Cô giáo MN vừa phải làm công việc của GV, vừa phải làm công việc của bảo mẫu |
Sáng 31-12, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức giao ban với các phòng GD-ĐT về công tác giáo dục mầm non (GDMN). Tại đây, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Tiến Đạt đề nghị các trường MN tìm mọi biện pháp để giảm tải cường độ lao động cho giáo viên (GV)…
Một cô giữ… 40 cháu
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng phòng Phòng GDMN, Sở GD-ĐT cho biết: Trong thời gian qua, Phòng GDMN đã nhận được không ít phản ánh của GV. Nhiều GV than phiền, do nhà trường chuẩn bị đón đoàn thanh tra của phòng GD-ĐT quận nên trường đã rút 1 trong 2 GV của lớp đi bồi dưỡng. Còn lại 1 cô phải giữ tới 40 cháu. “Giữ 2 – 3 cháu còn mệt, huống hồ là giữ tới 40 cháu”, bà Kim Thanh tâm sự.
Chưa hết, ở một số quận, huyện, mỗi khi tổ chức các hoạt động phong trào, đặc biệt là văn nghệ thường “lấy” người của các trường MN. Theo đó, trường MN đã thiếu người lại càng thiếu hơn.
“Sĩ số cháu/lớp đã đông, sao lại để cho quận, huyện “lấy” người của mình. “Lấy” đi rồi thì cô đâu mà giữ trẻ. Tôi đề nghị các trường phải biết nói “Không” với những gì không có lợi cho trẻ”, bà Kim Thanh nói.
Phản ánh của nhiều GV cũng cho thấy, các cô phải làm việc quần quật từ lúc tới trường cho đến khi ra về. Từ những công việc như tổ chức cho trẻ hoạt động vui chơi, học tập cho đến việc đút cho cháu ăn, thay quần áo cho cháu. Tệ hại hơn, các cô còn phải làm vệ sinh, đổ pô khi các em đi vệ sinh… “Học 3 – 4 năm trong các trường cao đẳng, đại học, giờ ra trường lại phải đi làm những công việc chẳng cần học hành gì cả, làm sao mà các cô ấy không nản, không bỏ nghề. Tôi tha thiết đề nghị các trường hợp đồng thêm bảo mẫu – 2 lớp/1 bảo mẫu. Có bảo mẫu thì mới giảm bớt lao động chân tay cho GV. Lúc đó các cô sẽ có nhiều thời gian quan sát, trò chuyện với cháu”, bà Kim Thanh bức xúc.
Bà Lê Thị Lan – Phó phòng Phòng GD-ĐT Q.1 tỏ ra rất tâm đắc với việc giảm tải cường độ lao động cho đội ngũ GVMN. Theo bà Lan thì việc giảm tải cho GV cũng đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng GDMN, đặc biệt là giữ được đội ngũ GV có tay nghề và đảm bảo trẻ được nuôi dạy một cách tốt nhất.
Bà Nguyễn Thị Lan Chi – Phó phòng Phòng GD-ĐT Q.11 cho biết là từ đầu năm học 2009-2010, quận đã có chỉ tiêu biên chế bảo mẫu cho các trường MN. Theo đó, cứ 100 cháu thì có 1 biên chế bảo mẫu.
Theo ông Đạt để giảm tải, GV nên san sẻ giáo án với nhau, các kinh nghiệm – sáng tạo trong công việc nên phổ biến rộng rãi. Trước mắt cần xây dựng mô hình giảm tải cho GV, nhân viên và cả cán bộ quản lý tại một quận làm điểm sau đó nhân rộng ra cả thành phố…
Tăng cường quản lý các trường tư thục
Trong tháng 11 và 12-2009, Phòng GDMN đã tiến hành thanh tra các cơ sở GDMN ngoài công lập tại một số quận, huyện. Qua đó phát hiện nhiều sai phạm…
Điển hình như ở Q.Tân Bình, Phòng GDMN kiểm tra 2 cơ sở thì cả 2 đều có sai phạm. Cụ thể như Nhóm lớp MN tư thục Sáng tạo, giấy phép chỉ là nhóm lớp 100% Việt Nam nhưng bảng hiệu lại để trường quốc tế. Thông tin cung cấp về chương trình giảng dạy cũng là của nước ngoài, thu học phí bằng tiền đô (gần 400 USD/tháng). Quảng cáo với phụ huynh là chương trình Châu Âu nhưng GV lại là người Philipin – không có giấy phép lao động do Sở Lao động Thương binh & Xã hội TP cấp, không có nghiệp vụ sư phạm mà chỉ có chứng chỉ tiếng Anh. Còn ở Trường MN Quốc tế Sài Gòn, mặc dù tổ chức dạy trẻ Việt Nam nhưng không dạy chương trình của Bộ GD-ĐT… Về vấn đề này, bà Phạm Thị Phước – Phó phòng Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình cho biết: “Sau đợt thanh tra của Sở GD-ĐT, chúng tôi đã chấn chỉnh lại các cơ sở GDMN tư thục. Theo đó, Nhóm trẻ MN tư thục Sáng tạo không nhận trẻ nữa, còn Trường MN Quốc tế Sài Gòn đã dạy tiếng Việt cho trẻ Việt Nam…”
Ở một số cơ sở GDMN khác, dù học phí thu cao gấp hàng chục lần các trường MN công lập nhưng cơ sở vật chất chỉ bằng một phần. Phòng học nhỏ xíu, chỉ mười mấy hai chục mét vuông, thiếu ánh sáng, thiếu không khí và thiếu đồ chơi. Hầu hết các cơ sở này đều không có sân chơi, ít hoặc không có cây xanh… “Có cơ sở cũng gắn máy lạnh để thu tiền của phụ huynh được nhiều, nhưng rất hiếm khi bật. Hôm chúng tôi đến kiểm tra một cơ sở vào đúng buổi trưa trời nóng bức nhưng GV không bật máy lạnh mà mở cửa sổ. Trong khi cửa sổ thì quá nhỏ nên phòng học rất nóng nực và ngột ngạt. Thiếu sân chơi, thiếu đồ chơi, trẻ cứ ngồi ì trong phòng suốt ngày. Có thể nói các cơ sở GDMN tư thục đang “nhốt” chứ không phải là giữ cháu…”, bà Kim Thanh kể lại.
Không chỉ có vậy, phần lớn các cơ sở GDMN tư thục, nhất là các nhóm lớp, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho GV. “Các quận, huyện cần yêu cầu những cơ sở này đóng bảo hiểm cho GV, nhân viên theo quy định của pháp luật. Nếu cơ sở nào không thực hiện thì đóng cửa”, bà Kim Thanh chỉ đạo.
Ông Đạt cũng đề nghị các quận, huyện cần kiểm tra chặt chẽ các cơ sở GDMN tư thục. Qua đó hướng dẫn họ làm tốt hơn để xóa dần khoảng cách giữa cơ sở GDMN tư thục và MN công lập.
Bài & ảnh: Hòa Triều
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Tiến Đạt đề nghị: “Các trường MN, đặc biệt là các trường và nhóm lớp tư thục cần quan tâm nhiều đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Các trường nên mua nước uống đóng bình của những cơ sở lớn, đảm bảo, không nên vì ham rẻ mà coi thường sức khỏe của các cháu. Tốt nhất là nhà trường nên nấu nước máy và để nguội cho các cháu uống. Còn thực phẩm, cố gắng hợp đồng với những công ty lớn, đắt một chút nhưng đảm bảo…” |
Bình luận (0)