Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Giảm số lượng có nâng chất lượng đại học?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bộ GD-ĐT đang từng bước "tác động mạnh" vào các trường ĐH bằng việc: giảm chỉ tiêu không chính quy, cấm các ĐH không đào tạo hệ TCCN….
 
Theo lý giải của các nhà hoạch định chính sách, việc cắt giảm chỉ tiêu để hướng đến mục đích: nâng chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, về phía các trường ĐH vẫn còn ưu tư cho đây là việc làm đột ngột, gây khó cho trường trong giai đoạn…lạm phát. Dù quy định đã ban hành nhưng vẫn tồn tại hai luồng ý kiến.
 
Tôn vinh thủ khoa tốt nghiệp các trường ĐH trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chỉ tiêu nhiều trường sẽ giả
Chỉ đạo của Bộ năm 2011 các trường ĐH chỉ được tuyển sinh hệ không chính quy (tại chức, liên thông…) bằng 60% chỉ tiêu được giao và giảm dần ở các năm tiếp theo. Năm 2012 dự kiến chỉ tiêu các trường ĐH tuyển hệ này giảm tiếp 10% nữa cộng với chủ trương "ĐH không đào tạo hệ TCCN" đã khiến không ít trường lo ngại "thu không đủ bù chi".
 
Trường ĐH Luật TP.HCM Mai Hồng Quỳ cho biết, ngoài việc cắt giảm chỉ tiêu hệ không chính quy nhà trường đang phải đối mặt với tăng lương cho giáo viên thời gian tới. Nhưng ngân sách đầu tư không tăng khiến trường chưa biết xoay sở thế nào".
 
Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Xuân Khoa hiệu trưởng Trường ĐH Vinh phân trần, việc giảm chỉ tiêu hệ không chính quy năm 2011 đã gây nhiều khó khăn cho trường. Với việc giảm 1.000 chỉ tiêu hệ này năm 2011 đã ảnh hưởng đến nguồn thu của ĐH Vinh dẫn đến thu nhập của cán bộ công chức cũng giảm.
 
Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải Nguyễn Thành Chương cho hay, nhà trường đang tính toán để có phương án tuyển sinh hợp lí nhất. Nhà trường ủng hộ việc giảm chỉ tiêu không chính quy, tuy nhiên việc giảm cũng ảnh hưởng phần nào đến nguồn thu của trường.
 
Năm 2012, Trường ĐH Giao thông cũng dự kiến tuyển mới hệ không chính quy chỉ bằng 50% tổng chỉ tiêu dự kiến tuyển mới là 5.000 cho cả hai cơ sở Hà Nội và TP.HCM. Phương án chính thức sẽ trình Bộ xem xét.
 
Một số trường ĐH trực thuộc Bộ Công thương cũng đồng tình với chủ trương giảm chỉ tiêu không chính quy để nâng chất lượng. Tuy nhiên, việc cắt hẳn hệ TCCN khiến các trường loay hoay vì đa số các trường thuộc Bộ Công thương đều tuyển sinh đào tạo các cấp trình độ khác nhau, trong đó có hệ TCCN.
 
Lãnh đạo một trường lý giải, việc cắt đột ngột khiến trường không biết xoay sở thể nào với đội ngũ giáo viên dạy hệ này. Bởi giáo viên dạy loại hình này họ mới tốt nghiệp CĐ, không đủ điều kiện dạy ĐH. Do đó, thay vì đưa quyết định đột ngột Bộ cần có lộ trình bồi dưỡng nâng trình độ giáo viên để họ chuyển sang dạy loại hình khác, đáp ứng yêu cầu.
 
Tiến sĩ Trần Trung – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cũng hộ chủ trương giảm chỉ tiêu không chính quy và đồng thuận với các ý kiến cho rằng: ĐH không đào tạo hệ TCCN.
 
Ông Trung đưa cam kết, năm 2012-2013 trường không tuyển hệ TCCN để tập trung nâng chất đào tạo hệ ĐH. Còn hệ không chính quy năm 2011-2012 trường cũng chỉ tuyển 100 chỉ tiêu và năm nay trường cũng sẽ làm đúng theo quy định của Bộ – chỉ tuyển 50% hệ này.
 
Tiến sĩ không dạy TCCN
Lãnh đạo các trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, ĐH mỏ địa chất….rất tán đồng với chủ trương của Bộ đưa ra: giảm chỉ tiêu không chính quy và cắt hệ TCCN trong trường ĐH.
 
Ông Võ Văn Sen, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết, ông tán thành việc giảm chỉ tiêu hệ không chính quy. Trường ĐH không phải là nơi giảng viên kiếm tiền. Và 4 năm qua trường đã giảm chỉ tiêu không chính quy để nâng chất lượng đào tạo. Và trường đã giảm khoảng 6.000 sinh viên.
 
Vẫn theo phân tích của ông Sen, khi Bộ có chính sách như vậy, các hiệu trưởng sẽ tự cân đối được để bảo đảm các nguồn thu khác cho giảng viên. Với cách làm của nhà trường thì thu nhập của giảng viên hiện là 8 triệu đồng/ tháng.
 
Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Nguyễn Quang Dong nhìn nhận, việc giảm chỉ tiêu ắt hẳn giảm nguồn thu – việc này là bình thường. Việc xác định chỉ tiêu các trường tự xác định căn cứ tiêu chí Bộ quy định. Căn cứ các tiêu chí Bộ ban hành thì sẽ có nhiều trường chỉ tiêu năm nay giảm hoặc chỉ bằng năn trước. Khi chỉ tiêu giảm thì doanh thu sẽ giảm.
 
