Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Các DN xe buýt “kêu trời” vì không được trợ giá

Tạp Chí Giáo Dục

Trước thực trạng một số doanh nghiệp (DN) vận tải xe buýt “kêu trời” vì lỗ do không được trợ giá, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: “…tuyến hoạt động không hiệu quả, người đi ít, nhu cầu không cao, có thể đóng tuyến chứ không vì thấy lỗ mà trợ giá”.

Cả chuyến xe thu được… 15.000 đồng

Vào đầu tháng 6, Sở GTVT Hà Nội đã liên tiếp ký ban hành 10 quyết định phê duyệt tổ chức lại hoặc điều chỉnh các tuyến buýt không trợ giá. (Trên 10 tuyến buýt mới được tổ chức, điều chỉnh lại để phục vụ người dân sống tại khu vực Hà Tây cũ). Sau hơn một tháng đi vào hoạt động (bắt đầu từ 7.6), lượng khách đi lại trên các tuyến trên trong cảnh… đìu hiu.

Trong khi nhu cầu đi lại bằng xe buýt trong nội đô rất cao thì ngoại thành các tuyến buýt lại đìu hiu.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng – Phó Giám đốc CTCP ô tô khách Hà Tây cho biết: Công ty ông hiện đang đảm nhiệm vận hành 2 tuyến 75 (bến xe Yên Nghĩa – bến xe Hương Sơn) và 70 (bến xe Kim Mã – QL32 – Bến xe Sơn Tây). Qua hơn một tháng hoạt động, tính trung bình cũng chỉ có 5 – 6 khách/ lượt. “Cá biệt có chuyến số tiền thu được chỉ vỏn vẹn 15.000 đồng”. – Ông Hưng chia sẻ.

Ông Hưng cũng cho biết thêm, để chuẩn bị đưa xe buýt trợ giá phục vụ bà con trên tuyến, UBND TP và Sở GTVT Hà Nội đã tiến hành dồn tuyến lại, điều chỉnh tuyến cho phù hợp với quy hoạch. Xe của chúng tôi đang chạy từ trước, rút về cũng chẳng biết làm gì. Bị đặt trong thế buộc phải chạy, chúng tôi chỉ phấn đấu làm sao đủ tiền mua dầu đổ vào xe, không cần các chi phí khác mà cũng chưa được.

Cũng trong cảnh “vắng như chợ chiều”, Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội đang đảm nhiệm tuyến 79: Bến xe Sơn Tây – Đá Chông; tuyến 71: Bến xe Mỹ Đình – Đại Lộ Thăng Long – Bến xe Sơn Tây và tuyến 73: Bến xe Mỹ Đình – Chùa Thầy. Ông Phạm Huy Hoàng – Phó Giám đốc Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội cho biết, khoản lỗ mà DN phải chịu lên tới trên dưới 300 triệu đồng/tháng.

"Các đơn vị vận hành trên tuyến đều đang rất khó khăn và chờ đợi để chuyển đổi sang tuyến có trợ giá. Khó khăn trước mắt thì doanh nghiệp có thể chịu nhưng nhiều lắm cũng chỉ chịu thêm được 1 – 2 tháng chứ dài nữa thì không thể…". – ông Hoàng phân trần.

Vì người dân, có thể đóng tuyến

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành Giao thông đô thị Hà Nội cho biết mục đích của việc điều chỉnh lại các tuyến buýt trên là để phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng thành phố sau khi Hà Nội mở rộng, tổ chức lại hoạt động xe buýt trong khu vực nội đô.

“Trước đây, các DN này vẫn hoạt động theo hình thức cũ là buýt kế cận. Sau khi Hà Nội mở rộng, các tuyến buýt kế cận này mặc nhiên trở thành buýt nội đô nên phải điều chỉnh lại để thống nhất một đầu mối quản lý cũng như hòa mạng hoạt động chung của xe buýt TP”. – Ông Hải cho hay.

Liên quan đến vấn đề trợ giá đối với các tuyến buýt nói trên, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định: “Cơ quan quản lý Nhà nước sắp xếp, tổ chức lại các tuyến cho hợp lý với mạng lưới vận tải hành khách công cộng chung của TP. Sau một thời gian, thấy tuyến hoạt động không hiệu quả, người đi ít, nhu cầu không cao, có thể đóng tuyến chứ không vì thấy lỗ mà trợ giá…”

Cũng theo ông Linh, nếu DN thấy lỗ thì có thể giảm tần suất, DN có quyền đề nghị tần suất bao nhiêu là vừa, bao nhiêu thì có thể bớt lỗ. Khi khoản lỗ chấp nhận được mà nhu cầu của hành khách trên tuyến vẫn có thì mới cho trợ giá. Không thể vung tiền ngân sách nhà nước một cách tuỳ tiện.

Theo Đạt Lê

Lao Động

Bình luận (0)