Sau buổi sáng hôm qua, 10/7, đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH – CĐ năm 2011 đã kết thúc.
Số thí sinh vi phạm tăng vọt
Như đã dự báo, với nhiều môn thi tự luận (Toán, Văn, Lịch sử, Địa lý), số thí sinh (TS) vi phạm quy chế thi ở đợt thi thứ hai đã tăng đột biến với tổng cộng 203 trường hợp, trong đó có 36 TS bị khiển trách, bảy TS bị cảnh cáo và 160 bị đình chỉ thi vì mang và sử dụng điện thoại di động (56 TS), mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi (104 TS). Sau mỗi buổi thi các môn tự luận, phao thi xuất hiện khá nhiều dưới sân trường.
Về phía cán bộ coi thi cũng có bốn trường hợp vi phạm tại các hội đồng thi ĐHQG TP.HCM, ĐH Luật TP.HCM, ĐH Vinh và ĐH Thái Nguyên.
Tại Hội đồng thi Trường ĐH Y Dược TP.HCM, trong buổi thi thứ hai của ngày thi thứ nhất có một TS bị đau tim và một TS đau thận do nhiễm trùng đường tiểu, không thể tiếp tục dự thi, được đưa đi cấp cứu. Cả hai TS này đã nhanh chóng bình phục và tiếp tục dự thi môn thứ ba vào sáng 10/7.
Theo báo cáo nhanh sau đợt thi thứ hai của Bộ GD-ĐT, đề thi được bảo mật tuyệt đối, không sai sót về mã đề trong các đề thi trắc nghiệm như ở đợt 1, nội dung nằm trong chương trình THPT và chủ yếu ở lớp 12. Nhờ công tác tập huấn cán bộ coi thi được thực hiện nghiêm nên trong đợt thi thứ hai đã không xảy ra các lỗi từ phía giám thị như đợt thi thứ nhất.
Cũng theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, ở đợt thi này có 633.800 TS tham gia dự thi, đạt tỷ lệ 80,1% so với hồ sơ đăng ký dự thi, cao hơn đợt 1 là 3,5% và cao hơn 2,14% so năm ngoái. Trả lời câu hỏi của các phóng viên, ông Đỗ Quốc Anh – Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT phía Nam, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo tuyển sinh quốc gia năm 2011 – cho biết: Tỷ lệ TS dự thi cao không do tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp cao mà có thể do “tỷ lệ chọi” vào ĐH, CĐ ngày càng thấp nên TS cảm thấy tự tin đi thi hơn; do đề đợt 1 khó nên TS quyết tâm hơn trong đợt 2.
Đề thi ngày càng phù hợp
Về đề thi, các thầy cô giáo dạy THPT và luyện thi ĐH đều có nhận định chung: bên cạnh những câu hỏi truyền thống (ra theo lối cũ), đề thi đã có nhiều câu hỏi mở nhằm giúp TS có thể vận dụng kiến thức đã học để lập luận và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, đặc biệt là đề thi Văn và Lịch sử. Ông Nguyễn Đức Hùng – GV từng nhiều năm dạy Văn ở trường THPT và luyện thi ĐH, nhận xét: “Lâu nay đề thi môn Văn khối C bao giờ cũng khó hơn khối D, nhưng năm nay người ra đề đã dám phá vỡ truyền thống để làm ngược lại: đề Văn khối C (có ít TS dự thi) dễ hơn đề Văn khối D. Đề thi không đánh đố nhưng đòi hỏi TS phải có kiến thức, tư duy, bình tĩnh và bản lĩnh mới khai thác hết các ý của luận đề, loại bỏ được văn mẫu”. Hay nhất ở đề thi môn Văn ở cả hai khối C và D, theo ông Hùng, là câu nghị luận (câu 2): “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn. Hãy viết bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên” (đề khối C) và “Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích. Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên” (đề khối D). “Đề ra như trên là phù hợp với tâm lý học sinh, tâm lý xã hội và đầy trách nhiệm. Cách ra đề thi như thế làm TS không thấy khó, thậm chí cho là dễ, nhưng thực ra không dễ chút nào” – ông Hùng nói.
Với đề thi môn Lịch sử, nhiều chuyên gia nhận định là: không có chỗ cho kiểu học vẹt tồn tại bấy lâu mà phải biết tư duy, phân tích, nhận định. Tương tự, đề thi các môn Sinh, Toán, Địa lý… đều gây cảm giác “dễ chịu” đối với TS nhưng trong đề thi đều có những câu khó nhằm phân loại trình độ.
TS Vũ Thị Phương Anh – Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng ĐHQG TP.HCM – nhận xét về xu hướng ra đề thi tuyển sinh năm nay: "Có thể HS chưa được học để làm những đề thi kiểu như thế, nên có phần nào thiệt thòi, nhưng đây là một đề thi tuyển sinh nên sẽ không có vấn đề gì. Nếu kiên trì ra đề theo hướng này sẽ tác động làm cho cách dạy và học ở THPT ngày càng đi đúng hướng”.
Đợt 3, cũng là đợt thi tuyển cuối cùng của kỳ thi tuyển ĐH- CĐ năm nay, sẽ diễn ra từ ngày 14 – 16/7.
Theo Minh Nhật
(PNO)
Bình luận (0)