Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xe máy hàng nhái – tiền nào của đó

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ vào chiếc xe máy được treo giá bán 7 triệu đồng, anh Thành – chủ một tiệm sửa xe – nói: “Mua đi rồi ôm hận, nó lìa hồi nào không hay”. Anh Thành nói vậy vì cặp gắp sau của chiếc xe được làm quá mỏng, mỏng đến độ khi anh dùng hai tay kéo là thấy nó vênh lên ngay.

Giá không thể thấp hơn

Treo bảng 5 triệu đồng chiếc nhưng khi hỏi mua, người bán sẽ nói là chưa thuế để cộng thêm cả triệu đồng.

Vài năm gần đây, những chiếc xe gắn máy hai bánh Trung Quốc, xe đời cũ… ngày càng rớt giá. Trong vai những người đi mua, người viết cùng anh Thành – thợ kiêm chủ một tiệm sửa xe – vào một cửa hàng trên đường Hoàng Văn Thụ (Phú Nhuận, TP.HCM). Chỉ vào một chiếc “Wave Tàu”, anh nhân viên đon đả: “Anh lấy chiếc này đi, thay lốc Nhật rồi, 5 triệu đồng chưa thuế”. Nhìn thì thấy, lốc xe màu đen có chữ Honda như hàng chính hãng nhưng lốc máy được phủ lớp sơn đen không đều.

Anh Thành hỏi người bán: “Nói thiệt đi ông, xe này là Tàu đời nào?” (xe Trung Quốc, sản xuất năm nào – PV). Người bán cũng không giấu gì khi trả lời đây là hàng Trung Quốc tồn, từ năm 2007. Tại một cửa hàng cách đó không xa, xe Max rẻ nhất là 7 triệu đồng và cao nhất là 13 triệu đồng. Tôi thắc mắc sao cùng là Max nhưng lại có nhiều giá thì được giải thích: “Max có nhiều loại Max, toàn hàng Việt Nam nhưng nhiều hãng khác nhau”. Thấy tôi chê chiếc xe yếu, máy nổ không êm, người bán phán gọn: “Tiền nào của đó em ơi!”

Xe Việt Nam cũng nhái

Trên thị trường, dòng xe kiểu dáng gần giống chiếc xe “vang danh một thời” Max II của hãng xe Nhật Bản Kawasaki được sử dụng khá nhiều. Hiện công ty Gia Toàn YMH (Bình Tân, TP.HCM) đang là sở hữu của thương hiệu này. Hàng chục hiệu xe khác, có kiểu dáng không khác gì dòng xe do YMH cũng được bán nhiều trên thị trường, từ 50cc – 100cc, giá từ 7 – 9 triệu đồng/chiếc.

Tại cửa hàng H. trên đường Hoàng Văn Thụ, chiếc xe được dán đề can là Kwasaki (thiếu chữ a so với hãng xe nổi tiếng Kawasaki) có giá 5,2 triệu đồng. Nếu muốn có giấy tờ, khách sẽ được lo luôn và giá tổng cộng là 7,5 triệu đồng.

Khi tôi hỏi nguồn gốc xuất xứ xe thì nhân viên nói: “Yên tâm, xe Việt Nam liên doanh Hàn Quốc lắp ráp. Có kiểm định, hải quan đàng hoàng”. Theo lời anh này, xe được sản xuất ở nhà máy công ty H.P, đóng tại một khu công nghiệp thuộc tỉnh Long An. Tôi nói rằng xe YMH có giá đến mười mấy triệu đồng thì anh ta cười khẩy: “Ông muốn cho giống Max Nhật tui cũng làm được chứ đừng nói giống Max Việt Nam. Thêm 500.000 đồng, tui kêu tụi thợ làm cho”. Chúng tôi từ chối khéo ra về. Anh nhân viên nói với theo rằng nếu có nơi nào xe tốt như tại đây và có giá thấp hơn, anh ta sẽ giảm hơn cửa hàng đó 500.000 đồng.

Bài: Nam Hưng

Theo SGTT

Với kinh nghiệm nhiều năm sửa xe, anh Thành cho rằng những loại xe kể trên nhìn ngon mắt vậy thôi chứ hay hư lặt vặt. Chúng hay bị hư IC, đứt dây điện, bóng đèn, nứt… Nếu thay đồ không rõ nguồn gốc thì ráp vào không khớp, nếu thay đồ tốt, đúng chuẩn thì tốn khá nhiều tiền. Đó là chưa kể đang đi xe chết máy, gãy gắp. “Là thợ sửa xe, chỉ cần nghe tiếng máy biết xe tốt xấu, có “bệnh” hay không nhưng tôi cũng không dám cầm lái những chiếc xe loại này”, anh Thành nói. Nếu ai muốn mua thì nên thay IC để tránh bị chết máy bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, dàn “áo” (các chi tiết bao bên ngoài xe) bằng nhựa kém chất lượng nên dễ bị nứt nếu xe thường xuyên ở ngoài nắng. Đặc biệt, khi mua xe loại này, người mua nên mời thợ đi theo, ngoài việc đánh giá động cơ (qua tiếng máy), người thợ còn giúp người mua tìm những lỗi về thiết kế có nguy cơ gây tai nạn như dàn phuộc, khung sườn, vành…

 

Bình luận (0)