Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

UBND huyện Bình Chánh – TP.HCM: Sẽ xây nhà công vụ cho giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Lê Thị Nữ giới thiệu quy hoạch trường lớp trên địa bàn trong thời gian tới

Vừa qua, lãnh đạo huyện Bình Chánh, TP.HCM đã có buổi đối thoại cởi mở, thẳng thắn với đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục của huyện về những vấn đề: trường lớp, cơ sở vật chất (CSVC), đời sống giáo viên (GV), chất lượng dạy và học…
Bà Lê Thị Nữ, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh khẳng định: “Trong những năm gần đây, sự nghiệp GD-ĐT ngày một phát triển, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân địa phương. Chất lượng GD chung của huyện ngày càng thu ngắn khoảng cách giữa nội thành và ngoại thành”.
PV: Tại buổi đối thoại đã có trên 20 câu hỏi của CB, GV, CNV được đưa ra thảo luận, góp ý một cách thẳng thắn, dân chủ. Trong đó, nhiều nhất là câu hỏi về CSVC, trường lớp, đời sống GV, những vấn đề còn bất cập về vệ sinh môi trường, khuôn viên trường học bị lấn chiếm, ngập nước sân trường… Vậy, hướng giải quyết những vấn đề trên của huyện như thế nào, thưa bà?
Trong thời gian vừa qua, huyện đã đẩy mạnh và tập trung nguồn lực, kinh phí đầu tư cho việc xây mới, sửa chữa trường lớp, nâng cao đời sống GV… chiếm khoảng 30% GDP toàn huyện. Đặc biệt, trong hai năm 2009-2010 huyện dành trên 150 tỷ đồng/năm cho xây dựng, sửa chữa mới trường lớp. Tuy nhiên, việc xây dựng trường lớp không thể đi trước quy luật phát triển của xã hội. Bởi việc xây dựng được một ngôi trường đạt chuẩn quốc gia tại huyện Bình Chánh kinh phí phải từ 40 tỷ đồng trở lên nhưng khi đã đạt chuẩn thì không có nghĩa ngôi trường đó không phải đầu tư thêm kinh phí, mở rộng, trang thiết bị… Vậy thì phải tiếp tục đầu tư, mở rộng, đó mới chính là quy luật phát triển. Do đó, quan điểm của huyện khi đầu tư cho GD phải đầu tư trọng tâm, trọng điểm và đầu tư đúng theo chuẩn quy định, không làm theo lối dàn trải, báo cáo thành tích.
Nhưng cũng còn nhiều vấn đề phải giải quyết ngay như nhà vệ sinh xuống cấp; nhà công vụ cho GV chưa có còn đường sá thì đi lại khó khăn gây ảnh hưởng không nhỏ cho chất lượng giảng dạy?

Trường THCS Nguyễn Văn Linh (Bình Chánh) được xây mới trong năm học vừa qua. Ảnh: Q.Huy

– Tôi khẳng định, nhà vệ sinh cho học sinh trên toàn huyện được các cấp lãnh đạo quan tâm, đầu tư xây mới và sửa chữa tương đối tốt. Riêng về nhà công vụ cho GV, hiện nay thì huyện chưa có. Vì GV từ nội thành sáng đến dạy, chiều họ trở về nhà. Còn GV ngoại tỉnh thì thuê nhà trọ ở ngoài. Tất nhiên lãnh đạo huyện cũng hiểu những khó khăn mà GV đang gặp rất nhiều trong chuyện ăn ở, đi lại. Chính vì thế, huyện đã có quy hoạch, xây dựng nhà công vụ cho GV nhưng nhanh nhất cũng phải từ 2 đến 3 năm nữa mới tiến hành được. Huyện sẽ khảo sát số đối tượng là GV đang phải ở trọ để có kế hoạch hỗ trợ cũng như chỉ đạo phòng GD, nhà trường phải quan tâm hơn nữa đến những thầy cô giáo này.
Để thu hút GV về giảng dạy tại các xã vùng xa, vùng sâu trên địa bàn huyện, ngoài các chế độ chính sách mà GV được hưởng thì huyện Bình Chánh còn có Đề án 1932 nhằm hỗ trợ cho GV có nhà ở cách xa nơi dạy trên 15 km… Đề án này triển khai thực hiện như thế nào mà sao có nhiều GV bức xúc như vậy?
Ban đầu theo kế hoạch của Đề án 1932 (hỗ trợ 200.000 đồng/tháng tiền xăng xe) là tập trung hỗ trợ cho GV từ nội thành về công tác tại huyện. Tuy nhiên, tại buổi trao đổi nhiều GV mong muốn nguồn kinh phí này cần hỗ trợ cho cả những GV trong huyện có bán kính (từ nhà tới nơi dạy) cũng xa như vậy. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng tôi ở cách 14km hoặc tôi chỉ ở cách 10km nhưng đường đi khó khăn, ùn tắc giao thông, ngập nước… Huyện ghi nhận và sẽ tìm ra cách làm tương đối để đáp ứng cho nhu cầu chính đáng này.
Cũng có những đề xuất, trên địa bàn huyện có rất đông thầy cô giáo vì nhiều lý do mà không lập gia đình, hoàn cảnh neo đơn. Do đó khi có tuổi nhiều người sống cuộc sống cô quạnh, bệnh tật… GV mong muốn lãnh đạo huyện cần quan tâm nhiều hơn nữa tới những thầy cô này. Có những biện pháp hỗ trợ mang tính thiết thực như xây nhà an dưỡng cho GV. Vậy hướng giải quyết của huyện như thế nào?
Thực tế hiện nay trong đội ngũ GV nhất là ở bậc học MN, TH thì GV nữ chiếm tới 80%, trong đó cũng có một số thầy cô sống độc thân, chính vì vậy khi về hưu, họ cần có một nơi để quy tụ chăm lo cho nhau. Việc lập ra nhà an dưỡng là một ý kiến rất hay. Huyện ghi nhận và chắc chắn sẽ còn tìm hiểu, rà soát số đối tượng này để có cách làm cụ thể, nhanh nhất nhằm đáp ứng được nguyện vọng của thầy cô. Trước đó, huyện cũng đã có chủ trương và kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng chung tay góp sức để xây dựng những trung tâm bảo trợ, nhà an dưỡng trên địa bàn. Thời gian tới, trong việc quy hoạch, xây dựng Công viên Văn hóa Láng Le (10 héc ta) nằm trên địa bàn xã Lê Minh Xuân, huyện đã có kế hoạch dành một quỹ đất trong khu này để xây dựng nơi nghỉ dưỡng cho những đối tượng trên.
Xin cám ơn bà!
Lê Quang Huy (thực hiện)

Trong năm học 2010-2011, Bình Chánh đưa vào sử dụng nhiều trường, phòng học được xây mới gồm: Bậc MN: 8 trường và đến năm 2015 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng thêm 33 trường; TH năm 2010 là 7 trường đến 2015 sẽ hoàn thành xây mới 16 trường (tăng thêm 500 phòng học) và cần tuyển mới 600 GV. THCS đến 2015 là 10 trường mới (tăng từ 170 đến 200 phòng học) và tuyển mới 380 GV.

 

Bình luận (0)