vấn đề kinh tế, cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã khiến kinh tế châu Âu, nơi có số đông các nước thành viên G20 bị đe dọa, trong đó trực tiếp là EU và Nga. Các lệnh trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và EU đã làm mức tăng trưởng kinh tế của 2 bên giảm đáng kể. Ngân hàng thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đã lần thứ 3 trong năm nay phải hạ mức tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

Theo đó, nền kinh tế Nga và các nước châu Âu ở mức độ tăng trưởng không đáng kể, thậm chí nhiều nền kinh tế ở khu vực sẽ về con số 0 vào năm tới. Điều này chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ tới sự tăng trưởng chung của nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng tới những kế hoạch đầy tham vọng của G20.

VIỆT ANH

(SGGP)

Bình luận (0)