Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Các địa phương hướng đến kỳ thi an toàn, nghiêm túc

Tạp Chí Giáo Dục

HS miền núi Trường THPT Tây Trà (Quảng Ngãi) ráo riết chuẩn bị cho kỳ thi. Ảnh: H.Vương

Ngày 2-6, hơn 1,1 triệu học sinh trên cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tại các địa phương có số lượng thí sinh đông như Hà Nội, TP.HCM và các địa phương vùng sâu, vùng xa có đường sá đi lại khó khăn đã gấp rút hoàn thành những khâu cuối cùng để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi này…
Hà Nội: Thanh tra cắm chốt tại các điểm nóng
Kỳ thi tốt nghiệp 2010 Hà Nội có trên 83.000 thí sinh tham gia dự thi tại 72 cụm thi với 170 hội đồng thi. Với đặc điểm khác so với kỳ thi trước là chủ trương giảm thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT, tăng trách nhiệm của địa phương, con số thanh tra của Hà Nội giảm từ gần 1.000 năm 2009 xuống còn hơn 400 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010.
“Với các điểm “nóng”, như những nơi có khó khăn về cơ sở vật chất, địa điểm không an toàn, dễ xảy ra sự cố… thanh tra sẽ kiểm tra nhiều lần và yêu cầu thanh tra “cắm chốt” tại điểm thi đó phải liên tục báo cáo về sở – bà Lê Thị Diệu Hoa (Phó chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội) khẳng định.
Theo ông Đỗ Duy Hồ, Phó trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội, thanh tra phải nghiêm túc nhưng tránh gây căng thẳng cho thí sinh và giám thị coi thi.
Theo ông Nguyễn Đức Vui, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội thì vẫn còn một số điểm thi chưa an toàn như Hội đồng thi tại Trường THCS Sơn Đồng, tường rào quá thấp. Đoàn thanh tra kiến nghị trường sở tại cần xây cao tường lên hoặc rào bằng dây thép gai, ngoài ra có thể yêu cầu địa phương bổ sung lực lượng công an bảo vệ vòng ngoài.
Điểm Trường THPT Mê Linh không đảm bảo về ánh sáng phòng thi do hệ thống điện quá yếu. Một số trường THCS được chọn làm điểm thi đến thời điểm kiểm tra vẫn chưa có máy phát điện, máy photocopy và đã được yêu cầu thực hiện đúng quy định về cơ sở vật chất tại các hội đồng thi.
Đặc biệt, để khắc phục tình trạng mất điện có thể xảy ra trong thời gian thi, Hà Nội yêu cầu 100% hội đồng thi phải thuê hoặc trang bị máy phát điện, đủ công suất để đảm bảo không ảnh hưởng tới thí sinh trong thời gian làm bài nếu mất điện.
Ông Vui cũng cho biết thêm, Hà Nội còn có 4 điểm trường có nhà dân hoặc hộ giáo viên nằm trong khuôn viên trường. Đối với những trường hợp này, Hà Nội yêu cầu toàn bộ thành viên trong các hộ gia đình này phải ra khỏi khu vực thi trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi, các phòng đều phải niêm phong để đảm bảo an toàn tuyệt đối khu vực thi.
Trước đó, Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục của sở cũng yêu cầu, nếu phải thi ở trường tiểu học thì không được để thí sinh ngồi thi bằng bàn ghế của học sinh tiểu học mà phải thay bằng bàn ghế của học sinh THCS hoặc THPT.
TP.HCM: Đảm bảo không cúp điện
Ông Lê Hồng Sơn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhận định: Mọi công tác chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM đã hoàn tất. Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã thực hiện các lớp tập huấn trực tiếp cho các giám thị, cán bộ làm công tác coi thi. Mỗi giám thị, cán bộ đều được trang bị đầy đủ hệ thống các văn bản về quy chế, hướng dẫn coi thi để ngoài việc trao đổi trực tiếp, mỗi cá nhân đều có thể tự nghiên cứu tài liệu. Kì thi tốt nghiệp THPT năm nay, Sở GD-ĐT TP.HCM đã huy động 6.930 cán bộ coi thi, gần 1.000 cán bộ chấm thi, tăng cường gần 300 thanh tra cho 108 hội đồng thi.
