Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quốc hội khảo sát thực tế tại các trường THPT: Lương thấp, chương trình nặng

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Thầy Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (đứng) đang trình bày cho đoàn khảo sát của Quốc hội Suốt 4 ngày trong tuần qua, Ủy ban Văn hóa Xã hội và Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội đã có chương trình khảo sát thực tế đến các trường học tại TP.HCM. Đoàn đã đến 5 trường THPT gồm trường Tạ Quang Bửu, Thủ Thiêm, Nguyễn Hữu Huân, Trung Phú và chuyên Lê Hồng Phong. Nội dung chương trình khảo sát nhằm ghi nhận những tồn tại, khó khăn về mọi mặt từ cơ sở vật chất, đời sống giáo viên đến việc thực hiện chương trình thay SGK và phân ban đại trà.

Nhiều môn học bất cập

Hầu như ở tại 5 đơn vị, đoàn đều nghe phản ánh giống nhau: nội dung chương trình trong SGK quá nặng, thiếu khoa học từ tổ trưởng các bộ môn và Ban giám hiệu. Thầy Nguyễn Tiến Hy, Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Thiêm nói: “Chúng tôi không biết ở các trường khác như thế nào, chứ đối với Trường THPT Thủ Thiêm thì nội dung chương trình hiện nay quá nặng. Đầu vào của học sinh nhà trường gần như là những đối tượng yếu kém, may lắm cũng chỉ dừng ở học lực trung bình. Vậy làm sao thầy cô giáo có thể dạy tốt được so với nội dung yêu cầu SGK đặt ra. Ở lớp, bài học quá nhiều, về nhà lượng bài tập cũng “đồ sộ” không kém. Nhiều học sinh thể hiện rõ dấu hiệu mệt mỏi”. Thầy Ngô Văn Thiện, tổ trưởng bộ môn vật lý Trường THPT Nguyễn Hữu Huân bày tỏ: “Học sinh than phiền với giáo viên bài học lẫn bài tập quá nhiều, khó hiểu. Khi tôi hỏi: các em thích học gì ở bộ môn này? Hầu hết các em đều trả lời: thích thực hành nhiều!”. Thầy Huân nói thêm: “Chúng ta than phiền “thừa thầy thiếu thợ”, nhưng tôi nhận thấy nội dung chương trình học của các em thì gần như hướng học sinh đến lối làm thầy. Học sinh thắc mắc: các kiến thức này sau khi học được ứng dụng như thế nào? Điều đó để thấy chương trình chưa sát với thực tế nhu cầu của xã hội”. TP.HCM – một thành phố năng động, chất lượng đào tạo luôn đi đầu so với cả nước, vậy mà ai cũng có chung nhận xét rằng SGK quá tải. Vậy thử hỏi, các tỉnh thành còn lại sẽ như thế nào, đặc biệt là các tỉnh vùng núi, Tây nguyên hay Đồng bằng sông Cửu Long. Cô Hà Ngọc Xuân, tổ trưởng bộ môn hóa đưa ra một vài điểm nghịch lý: “Yêu cầu của Bộ GD-ĐT cho rằng lớp 12 cần kết thúc chương trình sớm để các em còn tập trung chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và sau đó là kỳ thi tuyển sinh đại học. Nhưng với chương trình “khủng khiếp” như thế kia khó mà thực hiện tốt. Bộ GD-ĐT đưa chương trình lớp 11 lên lớp 12 những tưởng làm nhẹ chương trình nhưng ngược lại nó nặng nề thêm. Bởi, trong quá trình dạy, bắt buộc người thầy phải ôn lại những kiến thức có liên quan khi dạy kiến thức mới”. Cô Võ Thị Hoa, giáo viên bộ môn sinh vật nói: “Giữa kiến thức và thời lượng có sự mâu thuẫn rõ rệt. Đòi hỏi người thầy truyền thụ kiến thức nhiều, trong khi thời lượng lại quá ít ỏi? Tôi nhận thấy một số bài học của môn sinh chen lẫn kiến thức đúng ra phải là của môn hóa”. Giáo viên dạy toán gần 30 năm và là tổ trưởng tổ toán của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, cô Nguyễn Thị Trà Mi bày tỏ: “Chương trình phân ban thí điểm đã nặng, chương trình phân ban đại trà nặng hơn. Bài tập một bài một dạng làm rối thêm cho các em”.

Lương thầy giáo cấp 3 = lương công nhân may!

Thầy Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân sau khi trình bày về thực trạng đời sống của người giáo viên quá thấp so với mặt bằng của xã hội và đưa ra minh chứng cụ thể: “Một giáo viên tốt nghiệp đại học. Sau khi được phân công dạy lớp, dù cộng thêm cả khoản 35% phụ cấp đứng lớp, tổng thu nhập của người giáo viên  này chỉ gần 1,4 triệu đồng/tháng. Tốt nghiệp đại học mà lương chỉ bằng một công nhân may? Một nghịch lý kéo dài liên tục bao nhiêu năm rồi”. Đồng lương của giáo viên quá khiêm tốn và quá vô lý, vấn đề này đã được đề cập rất  nhiều. Tiền học phí của thời giá cách đây hơn chục năm đã quá lạc hậu, nhưng vẫn chưa thấy chuyển động chỉnh đổi huống chi là thực hiện. Trong khi giá cả ngoài xã hội đã tăng gấp mấy lần?

Giáo viên dạy trường chuyên cũng chung số phận. Họ là những người nhận nhiệm vụ đào tạo nhân tài, đào tạo những tinh hoa, nhưng chế độ chính sách dành cho họ thì cũng phải chờ. Thầy Võ Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong bức xúc: “Nhà trường được yêu cầu đề xuất chế độ chính sách dành cho giáo viên và học sinh. Chúng tôi đã làm, đã trình bao nhiêu lâu rồi, nhưng chưa thấy hồi âm?”. Về trang thiết bị phục vụ cho dạy và học, nhiều giáo viên đề nghị Công ty thiết bị giáo dục sử dụng vật liệu phải có chất lượng, bền. Do học sinh đang ở độ tuổi hiếu động nên ít cẩn trọng khi sử dụng. Nhưng thực tế nhiều thiết bị chỉ thực hành được dăm ba lần là… bỏ. Cô Hà Ngọc Xuân, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân nói thẳng: “Đồ dùng dạy học có một số không có chất lượng”. Điều đó để thấy đầu tư cho giáo dục vẫn còn rất nhiều và cần được sự quan tâm hỗ trợ từ nhiều phía.

T.T.Q

Bình luận (0)