Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội in TPHCM, hiện nay TPHCM có khoảng 260 nhà in có máy in công nghiệp và hơn 2.000 cơ sở in ấn nhỏ các loại. Trung bình mỗi năm ngành in TP thực hiện xấp xỉ 540 tỷ trang in với tổng doanh thu trên 18.000 tỷ đồng.
Áp lực từ nhiều hướng
Từ năm 1993 đến năm 2008, ngành in TP liên tục tăng trưởng 10% – 15% mỗi năm, sản lượng in ấn ở TP chiếm 60% – 65% sản lượng in cả nước. Thế nhưng, kể từ năm 2009 trở lại đây, ngành in TP đang ngày càng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt trong giai đoạn 2010 và 4 tháng đầu năm 2011, ngành in TP giảm mức phát triển xuống chỉ còn khoảng 5%, bằng 1/3 so với trước đó.
Một trong những nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do sự suy thoái chung của nền kinh tế dẫn đến nhu cầu in ấn giảm mạnh. Chỉ tính riêng số lượng in sách, báo, tạp chí đã giảm từ 20% đến 30%, trong đó giảm mạnh nhất là lượng sách in, trừ sách giáo khoa, còn các loại sách in khác đều tuột dốc. Thậm chí, nhiều loại sách tra cứu truyền thống như từ điển, danh bạ còn đang dần biến mất trong danh mục sản phẩm ngành in. Sự suy giảm này phần nào còn do việc phát triển mạnh của truyền thông điện tử, các loại sách, báo điện tử… làm cho nhu cầu sách, báo in truyền thống giảm. Một nguyên nhân khác là giá giấy in liên tục tăng đột biến, khiến giá thành sản phẩm in trở nên ngày càng đắt, ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng.
Cân đối, mở rộng thị phần
Trong bối cảnh khó khăn đó, một trong những phương hướng được cho là chiếc phao cứu sinh đối với ngành in là nhu cầu in ấn nhãn hàng và bao bì. Trong năm qua, công nghiệp tăng khoảng 10%, nhu cầu in nhãn hàng hóa cũng tăng tương ứng. Đây là đối tượng lớn nhất và tiềm năng lâu dài nhất của ngành công nghiệp in. Thế nhưng, điều đáng lo ngại là chính các đơn vị in nước ngoài đã giành được thị phần đáng kể trong việc in ấn nhãn và bao bì.
Lý do của tình trạng này, theo nhận xét của Hiệp hội in TP, ngành in TP vẫn chưa đủ lớn mạnh và bản lĩnh để hội nhập với thị trường in quốc tế. Hiện nay, mỗi năm ngành in TP đầu tư khoảng 5 – 7 triệu USD cho máy móc, thiết bị, trong đó có nhiều thiết bị hiện đại, nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả vì đầu tư trùng lắp, thiếu đầu tư chuyên sâu từng lĩnh vực…
Để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn, khôi phục sức phát triển trong thời kỳ mới, Hiệp hội ngành in đã đề ra nhiều biện pháp trong đó tránh sự đầu tư trùng lắp, tránh cạnh tranh không lành mạnh. Sau đó phát triển các lĩnh vực in chuyên biệt, tạo sự cân đối trong lĩnh vực in ấn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp in mở rộng thị phần.
Tường Vy / SGGP
Bình luận (0)