Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ngân hàng đi tìm khách

Tạp Chí Giáo Dục

Tâm lý e ngại lãi suất cao ở 6 tháng đầu năm 2010 đã làm tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng cá nhân ở một số ngân hàng (NH) không đạt như kế hoạch. Đó là lý do, các NH hiện đang mạnh tay cho vay tiêu dùng.

Đẩy mạnh cho vay
NH TMCP Á Châu (ACB) là một ví dụ. Theo kế hoạch 6 tháng đầu năm 2010, dư nợ cho vay cá nhân tăng ròng 20.000 tỉ đồng nhưng chỉ mới đạt hơn 8.000 tỉ đồng. Để chạy nước rút, NH đã trực tiếp đi tìm khách hàng thay vì ngồi chờ khách hàng đến vay như hiện nay.
Hiện nay Eximbank cũng đang triển khai mô hình bán lẻ bằng cách mở 12 phòng dịch vụ khách hàng cá nhân tại 12 chi nhánh nhằm chuyên môn hóa hoạt động cho vay, cung ứng các giải pháp, dịch vụ tài chính đối với khách hàng cá nhân. Dự kiến Eximbank sẽ hoàn tất 30 phòng dịch vụ khách hàng cá nhân tại các chi nhánh, sở giao dịch để triển khai hiệu quả mô hình bán lẻ.
Ngoài cách thức tiếp cận khách hàng, các NH hiện nay đang mạnh tay đẩy mạnh cho vay tiêu dùng bằng nhiều chương trình. Có thể kể ra như “HSBC ưu đãi lớn 2010”, trong đó khách hàng được miễn lãi suất vay tháng đầu tiên cho các khoản vay mua nhà, mua xe hơi, vay tiêu dùng; NH TMCP Phát triển nhà TP.HCM (HDBank) cho vay hỗ trợ tiêu dùng với hạn mức 300 triệu đồng mà khách hàng không cần chứng minh mục đích sử dụng vốn; “SeAMore – Cho vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo” của NH TMCP Đông Nam Á (SeABank) cho vay từ 10 triệu đồng đến 5 tỉ đồng, thời hạn 10 năm; NH TMCP Đại Dương (OceanBank) với gói cho vay tiêu dùng để sửa chữa, trang trí nhà, mua sắm vật dụng gia đình, đồ nội thất, du lịch, học tập…
Theo điều tra về hành vi người tiêu dùng của HSBC, người dân có nhu cầu mua sắm nhiều vật dụng gia đình vào cuối năm nên tín dụng tiêu dùng cá nhân sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Hơn nữa, lãi suất hiện nay đang có xu hướng giảm nên phần nào kích thích người dân vay trở lại. Đây là những tín hiệu mà các NH đang nhìn vào để có thể đạt kế hoạch cho vay tiêu dùng của năm nay.
Người vay cần lưu ý
Đối với một số NH khi cho vay tiêu dùng, đặc biệt với hình thức tín chấp thường đưa ra 2 hình thức trả nợ cho khách hàng với mức lãi suất khác nhau. Đó là dư nợ cố định bằng một khoản tiền (gốc và lãi) phải trả cho NH cố định hằng tháng hoặc dư nợ giảm dần tính theo số tiền gốc còn nợ.
Thường thì lãi suất tính trên dư nợ cố định rất thấp, còn dư nợ giảm dần cao. Điều này khiến không ít người đi vay khi chọn hình thức dư nợ cố định. Nhưng trên thực tế, số lãi mà khách hàng phải trả khi chọn dư nợ cố định cao hơn nhiều so với dư nợ giảm dần. Ví dụ, một khoản vay 60 triệu đồng trong vòng 12 tháng, lãi suất tính trên dư nợ cố định là 13,5%/năm, dư nợ giảm dần là 21%/năm. Tuy nhiên, nếu tính tổng số tiền lãi mà khách hàng chọn trả cố định là hơn 8,2 triệu đồng, trong khi dư nợ giảm dần số tiền lãi trả chỉ hơn 7 triệu đồng.
Một điểm cần lưu ý nữa là chọn thời gian vay nếu trong hợp đồng có quy định lãi phạt trả nợ trước hạn. Tâm lý người đi vay tiền thường muốn kéo dài thời hạn vay mà không tính toán xem thời gian có thể trả nợ bao lâu. Với một khoản vay nhỏ mà thời gian kéo dài, phần lãi phải trả NH sẽ chiếm tỷ lệ khá cao trong khoản vay. Trong thời gian trả nợ, khách hàng muốn tất toán hợp đồng sớm sẽ đụng phải mức phí trả nợ trước hạn (tùy vào từng NH có mức phí và cách tính khác nhau).
Thanh Xuân / TNO

Bình luận (0)