Ngày 22-7, Ban chỉ đạo chương trình "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt", sơ kết 6 tháng thực hiện. Kết quả một cuộc điều tra cho thấy, số người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thời gian qua đã tăng từ 23% lên 58%, người Việt đã bớt sính hàng ngoại.
Doanh nghiệp Hà Nội đưa hàng Việt về Ba Vì (Hà Nội). Ảnh: Phạm Anh. |
Thói quen đã dần thay đổi
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo chương trình "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt", 6 tháng qua, việc thực hiện cuộc vận động đã có chuyển biến rõ nét ở cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nếu so với kết quả điều tra tiến hành tại 16 nước châu Á của Grey Group (Mỹ), với kết quả cuộc điều tra mới đây của một doanh nghiệp truyền thông trong nước, về hiệu quả của chương trình "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" sau gần 1 năm được Bộ Chính trị phát động, thì nhận thức, xu hướng tiêu dùng của người Việt đã có nhiều thay đổi.
Kết quả điều tra của Grey Group công bố tháng 1-2010, có đến 77% người tiêu dùng Việt Nam chuộng các thương hiệu nước ngoài, chỉ có 23% người tiêu dùng Việt chuộng hàng trong nước. Còn theo kết quả điều tra mới đây thì có 58% người tiêu dùng quan tâm, sử dụng hàng Việt. Đây là mức tăng đáng kể về xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho rằng, khi các doanh nghiệp không thể chiếm lĩnh các kênh truyền hình, các kênh bán lẻ thì việc tổ chức đưa hàng về nông thôn, xây dựng hệ thống phân phối chân rết hàng Việt tại các địa phương là hết sức cần thiết.
Quá trình đồng hành cùng doanh nghiệp thời gian qua cho thấy việc vận động đưa hàng Việt tới người tiêu dùng không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Bà dẫn chứng, có huyện đã phản ứng khá gay gắt, khi nghe bà phản ánh hàng Trung Quốc tràn ngập các chợ của huyện.
Để chứng minh, bà Hạnh cùng một vị phó chủ tịch huyện đi kiểm tra thì có tới 70% lượng hàng bán ở chợ đó có xuất xứ Trung Quốc, dù các mặt hàng này doanh nghiệp trong nước đều sản xuất được. "Khi đó lãnh đạo huyện mới giải thích chỉ nghe báo cáo của phòng Công Thương, chưa đi thực tế nên không nắm được cụ thể thị trường", bà Hạnh kể.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá: "Nhiều người Việt đã có sự thay đổi thói quen, nhận thức, hành vi tiêu dùng trong việc ưu tiên sử dụng hàng nội địa, thay vì mua hàng ngoại như trước đây".
Nhiều nơi vẫn thờ ơ
Tuy nhiên, theo bà Hồ Thị Kim Thoa, trong quá trình thực hiện chương trình chưa có sự gắn kết giữa tỉnh này và tỉnh kia. Ngay cả công tác truyền thông, chưa tạo được sự đồng điệu, thành làn sóng truyền thông, tác động mạnh vào tâm lý, hành vi người tiêu dùng. Nhiều hội chợ, triển lãm mới chỉ dừng ở trưng bày, giới thiệu bán lẻ hàng hóa thuần túy. Nhiều doanh nghiệp chưa biết đến chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt, khi triển khai chương trình vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng khuyến mại để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, hàng sắp hết hạn sử dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng, từ đó làm giảm đi ý nghĩa thiết thực của cuộc vận động.
|
"Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến thị trường nội địa, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu. Những doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu, hệ thống phân phối thành công tại thị trường trong nước như Vinamilk, May 10… đến nay vẫn còn ít"- Ban chỉ đạo đánh giá.
Theo bà Thoa, để thay đổi tư duy, nhận thức, hành vi thói quen tiêu dùng cần cả một quá trình. Ban chỉ đạo T.Ư đang lên kế hoạch đi kiểm tra, đánh giá việc hưởng ứng thực hiện cuộc vận động ở các địa phương và bộ ban ngành. Trong các cuộc kiểm tra sẽ có kiểm tra cụ thể tại 3 địa phương làm tốt nhất và 3 địa phương làm chưa hiệu quả để có định hướng tiếp theo.
Phạm Tuyên / Tien Phong
Bình luận (0)