Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dịch sởi “tấn công” sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Một sinh viên bị bệnh sởi được chăm sóc tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt quốc gia. Ảnh: VNN

Trước và sau Tết Nguyên đán, tại Hà Nội, dịch sởi ở người lớn bùng phát một cách bất thường. Theo các chuyên gia y tế, dịch sởi thường xảy ra ở trẻ em thì năm nay lại xảy ra ở người lớn. Đối tượng bị bệnh chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 15 – 29 tuổi. Hiện nay đã có một số ca bị mắc bệnh là sinh viên (SV). Hơn ai hết, SV đang rất cần sự trợ giúp về thông tin cũng như cách phòng tránh từ các cơ quan chức năng.
Sởi tấn công SV
Theo PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ nhận định trong thời gian tới, dịch sởi có thể tiếp tục phát triển và lan rộng nhưng ít có khả năng xảy ra dịch lớn bởi hầu hết các ca bệnh hiện nay đều tản phát, không tập trung.TS Hiển cho biết, thống kê đến thời điểm hiện nay, tổng số trường hợp mắc sởi ở khu vực phía Bắc từ tháng 1-2009 là 379 bệnh nhân, chủ yếu tập trung ở Hà Nội. Những trường hợp mắc bệnh chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 15 – 29, thuộc rải rác tại 22 quận huyện với 66 xã phường. Những trường hợp mắc bệnh chủ yếu là chưa tiêm vắc-xin sởi hoặc đã tiêm nhưng không đầy đủ, chưa đủ mũi.Thông tin từ Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, nơi đang tập trung đông nhất các bệnh nhân sởi, trong ngày 5-2, đã có thêm 2 bệnh nhân mắc sởi vào nhập viện và đều là SV. Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân Nguyễn Thị Mai Quyên, quê Sơn La, đang học cao học tại Hà Nội.  Mẹ Quyên cho biết, sau kỳ nghỉ Tết ở quê, Quyên trở lại Hà Nội để học tập và có các dấu hiệu sốt cao, phát ban. Quyên nhập viện sáng 5-2 trong tình trạng phát ban toàn thân, buồn nôn, các tri giác chậm, rối loạn. Trường hợp thứ 2 là một nam SV hiện đang học tại Đại học Quốc gia Hà Nội, quê Bắc Ninh. Bệnh nhân này sốt cách đây 3 ngày, các dấu hiệu phát ban chưa rõ ràng và vẫn ở trong tình trạng tỉnh táo.  BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Điều trị tích cực cho biết đã có thêm một trường hợp bệnh nhân nặng đang có dấu hiệu hồi phục. Đó là em Trịnh Minh Thắng, quê Hòa Bình, hiện đang là SV năm thứ 3 Đại học Thủy lợi Hà Nội. Theo lời kể của bố Thắng, ngày 28, 29 Tết, em có các biểu hiện sốt cao và phát ban. Ngày mùng 5 Tết, tức 30-1-2009, Thắng được chuyển từ BV huyện xuống Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia trong tình trạng hôn mê sâu. Qua một tuần lễ điều trị, hiện Thắng đã tỉnh táo hơn nhiều, và đã có thể đi lại được.
Trước đó, SV Lê Đình Tú, ĐH Y Hà Nội bị sốt từ ngày 20-12 trong ký túc xá của trường, đến ngày 25 thì phát ban, ngày 29 thì tri giác xấu đi. Đến nay, các chức năng sống của em đã ổn định nhưng thần kinh chưa hồi phục và đang tiếp tục được điều trị.
Nhà trường “bó tay”
“Chúng tôi được biết trên các phương tiện thông tin đại chúng dịch sởi đang bùng phát ở người lớn. Nhưng ở trường tôi, chưa thấy báo cáo có trường hợp nào bị nhiễm bệnh” – thầy Nguyễn Minh Hùng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng nói. Không chỉ riêng thầy Hùng mà rất nhiều các thầy cô giáo ở các trường ĐH khác có “nghe nói đến bệnh sởi” bùng phát nhưng không được ai hướng dẫn phải làm thế nào để phòng tránh cho SV và cho chính bản thân mình. Nếu chẳng may SV nào bị “dính” thì bản thân SV và gia đình phải “lo”, nhà trường cũng không có cách nào khác. Cho đến giờ, các trường cũng như SV đều chưa nhận được hướng dẫn nào từ phía Bộ Y tế. SV Nguyễn Huy Hải, ĐH Công đoàn Hà Nội cho biết, Hải được bố mẹ ở quê điện lên nói phải đến các trung tâm dịch tễ để tiêm phòng dịch sởi. Còn ở trường, không thấy ai nhắc nhở gì.
Hiện tại ở Hà Nội, số người đi tiêm vắc-xin sởi rất nhiều, tuy nhiên không phải ở trạm y tế hay trung tâm dịch tễ nào cũng đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Để ngăn chặn nguy cơ dịch sởi có thể lây lan rộng, từ tháng 12-2008 Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã tăng cường giám sát tất cả các ca sốt phát ban nhập viện trên địa bàn Hà Nội…
 Nghiêm Huê

Bình luận (0)