Chưa có con số thống kê đầy đủ nhưng hầu như hàng nhập ngoại có mặt ở mọi ngành hàng (từ trái cây, rau quả, sữa cho đến quần áo, giày dép, đồ trang sức…). Và điều đáng nói là đa số không đảm bảo an toàn vệ sinh, thậm chí còn nguy hại đối với người dùng, nhất là những sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
“Ba không” thẳng tiến
Một “cuộc khảo sát bỏ túi” mới đây của chúng tôi tại các chợ và siêu thị cho thấy, hàng ngoại nhập đang chiếm tỷ lệ khá lớn. Trong đó, hàng Thái Lan, Trung Quốc… thâm nhập rất sâu vào thị trường, gây lo ngại cho nhiều người. Hàng nhập từ những nước này có đủ loại, từ gói gia vị, bột ngọt, ống kem đánh răng cho đến hộp sữa, trái cây, rau quả, quần áo.
Mua bột ngọt trong siêu thị cho chắc ăn – Ảnh Thi Na |
Mấy năm trước, thị trường rộ lên các loại gia vị như nước tương, xì dầu, dầu hào và các phụ gia có xuất xứ từ Trung Quốc, nay xuất hiện thêm nhiều loại gia vị chế biến món lẩu như lẩu Thái, lẩu Tứ Xuyên, rồi bột rau câu Thái. Và gần đây người tiêu dùng còn chứng kiến sự cạnh tranh giữa “bột ngọt ba không” (không nhãn mác, không xuất xứ, không hạn sử dụng) của Thái Lan và Trung Quốc.
Không còn “im hơi lặng tiếng” như sau các đợt truy quét của quản lý thị trường, “bột ngọt ba không” của Trung Quốc và Thái Lan đang được bày bán công khai tại các chợ Bình Tây, Kim Biên. Không chỉ vậy, cũng tại những chợ đầu mối này, các loại “sữa xá” đóng bao 25kg không ai đảm bảo chất lượng; hạt trân châu dùng chế biến trà sữa từng bị cho là làm từ hạt nhựa polymer cũng được bán tràn lan.
Ngoài các loại sữa, gia vị, bột ngọt…, trái cây, rau quả của Thái Lan, Trung Quốc cũng được nhập về nhiều. Hiện nay, tại các chợ đầu mối nông sản Thủ Đức và Bình Điền, lượng trái cây có xuất xứ từ Thái Lan như măng cụt, bòn bon, vải, sầu riêng, xoài… nhập về ngày càng tăng mạnh.
Theo thống kê, trong 1.600 – 1.700 tấn trái cây về chợ Thủ Đức mỗi đêm, trái cây ngoại chiếm 20 – 30%, trong đó chủ yếu là trái cây nhập từ Thái Lan và Trung Quốc. Ở chợ đầu mối Hóc Môn, mỗi đêm có hơn 200 tấn rau, củ, quả Trung Quốc về chợ. Nhiều nhất là củ hành trắng, củ hành tím và tỏi.
Rau, quả Trung Quốc về chợ Thủ Đức cũng chiếm số lượng như thế, nhưng chủng loại đa dạng hơn nhiều (cà rốt, cà chua, cải bắp, cải thảo, súp lơ, bí đỏ, đậu Hà Lan, củ cải trắng, khoai sọ và khoai tây). Chính từ các chợ đầu mối này, rau, củ Trung Quốc được rải đi khắp các chợ lẻ, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP.HCM, kể cả về các tỉnh.
Không chỉ vậy, giày dép, quần áo may sẵn của hai nước này còn cạnh tranh trực tiếp với hàng trong nước và được tiêu thụ mạnh đến nỗi các nhãn hiệu giày có tiếng ở TP.HCM như Hồng Thạnh, Pasteur, Hạnh Dung… đều phải bán thêm giày Trung Quốc, Đài Loan bên cạnh sản phẩm của mình để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Mới đây, người ta cũng phát hiện các loại xí muội, trái cây khô (dạng mứt) bán tại các chợ hầu hết được nhập từ Trung Quốc. Đây là những loại thực phẩm đã từng bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo là có hại cho sức khỏe do chứa hàm lượng chì quá cao.