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân xác định chỉ tiêu dựa trên năng lực của trường. Và ông Dong cũng khẳng định, việc cắt hệ TCCN trong ĐH là đúng để các trường ĐH tập trung nâng chất lượng đào tạo các chương trình chất lượng cao.
Đồng quan điểm, phó GĐ Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông Lê Hữu Lập cho rằng, bản chất của đào tạo trung cấp (TC) là phải thực hành nhiều. Trong khi đó, giảng viên đâu phải ai cũng giỏi dạy thực hành. Mà nếu một ĐH đào tạo nhiều trình độ ắt sẽ xảy ra tình trạng, phân ông Tiến sĩ đi dạy TC thì ông sẽ không dạy. Còn duy trì nhiều hệ thì phải có đội ngũ thầy dạy TC, đội ngũ dạy CĐ và ĐH…
"Như vậy mô hình sẽ rất phức tạp, quản lý sẽ mệt. Trong khi hệ thống có trường TCCN thì ĐH sao phải "ôm"? – ông Lập đặt vấn đề".
"Do đó, ở học viện nhiều năm nay không đào tạo TCCN và tiến tới sẽ giảm dần cả hệ CĐ, chỉ tập trung phát triển hệ ĐH" – ông Lập nói. Từ kinh nghiệm làm tuyển sinh nhiều năm nên ông thấy vấn đề đặt ra là hợp lí bởi, mùa tuyển sinh năm nào trường cũng loại những thí sinh có kết quả 17, 18 điêm không đỗ ĐH nhưng lại tuyển hệ CĐ chỉ với điểm chuẩn 13 hoặc thấp hơn. Sau đó các em lại học liên thông và ra trường nhận bằng ĐH thì cuối cùng vẫn là đào tạo ĐH nhưng chất lượng đầu vào lại không cùng xuất phát điểm.
 
Ông Lập cho rằng, chủ trương này không ảnh hưởng nhiều đến học viện. Còn với những trường ĐH mở nhiều hệ đào tạo liên thông chính quy thì với chủ trương này của Bộ sẽ ảnh hưởng đáng kể tới nguồn thu của trường.
Giảm số lượng để nâng chất lượng?
Trước đại điện lãnh đạo các trường ĐH, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận lí giải tại hội nghị ngân sách, ĐH phải tập trung vào đào tạo, nâng chất lượng hệ ĐH và sau ĐH không thể đạo tạo hệ thấp hơn. "Tôi đi thực tế mới thấy, nhiều trường điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo nhưng quy mô phình lớn", Bộ trưởng nói.
 
Chất vấn thì ý kiến của một số trường cho rằng, đã là ĐH thì đủ năng lực được đào tạo hệ thấp hơn. Nhưng tôi yêu cầu các đơn vị chức năng ở Bộ xem xét tính hợp lí thì gần năm nay không có câu trả lời. Do đó, các trường ĐH không đào tạo TCCN là đúng luật. Luật quy định trường ĐH chỉ đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ.
 
Tuy nhiên, có ý kiến lý luận căn cứ theo Luật thì cũng chỉ ghi trường CĐ đào tạo trình độ CĐ. Vậy cơ sở nào để nói trường CĐ được đào tạo TCCN. Vì quy định của Bộ chỉ cắt ở ĐH, còn CĐ vẫn đào tạo đã khiến quy định chưa được thuyết phục?
Thậm chí, hệ thống giáo dục ĐH hiện chưa được phân tầng nhưng tồn tại nhiều loại hình ĐH: trường công – trường tư; ĐH đa ngành – ĐH đơn ngành, ĐH thuộc các bộ, ngành, địa phương…Việc ban hành một quy định chung cho tất cả các trường e rằng mục tiêu nâng chất sẽ không thành công?
 
Mặt khác, hệ thống quản lí nhà nước hiện chưa được thống nhất khi hai Bộ (Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cùng quản. Trong khi đó, Luật Dạy nghề lại không cấm các ĐH đào tạo nghề. Liệu có ngăn được các trường ĐH đào tạo nghề khi cấm đào tạo TCCN? Và không loại trừ nguy cơ: các trường ĐH sẽ đi liên kết với trường TCCN.
 
Tiêu chí các trường xác định chỉ tiêu
Tỷ lệ SV chính quy/GV của các trường ĐH không được vượt quá 25, CĐ không vượt quá 30. Đối với các nhóm trường khác như sau: y – dược: hệ ĐH 15, hệ CĐ 20; nghệ thuật, thể dục thể thao: hệ ĐH 10, CĐ 15. Về diện tích sàn xây dựng, đối với các ĐH, học viện, viện nghiên cứu khoa học đào tạo trình độ tiến sĩ, CĐ, bình quân một SV không thấp hơn 2m2.
Với trường trung cấp chuyên nghiệp, bình quân một học sinh không thấp hơn 1,5m2. Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học, không quá 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của cơ sở đào tạo.Tỷ lệ SV chính quy/GV của các trường ĐH không được vượt quá 25, CĐ không vượt quá 30. Đối với các nhóm trường khác như sau: y – dược: hệ ĐH 15, hệ CĐ 20; nghệ thuật, thể dục thể thao: hệ ĐH 10, CĐ 15.
Về diện tích sàn xây dựng, đối với các ĐH, học viện, viện nghiên cứu khoa học đào tạo trình độ tiến sĩ, CĐ, bình quân một SV không thấp hơn 2m2. Với trường trung cấp chuyên nghiệp, bình quân một học sinh không thấp hơn 1,5m2. Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học, không quá 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của cơ sở đào tạo.

Theo Kiều Oanh – Hương Giang
(VietNamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)