Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thay đổi… thần tốc

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang đưa ra dự kiến những phương án tuyển sinh mới trong mùa tuyển sinh 2012. Tuy nhiên, nếu các phương án này được thực hiện thì thời gian dường như sẽ trở thành nỗi hoang mang với thầy trò lớp 12…
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa.
Có thể nói, vài năm trở lại đây, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy theo phương án “ba chung” đã bộc lộ những hạn chế, cùng với điểm sàn không thay đổi khiến cho bức tranh về tuyển sinh ĐH, CĐ có phần “ảm đạm”, đặc biệt là ở khối các trường ngoài công lập. Chính vì thế, Bộ GD&ĐT đang đưa ra ba phương án tuyển sinh sẽ được trưng cầu ý kiến tại hội nghị tuyển sinh diễn ra giữa tháng 1/2012. Và với 3 phương án này, sự thay đổi các môn trong khối thi hoặc xuất hiện các khối thi mới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thực tiễn và sẽ có lợi cho học sinh.
Bởi lẽ, chẳng hạn với thí sinh thi vào Đại học Kinh tế phải thi khối A là Toán, Lý, Hóa. Nhưng thực tế môn Hóa là môn thừa với chuyên ngành này. Nếu có sự thay đổi, thì bằng cách nào đó nên thêm môn ngoại ngữ vào khối này sẽ hữu ích hơn nhiều. Có thể thay đổi theo hướng khối A có thể có 4 môn thi gồm cả Ngoại ngữ, hoặc thí sinh được chọn thi Ngoại ngữ thay vì phải thi môn Hóa học. Cách thay đổi này thí sinh sẽ là người có lợi.
Tuy nhiên, theo GS.Văn Như Cương, thay đổi là cần thiết nhưng cũng phải có thời gian để học sinh chuẩn bị. Phải có ít nhất là 1 năm thì học sinh mới bắt nhịp được với những thay đổi này. Vì thông thường, vào lớp 10 là giáo viên đã phải định hướng cho học sinh sẽ học theo khối nào, thi khối nào rồi. Nếu học đến giữa lớp 12 mới có sự thay đổi khối thi thì các em sẽ không thể chuẩn bị kịp.
Thế nên, GS.Văn Như Cương cho rằng điều này sẽ ít tính khả thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT là để xác nhận trình độ cơ bản của học sinh phổ thông ở tất cả các môn học. Kỳ thi đại học giống như để làm nghề, chứ không phải là để kiểm tra kiến thức phổ thông. Mà đã là nghề thì đòi hỏi những hiểu biết chuyên sâu chứ không phải là mớ kiến thức cào bằng. Bởi vậy, theo GS.Văn Như Cương, có thể quy định 1 khối thi có đến 4 môn là tối đa, chứ bắt 1 học sinh đã trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, rồi lại phải qua kỳ thi đại học chừng đó môn nữa thì không khả thi và quá sức với các em.
Đành rằng, với phương án tuyển sinh mới này là một bước chuyển biến mới mẻ và dường như có lợi cho thí sinh nhưng thời gian thì không hề ủng hộ thầy và trò. Khi mà những dự kiến này phải tới giữa tháng 1 mới được quyết định tại Hội nghị tuyển sinh, cùng với đó là học sinh nghỉ Tết thì thời gian cho sự đổi mới này quả là… thần tốc và học sinh vắt chân lên cổ trong nỗi hoang mang là điều dễ hiểu…
Theo Miên Thảo
(phapluat)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)