Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp phải biết định vị mình

Tạp Chí Giáo Dục

Các diễn giả tại hội thảo "Thách thức mới, thành công mới" tổ chức tại Hà Nội vào cuối tuần qua. Ảnh: Hồng Phúc.

Làm thế nào để các doanh nghiệp xác định được mình đang ở đâu? Làm thế nào để đi tắt đón đầu khi đã bị bỏ lại khá xa? Làm thế nào để tự tin đứng thẳng trước những thách thức sắp tới? Những gợi ý để có câu trả lời đã được đưa ra tại hội thảo “Thách thức mới, thành công mới” được Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) tổ chức hôm 14-11, tại Hà Nội.
Đi xa, nhìn rộng
Cách đây hơn hai năm, một công ty của Việt Nam tìm cách sản xuất loại nồi nano để rửa rau quả. Mất hơn một năm mày mò thiết kế, chỉnh sửa kỹ thuật, sản phẩm hoàn thành với giá thành đến 2,1 triệu đồng. Nghe lời khuyên một người quen, công ty sang “chợ công nghệ” tại Trung Quốc, sau khi bày tỏ ý định của mình, một tuần sau họ mang đề án công nghệ cho chiếc nồi này về Việt Nam với giá thành 210.000 đồng/chiếc. Hiện loại sản phẩm này được bán trên thị trường với giá chừng 500.000 đồng/chiếc.
Ông Lê Xuân Nghĩa – Phó chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia – kể lại câu chuyện trên và nói: “Bất luận bạn cần giải pháp công nghệ nào, sang chợ công nghệ này bạn sẽ có sản phẩm đem về sau một tuần. Tôi khuyên tất cả các doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển nên tiếp cận chợ công nghệ này”. Ý của ông Nghĩa không chỉ là chuyện đi chợ, mà là đi ra ngoài, nhìn xa hơn, để thấy mình rõ hơn.
 
Nhưng doanh nghiệp muốn thành công trên thương trường không chỉ cần nhìn xa mà còn phải biết nhìn rộng. Nhìn vào biểu đồ về đường đi của GDP, ông Nghĩa cho rằng, mức tăng trưởng 7%, được cho là thấp đối với Việt Nam, sẽ còn duy trì trong vài năm tới, và nếu chúng ta tiếp tục chủ quan thì suy giảm kinh tế rất có thể tụt xuống đáy mới. “Theo khảo sát của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lượng hàng tồn kho hiện còn rất lớn trong các doanh nghiệp sản xuất”, ông Nghĩa cho hay.
Đề cập đến chính sách tiền tệ, ông Lê Xuân Nghĩa, và ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại, nhận định những tín hiệu về việc thay đổi lãi suất cơ bản hay tỷ giá chưa thấy xuất hiện nhưng dự báo đầu năm 2010 sẽ có gói kích thích ngắn hạn.
“Chính phủ sẽ không nới lỏng tín dụng mà đang đi theo hướng kiểm soát tín dụng chặt hơn, nhưng không có nghĩa là siết chặt tín dụng”, ông Nghĩa nhận định. Bản thân ông cho rằng nếu siết chặt tín dụng cũng phải siết từ từ, vì nếu “thắng gấp”, doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu không nổi, bởi chính bản thân họ đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Trả lời câu hỏi trong tình hình hiện nay các doanh nghiệp muốn có ngoại tệ để nhập khẩu nên vay bằng tiền đồng để mua ngoại tệ hay vay trực tiếp đồng tiền nước đó, ông Nghĩa phân tích hiện thời lãi suất tiền đồng đang được hỗ trợ, còn đồng đô la Mỹ thì không. Nhưng sang năm, khi việc hỗ trợ của Chính phủ rút dần, kinh tế phục hồi thì lãi suất tiền đồng sẽ tăng.
Hãy thân thiện với ngân hàng
 
Lời khuyên mà ông Nghĩa đưa ra cho các doanh nghiệp là nên cùng ngân hàng nỗ lực để khai thác triệt để gói kích thích kinh tế trung và dài hạn. “Doanh nghiệp càng khó khăn càng nên gặp gỡ ngân hàng thường xuyên để chia sẻ thực trạng của mình, cho ngân hàng thấy phương án khắc phục ra sao để được hiểu, hỗ trợ, còn nếu để ngân hàng nghi ngờ, doanh nghiệp rất khó tồn tại. Trốn tránh ngân hàng là cách làm sai lầm”, ông Nghĩa nói. Với vai trò cố vấn của Thủ tướng, ông Trương Đình Tuyển nhận định rằng, các nền kinh tế chưa hết khó khăn trong thời gian tới, song sẽ có ba điểm lớn nổi lên: Bức tranh kinh tế sẽ được phát triển theo xu hướng “xanh”, tức vừa thân thiện với môi trường vừa trong sạch; Thị trường sẽ được tái cấu trúc theo hướng nhà nước tham gia điều tiết nhiều hơn; Các định chế quản lý cũng được thiết lập lại và có thể xuất hiện những nhóm kinh tế mới như G20 bên cạnh nhóm G8.
Và ông Tuyển nhận xét các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam vẫn còn khá nhiều nhược điểm có thể kể ra như: tư duy thiếu tính sáng tạo, không theo kịp sự phát triển của thị trường và đối thủ cạnh tranh, thiếu chiến lược kinh doanh, dễ bằng lòng với thực tại… Ông lấy ví dụ Trung Quốc xuất khẩu tượng Lincoln vào Mỹ thì Việt Nam lại xuất khẩu tượng Tháp rùa, để cho thấy rằng doanh nghiệp Việt Nam đã không đặt khách hàng vào vị trí trung tâm, lại áp đặt suy nghĩ của mình cho khách hàng.
Quan điểm của ông Tuyển là quy mô nhỏ không quan trọng, tốc độ phát triển của doanh nghiệp mới là quyết định, tốc độ phát triển cao thì từ nhỏ nhanh chóng thành lớn.
Ông Tuyển cho rằng đang có hai cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-Nhật Bản đã có hiệu lực từ đầu tháng 10-2009 với mức thuế xuất nhiều mặt hàng vào Nhật Bản còn 0%. Còn từ ngày 1-1-2010, khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (AFTA) sẽ có 90% mặt hàng của sáu nước ASEAN có thể xuất vào Trung Quốc với thuế suất 0%.
Đưa chuyên gia đến với doanh nghiệp
Với mục tiêu giúp các doanh nghiệp quản trị rủi ro, nhận diện các thách thức và đón đầu cơ hội kinh doanh khi nền kinh tế thế giới đang dần hồi phục trở lại, ngày 14-11, tại Hà Nội, VIB đã tổ chức chương trình hội thảo dành cho khách hàng là doanh nghiệp với chủ đề “Thách thức mới, thành công mới”.
Nội dung hội thảo xoay quanh năm vấn đề chính: Dự báo về sự phục hồi của nền kinh tế thế giới sau thời kỳ khủng hoảng; Những thách thức mới và cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam; Rủi ro cho doanh nghiệp và quản trị rủi ro trong thời kỳ hậu khủng hoảng; Cập nhật thông tin về các gói kích cầu của Chính phủ dành cho doanh nghiệp; Chia sẻ bí quyết thành công.
Tham dự tọa đàm có ông Cao Sĩ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, ông Lê Xuân Nghĩa – Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ông Trương Đình Tuyển – Thành viên Hội đồng Tiền tệ Tài chính quốc gia, Ban lãnh đạo VIB và đại diện của hơn 150 doanh nghiệp.  
Theo TBKTSG
 

 

Bình luận (0)