Khách hàng mua hàng bình ổn giá tại siêu thị Co.op Mark Nguyễn Đình Chiểu Q.3 chiều 7-12 |
Tết Nguyên đán đang đến gần, bên cạnh sự hân hoan đón chào năm mới, người dân thành phố cũng rất băn khoăn trước tình hình biến động giá cả của không ít mặt hàng trên thị trường. Trước thực trạng này, thời gian qua, UBND thành phố đã đưa ra chương trình bình ổn giá. Theo đó, người dân ở nội thành cũng như ngoại thành đều được mua hàng giá rẻ.
Thêm mặt hàng, tăng điểm bán
Báo cáo của 14 doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn giá tại TP.HCM cho thấy, đến ngày 30-11, công tác chuẩn bị hàng hóa đã và đang diễn ra đúng kế hoạch. Tại nhiều DN sản xuất và kinh doanh có lượng hàng chi phối thị trường khoảng từ 15-30% như Vissan, Saigon Co.op, Ba Huân, Phú Cường… nguồn hàng bình ổn đã được chuẩn bị tăng gấp 3-4 lần so với kế hoạch được giao. Giá bán 8 nhóm hàng bình ổn (gồm gạo – nếp, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau – củ – quả) sẽ ổn định đến hết tháng 3-2011. Ngày 4-12, DN Phú Cường ký hợp đồng cung ứng hàng hóa cho 4 hệ thống siêu thị, cửa hàng của TP (gồm Co.opMart, Maximart, Satramart và Sargi) với sản lượng 125 tấn thủy hải sản/tháng. Với hợp đồng này, thủy hải sản là nhóm hàng thứ 9 được TP.HCM đưa vào bình ổn giá. Điều này cho thấy, chương trình bình ổn giá đã thực sự trở thành một trong những công cụ điều tiết giá hữu hiệu. Tuy nhiên, hàng bình ổn giá chỉ mới tập trung nhiều ở các hệ thống siêu thị và cửa hàng của các DN tham gia chương trình. Trong khi đó, tại các chợ bán lẻ và khu dân cư hàng bình ổn vẫn chưa tới được. Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM nhìn nhận: “Sở dĩ hàng bình ổn mới chỉ xuất hiện nhiều tại khu vực nội thành là vì hệ thống các siêu thị và cửa hàng đã có sẵn. Đối với khu vực ngoại thành, các KCN-KCX, Sở Công thương đã đề nghị UBND các quận huyện rà soát thật kỹ các chợ bán lẻ sử dụng chưa hết công năng, các mặt bằng còn bỏ trống trên địa bàn, từ đó tổ chức các cửa hàng chuyên bán hàng bình ổn giá”. DN tham gia chương trình này được hưởng lãi suất vay vốn từ ngân sách là 0%, nên phải có trách nhiệm cung cấp đủ hàng, đảm bảo chất lượng và giá cả theo quy định cụ thể. Nếu giá cả thị trường tăng thì DN tham gia bình ổn không được tăng giá, ngược lại giá giảm từ 5% trở lên thì xem xét điều chỉnh giảm giá.
Đẩy nhanh chương trình qua nhiều kênh phân phối
Có mặt tại siêu thị Co.opMart Nguyễn Đình Chiểu lúc 16 giờ 30 phút ngày 7-12, chúng tôi nhận thấy không khí mua sắm của người dân tại khu vực này đang bắt đầu nhộn nhịp. Lựa chọn thực phẩm cho bữa tối, chị Nguyễn Thị Nga (35 tuổi, Tú Xương, Q.3) vội vàng: “Lúc trước tôi làm ở Công ty Phú Gia Hưng, lương cơ bản 2.360.000đ/tháng cộng thêm phụ cấp, làm thêm mỗi tháng được 3,2 triệu đồng mà vẫn đủ ăn, đủ tiêu. Bây giờ, mặc dù tôi đã chuyển sang Công ty Panasonic, mỗi tháng thu nhập trên 4 triệu đồng, nhưng giá cả cái gì cũng tăng nên phải chi tiêu chắt bóp lắm. Cũng may, do nhà gần siêu thị nên việc mua sắm cũng thuận tiện, mà quan trọng nhất là giá cả luôn ổn định”. Gương mặt còn đọng sự mệt mỏi sau một ngày làm việc, chị Quan Thị Hoài (Võ Văn Tần, Q.3) chia sẻ: “Hiện nay, giá cả các mặt hàng tăng chóng mặt nhưng không mua không được. Nhà có hai vợ chồng và một cô con gái, vì thế nếu chi tiêu không khéo thì lương hết lúc nào chả hay. Ưu tiên của tôi là chọn mua những mặt hàng thiết yếu, hàng Việt có nguồn gốc và giá bán ổn định”. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.opMart, cho biết: “Hiện siêu thị đã có sẵn quỹ hàng hóa để đảm bảo nhu cầu của thị trường, lượng dự trữ trong kho đã tăng 40% so với kế hoạch. Co.opMart hiện có khoảng 100 đầu xe chở hàng liên tục đến các siêu thị nhằm để không xảy ra tình trạng đứt hàng”. Về phía nhà cung cấp, bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cũng cho biết: “Được tham gia vào chương trình bình ổn giá của TP là niềm vinh dự đối với công ty chúng tôi. Xác định tham gia chương trình này, công ty đã không tính lợi nhuận bởi tất cả đều mong người tiêu dùng được hưởng những sản phẩm chất lượng và quan trọng nhất là giá cả luôn ổn định. Vì thế, Ba Huân đã liên hệ chặt chẽ với các ban quản lý chợ một số huyện ngoại thành và các KCN-KCX để mở các điểm bán hàng phục vụ người tiêu dùng”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng cho biết: “TP.HCM đã triển khai 8 giải pháp trọng tâm thực hiện Chỉ thị số 2164/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nhấn mạnh: Tiếp tục theo dõi và đánh giá sát diễn biến thị trường, xác định trách nhiệm, phân công cụ thể từng cấp, từng đơn vị nhằm triển khai đồng bộ, quyết liệt chỉ đạo của UBND TP; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của các ngành, các cấp từ nay đến trước, trong và sau Tết. Tiếp tục triển khai chương trình bình ổn 8 mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. Tiếp tục phát triển mạng lưới phân phối, hiện nay TP đã có 2.088 điểm bán hàng chương trình bình ổn; phấn đấu đến hết tháng 1-2011 có thêm 100 địa điểm. Tăng tần suất đưa hàng hóa về các khu dân cư, tổ chức hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về quản lý giá. Giao nhiệm vụ UBND các quận – huyện chỉ đạo ban quản lý chợ chịu trách nhiệm về thị trường, về niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết của tiểu thương tại chợ. Tập trung hỗ trợ sản xuất. Giao Hiệp hội DNTP, Sở Công thương nắm bắt tình hình khó khăn về việc vay vốn của các DN, tiếp tục triển khai chương trình kích cầu hỗ trợ lãi vay cho các DN đầu tư hiện đại thiết bị, máy móc để sản xuất hàng nội địa thay thế hàng nhập khẩu hoặc tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng nhằm giúp cho DN giảm chi phí, đủ sức cạnh tranh; thay thế hàng nhập khẩu”. |
Bình luận (0)