Kì thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong tình trạng nắng nóng kéo dài, điện không ổn định nguy cơ cháy nổ rất dễ xảy ra, cộng thêm tâm lý nhiều học sinh căng thẳng do áp lực bài vở… Để đảm bảo công tác phòng thi cũng như tạo tâm lý giúp học sinh thoải mái khi làm bài, Sở GD-ĐT đã có sự phối hợp với các sở, ban ngành thành phố thực hiện tốt quá trình diễn ra kì thi. Về vấn đề y tế, mỗi hội đồng thi sẽ có một cán bộ chuyên trách đảm nhiệm. “Các bệnh viện quận huyện cho tới các trung tâm y tế phường xã phải luôn bám sát trong suốt quá trình thi đề phòng tai nạn bất thường có thể xảy ra” – một cán bộ Sở Y tế cho biết. Bên cạnh đó, Công ty Điện lực TP.HCM cũng sẽ đảm bảo cung cấp đủ lượng điện phục vụ cho các hội đồng thi. Lực lượng cảnh sát giao thông, thanh niên xung phong và Sở Giao thông Vận tải sẽ túc trục trên các tuyến đường trọng điểm nhằm đảm bảo việc đi lại cho các thí sinh và phụ huynh trong những ngày diễn ra kỳ thi.
Sở GD-ĐT cũng yêu cầu thí sinh phải có mặt tại phòng thi ít nhất 30 phút trước giờ làm bài (chậm nhất là 7h30 và 14h30). Trường hợp thí sinh tới hội đồng thi sau giờ tính thời gian làm bài sẽ không được dự thi.
Kì thi tốt nghiệp THPT năm nay, toàn TP.HCM sẽ có 65.677 lượt bài thi (trong đó có 53.440 hệ phổ thông và 12.237 hệ bổ túc văn hóa). Số bài thi đó sẽ được gửi tới 5 hội đồng chấm thi thuộc các tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Vĩnh Long.
ĐBSCL: Đảm bảo điều kiện đi lại, ăn ở
Tại TP.Cần Thơ, năm nay, dự kiến có 8.354 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT ở 18 hội đồng thi (11 cụm thi) và 1.917 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên thi ở 4 hội đồng thi (4 cụm thi). Một số trường huyện vùng ven, điều kiện đi lại chỗ ăn ở của học sinh quá khó khăn nên Sở GD-ĐT thành phố đề nghị Bộ GD-ĐT cho tổ chức 4 hội đồng thi độc lập tại các trường: THPT Hà Huy Giáp (thi tại Trường THCS thị trấn Cờ Đỏ), THPT Thới Lai, THPT Phan Văn Trị, THPT Trung An. Do đặc điểm địa bàn nên tại thị trấn Thạnh An và thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ), thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền) và xã Trung An (huyện Cờ Đỏ) số lượng nhà trọ, khách sạn rất hạn chế nên nhiều thí sinh phải đi xa hàng chục cây số. Nhiều em đã đến ở nhà người quen gần các hội đồng thi để tiện việc đi lại…
Còn tại tỉnh An Giang, các trường cũng đã sẵn sàng cho kỳ thi, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang, cho biết: “Toàn tỉnh có 26 hội đồng thi, trong đó có 2 hội đồng dành cho thí sinh bổ túc trung học. Do Trường THPT Chợ Mới đang trong quá trình xây dựng mới, Trường THPT Mỹ Hội Đông không đủ sức chứa học sinh toàn huyện nên trường phải tách ra làm hai hội đồng thi tại cụm huyện Chợ Mới”. Là tỉnh vừa có dãy núi Thất Sơn, vừa có nhiều cù lao nên ngành giáo dục tỉnh An Giang đã chỉ đạo cho các trường xây dựng các phương án thi phù hợp theo hướng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh với khoảng cách từ chỗ ở đến điểm thi không quá 10 cây số. “Đối với những thí sinh phải qua phà, đò, ngành giáo dục đã có công văn đề nghị các đơn vị ưu tiên cho thí sinh qua phà, đò để các em không bị trễ thi” – ông Bình cho biết thêm.
Kỳ thi này, toàn tỉnh Hậu Giang có khoảng 5.500 thí sinh dự thi ở 14 hội đồng thi. Ông Bùi Văn Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang, nói: “Điểm trường xa trung tâm tỉnh Hậu Giang nhất là cụm thi tại huyện Châu Thành, đây cũng là cụm thi có điều kiện địa lý sông ngòi chằng chịt. Để khắc phục khó khăn về mặt địa lý, ngành đã chỉ đạo Trường THPT Ngã Sáu và Trường THPT Phú Hữu tổ chức đưa rước học sinh bằng vỏ lãi với điều kiện đảm bảo tuyệt đối an toàn cho thí sinh”.
