Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

1.000 tỉ đồng có mua được Vinacafé?

Tạp Chí Giáo Dục

Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) dự kiến bỏ ra hơn 1.065 tỉ đồng để mua 50,11% vốn điều lệ, tương đương 13,32 triệu cổ phiếu Vinacafé Biên Hoà (VCF), chủ thương hiệu càphê hoà tan Vinacafé.

Bắt đầu từ tuần sau (12/9), Masan Consumer sẽ tiến hành mua vào công khai VCF. Masan Consumer, tên trước đây là công ty cổ phần thực phẩm Masan (Masan Food), là công ty con của công ty cổ phần tập đoàn Masan (MSN), chuyên sản xuất mì ăn liền với nhãn hiệu Omachi, Tiến Vua, nước chấm Chinsu, Nam Ngư…

Công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất càphê hoà tan tại nhà máy Vinacafé Biên Hoà. Ảnh: Lê Quang Nhật

Ông Đinh Quang Hoàn, giám đốc tư vấn tài chính doanh nghiệp công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), đơn vị được Masan chỉ định mua vào cổ phiếu VCF, cho hay mức giá chào mua là 80.000đ/cp.

Với mức giá này, dự kiến Masan Consumer sẽ bỏ ra hơn 1.065 tỉ đồng, xấp xỉ 51 triệu USD để có thể trở thành cổ đông lớn nắm quyền chi phối VCF.
Theo ông Hoàn, Vinacafé Biên Hoà, nhà sản xuất càphê hoà tan đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam, có thế mạnh là nguồn nguyên liệu; trong khi Masan sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp là hai sự bổ trợ cho nhau nếu kết hợp lại.
Trong phiên giao dịch hôm qua (6/9), nhà đầu tư chứng khoán ngay lập tức phản ứng với vụ thâu tóm này, với giá VCF tăng trần đạt 100.000 đồng/cp, khối lượng khớp lệnh gấp năm lần ngày trước đó.
Từ hơn một tuần nay, giá VCF bỗng nhiên liên tục tăng hơn 25% từ mức 70.000 đồng/cp, có ngày khối lượng và giá trị tăng đột biến gấp nhiều lần giao dịch thường ngày.
Vinacafé Biên Hoà chiếm khoảng 40% thị phần càphê hoà tan trong nước và duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân từ 20 – 30%/năm liên tục những năm gần đây.
Ông Đoàn Đình Thiêm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Càphê Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Vinacafé Biên Hoà, đại diện 37,3% vốn điều lệ của Nhà nước tại công ty này cho biết, ông không bất ngờ vì thâu tóm là chuyện không lạ trên sàn, và đang chỉ đạo ban giám đốc có văn bản trả lời cho công ty chào mua và sở giao dịch.
Theo ông Phạm Quang Vũ, tổng giám đốc Vinacafé Biên Hoà, công ty không có ý định gọi thêm vốn cổ đông trong tương lai gần, vì đã điều chỉnh vốn điều lệ lên hơn 265 tỉ đồng để đầu tư vào dự án lớn nhất hiện nay là nhà máy càphê hoà tan số 3 có công suất 3.200 tấn/năm. Nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong quý 4 năm sau.
Lãnh đạo của Vinacafé, Masan và đơn vị được uỷ quyền mua cổ phiếu VCF đều không lạ gì nhau, bởi cả hai công ty trên đều có lãnh đạo nằm trong HĐQT của Vinacafé, và VCSC là công ty chứng khoán tư vấn niêm yết cho VCF. Liệu sự quen biết này có làm hoạt động mua vào của Masan Consumer suôn sẻ?
Nhìn số liệu tại 31/12/2010 thì HĐQT và ban tổng giám đốc nắm 52,55% (phần vốn nhà nước đến nay còn 37,3%), cổ đông ngoài công ty là 38,9% (trong đó tổ chức nắm hơn 17%), còn lại là các cổ đông khác. Như vậy, việc mua vào 50,11% có thể thông suốt, miễn là thoả thuận được giá, trừ phần vốn nhà nước.
Ông Đoàn Đình Thiêm đã khẳng định, Nhà nước sẽ không bán phần vốn này. Đồng thời, ông cũng không khuyến khích công nhân viên Vinacafé bán phần vốn mà họ đang giữ với khoảng 7,03% (tính đến cuối năm 2010).
Nguồn: SGTT

 

Bình luận (0)