Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đưa các trường ĐH ra ngoại thành: Khó có thể “giải tỏa” các trường ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, Bộ GD-ĐT đưa ra chủ trương sẽ đưa các trường ĐH ở các thành phố lớn ra ngoại thành. Chủ trương này nhận được sự tán thành của nhiều trường nhưng vẫn còn rất nhiều nghi ngại. Điều quan trọng nhất, nhiều trường khẳng định đưa các trường ra ngoại thành không phải là “giải tỏa”.
“Áo” đã quá chật
ĐH Xây dựng hiện đang đào tạo 1,9 vạn sinh viên chính quy, nhưng diện tích của trường chỉ có 4ha. Tất cả quỹ đất đã được trường tận dụng triệt để xây dựng phòng học, phòng thí nghiệm. Theo TS. Lê Văn Thành, Hiệu trưởng nhà trường thì diện tích này quá nhỏ. Và theo ông, chủ trương của Bộ GD-ĐT là hoàn toàn đúng và nhất thiết phải làm. Cách đây 10 năm, trường đã có phương án di dời ra khu vực Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội. Nhưng do Chính phủ không duyệt nên đành chịu. Không chỉ ĐH Xây dựng mà rất nhiều trường ĐH khác của Hà Nội đều rất chật chội. ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH KHXH-NV ĐHQG Hà Nội là một ví dụ, nếu so với trường THPT mới xây dựng như THPT chuyên Hà Nội Amsterdam thì còn kém xa về diện tích mặt bằng.
Đưa các trường ĐH ra ngoại thành là cần thiết để các trường có điều kiện phát triển. Nhưng theo phân tích của TS. Lê Văn Thành thì chủ trương này sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất phải có quỹ đất sạch và khuôn viên dành cho mỗi trường phải từ 30ha trở lên. Đồng thời chỉ cách trung tâm thành phố tầm 15-20km. Do đó, phải có chủ trương của Chính phủ, quyết tâm của bộ, ngành và thành phố. “Nhưng nếu không quyết, sau 10 năm nữa, đất ở ngoại thành cũng không còn để “kiếm” – TS. Thành quả quyết. Còn theo PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh, Hiệu trưởng ĐH Nguyễn Trãi, chủ trương này thành công hay không còn phụ thuộc vào cách làm. Vì các trường ĐH được hình thành và phát triển trong khu vực nội thành thời gian qua, có những trường đã hàng trăm năm. Vị trí địa lý, thương hiệu, điều kiện tuyển sinh, đội ngũ giảng viên… là điều kiện thuận lợi để cho trường duy trì và trưởng thành. Nếu đi chỗ khác, trường vẫn giữ tên nhưng khác hẳn về điều kiện. Hơn nữa, nếu ra ngoại thành, cần một giai đoạn chuẩn bị công phu về cơ sở vật chất, kinh phí, thiết kế đầu tư. Không thể tính một năm, hai năm mà hàng chục năm. Mặt khác, điều kiện giao thông để ra ngoại thành cũng rất khó. Các cơ sở công trình phụ trợ như KTX, thư viện, điều kiện thực tập như công sở, tòa án, cơ quan trước đó đã gắn bó với trường chặt chẽ trong quá trình tạo lập thời gian qua cũng là vấn đề. Vả lại một số trường đặc thù không nhất thiết phải ra.
Không thể giải tỏa
Theo phân tích của PGS. Trần Trọng Hanh thì các trường ĐH trên thế giới, không ai phát triển một chỗ từ đầu. Họ có rất nhiều campus (trường đại học tạm) kể cả Harvard hay RMIT. Điều này khác với từ di dời, hay giải tỏa. Đồng tình với ý kiến này, TS. Lê Văn Thành khẳng định chỉ nên di dời một phần các trường như các xưởng thực hành, phòng thí nghiệm… Đồng thời tập trung xây dựng những campus này cho tốt. “Đến khi các campus này phát triển thì các trường sẽ tự động bàn giao lại mặt bằng chỗ cũ cho Nhà nước” – TS. Thành cho biết.
Tuy nhiên, điều mà PGS. Trần Trọng Hanh cũng như TS. Lê Văn Thành lo ngại đó là đất cũ của trường sẽ làm gì? Nếu bán cho một doanh nghiệp nào đó, lập tức họ sẽ lại xây nhà và giao thông lại bị quá tải. Công suất, áp lực lại đè lên nội thành vốn đã ọp ẹp, ốm yếu. Giải pháp này không phải là đuổi các trường đi hoặc di dời rồi để mặc. Trước đây, trong chiến tranh, chúng ta đã tìm cách di dời các trường nhưng sau đó, họ lại tìm cách về và cuối cùng không giải quyết được bài toán. Cách tốt nhất là lo một cách chu đáo.
Các trường ĐH phải có diện tích rộng hơn để phát triển. Đó là nhu cầu cần thiết. Tuy nhiên, chủ trương này có thực hiện được hay không, một lần nữa lại cần sự chung tay và quyết tâm của Chính phủ, bộ ngành và các thành phố lớn.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)