Quảng cáo tự nhiên như không phải quảng cáo, đó là tiêu chí đầu tiên của quảng cáo trong phim (thuật ngữ quảng cáo gọi là product placement). Sản phẩm được giới thiệu như một phần của hành động, lời nói hoặc hình ảnh, được khán giả nhập tâm một cách vô tình nhưng sâu trong tiềm thức. Xuất hiện tình cờ trên phim ảnh là lựa chọn tối ưu để việc quảng cáo sản phẩm thú vị hơn trong mắt khán giả.
Thế nhưng, trong phim Việt, phần lớn những người bỏ tiền ra làm product placement đều muốn sản phẩm của mình phải xuất hiện tới lui nhiều lần, rõ ràng và nhắc đi nhắc lại càng nhiều lần càng tốt. Năm 2004, đạo diễn Lê Hoàng đã cho chiếc Suzuki Vitara “phanh thây” trên màn ảnh trong Lọ lem hè phố khi camera hết zoom ra zoom vô đến lượn quanh thân xe trong một tình tiết vô nghĩa.
James Bond và đồng hồ Omega. Ảnh: TL
Mới đây, trong phim Sài Gòn Yo, hai nữ diễn viên chính đã quảng cáo cho tivi Samsung 3D trong hai phân đoạn dài thượt, không chỉ với hình ảnh mà còn gọi tên “tivi Samsung 3D mới nhất đây!”
Trong bộ phim truyền hình Phía cuối cầu vồng, có lẽ vì nhận nhiều quảng cáo khác nhau mà không biết xử lý như thế nào nên khán giả phải chứng kiến cảnh phía trước công ty thì treo bảng công ty quảng cáo Big Sun nhưng bên trong lại nhan nhản biển hiệu Mê Linh Hyper Market. Cũng trong phim này, nhiều nhân vật không hề nghiện sữa mà cứ cảnh quay nào cũng thấy nhân vật uống sữa, tay cầm sữa, thậm chí đi vô quán càphê cũng gọi sữa Ba Vì.
Hay như trong phim truyền hình C13 đón tết, nhà sản xuất cho anh giữ xe chung cư kiêm thêm việc bán kẹo. Cứ mỗi lần trả tiền thừa cho khách, anh cứ thòng thêm “Loại này ngon lắm, ăn một lần là nhớ mãi”. Và thế là các nhân vật cứ phải ăn kẹo, kẹo cứng, kẹo mềm, kẹo cao su…
Xuất hiện hợp lý, thú vị sẽ khiến khán giả nhớ lâu, nhưng “trói buộc” một cách khiên cưỡng sẽ tạo hiệu quả ngược, thậm chí gây nên phản cảm nơi người tiêu dùng. Vấn đề đặt ra không phải là thời gian xuất hiện trên phim của sản phẩm ngắn hay dài, cái chính là nó được sắp đặt như thế nào cho hợp lý. Đại diện thương hiệu của một hãng điện thoại có mặt tại Việt Nam đã có lần từ chối một nhà sản xuất phim khi đi kêu gọi tài trợ, bởi theo ông, “làm quảng cáo thì chúng tôi phải kiểm soát được cách thức thực hiện. Đưa tiền cho các nhà sản xuất phim truyền hình, dù tiền có ít hơn nhưng họ làm như thế nào mình không quản được, sản phẩm của mình bị khán giả ghét lây còn tệ hơn”.
Người hâm mộ điện ảnh Việt chắc còn nhớ trong các phim về James Bond, đồng hồ Omega luôn xuất hiện như một thương hiệu của điệp viên 007. Trong Casino Royale, ngay đầu phim, khi Vesper Lynd gặp James Bond trên chuyến tàu tốc hành, cô vặn cổ tay và hỏi: “Đồng hồ đẹp đấy. Rolex hả?” Bond mạnh mẽ trả lời: “Không. Omega!” Một chiêu quảng cáo ấn tượng. Một loạt phim đình đám khác cũng nổi tiếng với các hợp đồng quảng cáo là Sex and the city. Khán giả dễ dàng bắt gặp sự xuất hiện của chiếc xe Mercedes GLK do Kim Cattrall cầm lái hay thương hiệu máy tính HP xuất hiện trên bàn làm việc của Kim Cattrall một cách duyên dáng.
Theo Nguyễn Trâm Anh
SGTT
Bình luận (0)