Cuộc họp bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn đầu ra cho con cá tra cuối tuần qua, nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay, nếu người nuôi cá lời 1 đồng, thì chuỗi cung ứng đi kèm là các doanh nghiệp, đại lý thức ăn, thuốc thú y phải lời 10 đồng.
Thức ăn và thuốc chữa bệnh chiếm khoảng 80% giá thành nuôi cá. Người nuôi, do quy mô nhỏ, vốn ít nên đa số phải mua chịu, trả chậm tính lãi cao cho đại lý. Giá mỗi ký thức ăn cá tra đại lý bán cho người nuôi 10.500 – 11.000 đồng tuỳ độ đạm 26 hay 28%, cao hơn khoảng 5% so với giá mua từ doanh nghiệp. Ngoài chênh lệch giá, đại lý còn ăn thêm chiết khấu 8%, bán chịu tính lãi suất thêm 2%/tháng nữa. Chỉ với ba khoản này, nếu người nuôi có tiền mặt, mua thức ăn trực tiếp từ doanh nghiệp thì có thể tiết kiệm khoảng 1.000 – 1.100 đồng mỗi ký thức ăn. Trong khi 1 ký cá tra nguyên liệu cần 1,7 – 1,8kg thức ăn, điều này đồng nghĩa với việc giá thành bị đội lên gần 2.000 đồng.
Chưa hết, với cách tính tương tự thì mỗi ký thuốc thú y từ doanh nghiệp, qua đại lý, bán đến tay người dân cũng đội giá thêm khoảng 7 – 8%.
Ông Út Anh, người nuôi cá ở huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ tính toán giá thành nuôi cá hiện nay vào khoảng 22.000 – 23.000 đồng/kg, nếu có sẵn tiền mặt mua thức ăn, thuốc thú y trực tiếp của doanh nghiệp, giá thành chỉ ở mức 20.000 đồng là tối đa.
Hầu hết nguyên liệu nhập khẩu được ưu đãi thuế 0%, nên thức ăn chăn nuôi thuộc mặt hàng kiểm soát giá. Doanh nghiệp muốn tăng phải khai báo giá thành đầu vào hợp lý, nhưng đại lý thì không. Đây chính là lỗ hổng khiến giá mặt hàng này luôn tăng khá nóng thời gian qua, có khi doanh nghiệp chưa tăng, đại lý đã tăng. Một đại lý thức ăn bán 30.000 tấn thức ăn mỗi năm, thì tiền lời từ chiết khấu, chênh lệch giá, lãi suất… bỏ túi ít nhất 45 tỉ đồng. Tương đương mức lợi nhuận của một doanh nghiệp chế biến cá quy mô hơn 2.000 công nhân.
Đại lý thức ăn, thuốc thú y thường ít bị rủi ro khi giá cá biến động nhưng hưởng lợi lớn.
Hoàng Bảy / SGTT
Bình luận (0)