Ở tỉnh Trà Vinh, hơn 100 thí sinh học ở Trường THPT Hòa Minh, huyện Châu Thành cũng phải qua phà để đến hội đồng thi. Do lo lắng thời tiết bất lợi, nhiều thí sinh ở xa không kịp giờ thi nên Ban giám hiệu Trường THPT Hòa Minh đã phối hợp cùng Hội phụ huynh liên hệ chỗ ở gần hội đồng thi để các em có thể an tâm trong 3 ngày thi. Toàn tỉnh Trà Vinh có gần 7.000 thí sinh đang sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp.
Miền Trung: Để dành điện cho kỳ thi
Tại ngôi trường có tỷ lệ thi đậu tốt nghiệp 0% vào năm 2007 (Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) cũng đã sẵn sàng trước giờ “G”. Tinh thần “khai tử ngôi trường 0%” được Hiệu trưởng Bùi Thế Giới cho biết: Nhằm chuẩn bị tốt kiến thức cho 39 thí sinh (chính thức), nhà trường đã sàng lọc kiến thức thông qua các buổi thi thử, để nhà trường biết chỗ nào học sinh còn yếu kém, từ đó có cơ sở bồi dưỡng kiến thức bị hổng. Chúng tôi đã tiến hành ôn tập từ tháng 4, trong quá trình ôn tập chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra kiến thức. Đối với học sinh miền núi, đa phần là con em đồng bào dân tộc H’re nên khả năng tiếp thu kiến thức môn tiếng Anh rất hạn chế, vì thế thí sinh được thay môn tiếng Anh bằng môn vật lý. Với sự chuẩn bị chu đáo, mùa thi tốt nghiệp năm 2010, chúng tôi quyết tâm đỗ tỷ lệ tốt nghiệp theo dự tính trên 30%”.
Trường THPT Tây Trà, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi được chọn làm cụm thi độc lập, nên 168 thí sinh trường này không phải lều chỏng vượt đường xa đi thi, bởi số thí sinh này đa phần là con em đồng bào dân tộc Kor, có chế độ học bán trú tại trường. Thầy Nguyễn Công Hòa, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Cho đến nay, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, kiến thức của nhà trường đã sẵn sàng. Chúng tôi hy vọng kết quả thi đỗ tốt nghiệp năm nay sẽ tốt hơn.
Ông Nguyễn Tấn Thắng, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam chia sẻ: “Năm nay, Quảng Nam có 8 cụm thi độc lập, tập trung chính là các huyện miền núi, ven biển; còn lại có 15 cụm thi khác. Trước giờ “G”, chúng tôi không lo ngại cho thí sinh tại 8 điểm thi độc lập, bởi các em được dự thi tại chỗ; còn lại đoạn đường xa nhất thì chưa đầy 15km thuộc khu vực đồng bằng”.
Điều đáng lo ngại hiện nay là nguồn điện thắp sáng; vì những ngày vừa qua, khu vực miền Trung hứng chịu cảnh nắng nóng từ 38 độ trở lên, nên nguồn nước để hoạt động các thủy điện không đảm bảo. Ông Cao Chức – Phó giám đốc Điện lực Quảng Ngãi cho biết ngành điện lực đã tiến hành rà soát lại địa điểm các hội đồng thi, để tổ chức kéo các đường điện ưu tiên phục vụ quanh khu vực điểm thi; vì thế chúng tôi sẽ cắt điện toàn bộ các khu công nghiệp, Khu kinh tế Dung Quất trên toàn tỉnh từ ngày 1-6 đến 4-6. Bên cạnh đó, ngành điện lực sẽ ưu tiên nguồn điện xuyên suốt cho điểm chấm bài thi tại Trường THPT Trần Quốc Tuấn.
Tại Bình Định, cũng gánh chịu “cơn khát” điện kéo dài, theo tinh thần chỉ đạo, bà Nguyễn Thị Thanh Bình – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Dù bất cứ lý do nào đi chăng nữa, ngành điện lực sẽ phải đảm bảo điện phục vụ trong kỳ thi, không để tình trạng thiếu điện xảy ra từ ngày 2 đến 4-6.
Linh động hơn trong vấn đề xử lý nguồn điện, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các trường có tổ chức thi phải chuẩn bị máy nổ, để tiếp ứng điện khi nguồn điện xảy ra sự cố ngoài ý muốn.
Nhóm PV

 

Bình luận (0)