Quản lý hụt hơi
Trên thực tế, hầu hết các sản phẩm nhập từ Trung Quốc, Thái Lan đều không có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng, một số ít có nhãn nhưng cũng chỉ ghi toàn tiếng Tàu, tiếng Thái, chẳng mấy ai đọc được. Điều đáng nói là hàng nhập từ hai nước này vẫn chưa được kiểm tra, kiểm soát kỹ, chỉ có trái cây, rau quả là có chứng từ, thủ tục thông quan, còn giày dép, quần áo, mỹ phẩm, sữa… tuy có kiểm tra nhưng chỉ “qua loa lấy lệ” sau khi có thông tin những sản phẩm này bị phát hiện chứa chất độc hại.
Riêng các loại gia vị, có lẽ do được xem là mặt hàng nhỏ, ảnh hưởng cũng nhỏ nên từ trước tới nay chưa có cuộc kiểm tra, kiểm nghiệm nào của các cơ quan chức năng!
Theo các chuyên gia, cách quản lý hiện nay đang có vấn đề. Mỗi khi rộ lên một sự kiện nào đó, các cơ quan chức năng mới tổ chức đoàn kiểm tra đi thực tế thị trường, nhưng khi sự việc lắng xuống thì mọi việc lại đâu vào đấy. Chính vì cách làm “bắt cóc bỏ dĩa” như vậy nên hàng ngoại nhập không đảm bảo chất lượng, không có nguồn gốc rõ ràng vẫn cứ xuất hiện trên thị trường.
Chẳng hạn như sau vụ sữa Trung Quốc nhiễm melamine, sữa xá ở chợ bị “điểm mặt”; son Trung Quốc bị phát hiện có chứa chất sudan thì những người bán mỹ phẩm ở chợ cất giấu, thậm chí đóng cửa sạp, tạm nghỉ bán; hạt trân châu bị phanh phui làm từ hạt polymer thì những người bán mặt hàng này “án binh bất động”…
Thế nhưng sau đợt kiểm tra, những loại hàng này lại được bày bán trở lại như chưa có chuyện gì xảy ra. Riêng với trái cây, rau quả nhập khẩu, dù nghi ngờ có chứa nhiều chất bảo quản gây ung thư cho người tiêu dùng nhưng ngành y tế vẫn chưa thể tìm ra.
Nói về tình trạng hàng ngoại nhập chất lượng kém tràn lan, một cán bộ quản lý thị trường bức xúc: “Không phải chúng tôi không mạnh tay với hàng ngoại nhập chất lượng kém, mà do chúng tôi không đủ sức xử lý trước lượng hàng ồ ạt đổ về thành phố. Tại sao không đốn ngay từ gốc (các cửa khẩu), mà lại cắt từ ngọn? Hàng nhập cứ tuôn vào tràn lan như thế này, thử hỏi làm sao chúng tôi làm xiết!”.
Ở góc độ khác, các chuyên gia cho rằng, hàng ngoại nhập thâm nhập sâu vào thị trường có một phần trách nhiệm của người tiêu dùng. Những năm qua, người tiêu dùng Việt Nam đã “phớt lờ” hàng loạt “vết đen” của hàng ngoại nhập dỏm, trong đó nổi cộm là hàng Trung Quốc. Điển hình là vụ kem đánh răng Excel và Mr. Cool có chứa chất diethylene glycol (DEG) cao gấp 50 lần hàm lượng an toàn cho phép xảy ra trong năm 2007.
Kế đến là vụ một số đồ chơi sản xuất tại Trung Quốc có chứa chất độc hại, rồi đến sữa nhiễm melamine, và gần đây nhất là vụ đồ chơi và quần áo trẻ em có chứa formaldehyde có thể gây nhiễm trùng da và đường hô hấp.
MINH HÀO / DNSG
Bình luận (0)