Từ cuối năm 2011, dịch vụ truyền hình trả trước ồ ạt khuyến mãi, thêm kênh, thêm gói, giảm phí, giảm giá đầu thu… Ngoài các chương trình khuyến mãi mang tính thời vụ, thì việc có thêm các nhà cung cấp mới cũng là yếu tố tác động đến thị trường này trên từng gói dịch vụ.
Từ ngày 1-1-2012, truyền hình An Viên của công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) bắt đầu cung cấp dịch vụ rộng rãi, nhưng ngay từ giữa tháng 11-2011, khi AVG công bố chính thức phát sóng thì cũng là thời điểm các nhà cung cấp truyền hình trả tiền đã đưa ra các chương trình khuyến mãi thu hút thuê bao mới, cùng các chương trình chăm sóc khách hàng cũ hấp dẫn hơn. Chưa tính giữa năm 2011, các nhà cung cấp đã có đợt giảm giá và thay đổi gói kênh linh hoạt hơn để cạnh tranh, mức giảm trung bình lúc đó đã từ 25 – 30%. Trước đây mỗi đầu thu sử dụng cho một tivi thì nay một hộ gia đình với hai, ba tivi cũng chỉ trả một gói cước cao hơn gói đang dùng chút ít chứ không phải đòi gấp đôi, gấp ba…
Các công ty cung cấp dịch vụ truyền hình số trả trước đang cạnh tranh dành thị phần, với nhiều gói dịch vụ và cả dịch vụ lắp đặt, hỗ trợ
Thêm kênh, giảm giá
Công ty truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV) ngay từ tháng 11-2011 tung ra chương trình ưu đãi xuân Nhâm Thìn cho người xem kênh K+ kéo dài đến hết tháng 1-2012. Mục tiêu lớn nhất của K+ là thu hút thuê bao mới, gói Access+ với 58 kênh, tính trọn bộ thiết bị và ba tháng thuê bao có mức 1,28 triệu đồng, tăng kênh nhưng giảm đi 400.000 đồng so với trước đó.
Access cũng mở thêm các lựa chọn để khách hàng kéo dài gói dịch vụ này lên 6 và 12 tháng hoặc nâng cấp lên gói Premium+ với thời hạn càng dài phí thuê bao càng giảm. Với mức cước này, gói Access+ ở thời điểm ra đời được xem là gói thuê bao cạnh tranh nhất trên thị trường truyền hình trả tiền.
Để giữ chân các khách hàng cũ, K+ cũng ưu đãi cho thuê bao mới Premium+ với 72 kênh SD và gói HD+ gồm 72 kênh SD và tám kênh HD trong 3 – 6 – 12 tháng sẽ được tặng tương ứng 1 – 2 và 3 tháng thuê bao. Nếu tính ngoài chương trình khuyến mãi này, ba gói dịch vụ Access+, Premium+ và HD+ có mức thuê bao tháng 50.000 – 190.000 và 270.000 đồng, trọn bộ thiết bị SD 1,5 triệu và bộ thiết bị HD có giá 3,55 triệu đồng.
Tuy nhiên trong cùng khoảng thời gian, SCTV cũng tung ra đầu thu HD thế hệ mới với nhiều tính năng, cho tín hiệu tốt hơn và cũng khuyến mãi đến hết mùa tết âm lịch với giá đầu thu HD 1,99 triệu và đầu SD 990.000 đồng, là mức đã giảm nhiều so với trước đây. SCTV tập trung quảng bá cho 15 kênh HD mới và cam kết cung cấp 30 kênh HD trong năm 2012. Ba gói analog, SD và HD của SCTV có phí thuê bao tháng 88.000, 139.000 và 167.000 đồng chưa tính phí hoà mạng 300.000 đồng. HTVC cũng tập trung vào thu hút thuê bao gói HD, khuyến mãi gói HD gồm đầu thu, thẻ xem truyền hình và phí thuê bao 12 tháng từ 4 triệu còn 2,9 triệu đồng. Người dùng kênh analog có cước phí tháng 65.000 đồng, nếu nâng cấp lên gói SD mua đầu thu và thẻ 1,3 triệu đồng sẽ được miễn phí thuê bao.
Cạnh tranh ở nội dung
Nhà cung cấp mới AVG với 55 kênh. Trong đó, gói “cơ bản” gồm 40 kênh phổ biến, trong khi gói “như ý” cộng thêm các kênh đặc sắc hơn về giải trí, phim, văn hoá, thể thao, thiếu nhi… Gói “cao cấp” có thêm năm kênh HD gồm An Viên.HD, HBO.HD, Star Movies.HD, ESPN.HD và AXN.HD. Nhà cung cấp này cũng quảng bá cho mười kênh riêng như là lợi thế cạnh tranh chỉ xuất hiện trên AVG là An Viên (văn hoá phương Đông), NCM (thể thao giải trí), Việt Teen (phim, ca nhạc), SAM (thiếu nhi) và năm kênh ca nhạc chuyên biệt về nhạc dân tộc, cổ điển, nhạc trẻ, nhạc cách mạng và trữ tình.
Để cạnh tranh, AVG cũng nhắm vào cước phí tháng linh hoạt hơn với 33.000, 66.000 và 88.000 đồng cho ba gói dịch vụ “cơ bản”, “như ý” và “cao cấp”. AVG còn cấp thiết bị thu tín hiệu (set-top-box) cho những khách hàng sử dụng gói kênh “như ý” và “cao cấp”, đây cũng là “chiêu” thu hút khách hàng sử dụng các gói dịch vụ cao cấp hơn với mức phí cao hơn. AVG cũng hợp đồng với VNPost làm tổng đại lý phát triển thuê bao và bán thiết bị thu tín hiệu với kỳ vọng thông qua mạng lưới 16.000 điểm phục vụ và trên 11.000 tuyến phát trên cả nước của VNPost sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển thuê bao và đưa dịch vụ tới cộng đồng nhanh hơn. Chiến lược này cũng cho thấy AVG sẽ chú trọng thâm nhập các khu vực thị trường còn rộng thay vì tập trung vào các thành phố chính hiện đã cạnh tranh rất mạnh.
Các nhà cung cấp dịch vụ hiện đang chia nhau miếng bánh thị trường với 22 triệu hộ gia đình, tuy nhiên cũng mới chỉ khoảng 2 triệu thuê bao truyền hình trả tiền. Hiện tại đa số có lượng kênh và nội dung na ná nhau và chưa tạo ra nhiều khác biệt. Một vài kênh độc quyền về phim, ca nhạc, thể thao, thiếu nhi, phụ nữ… nhưng chưa nhiều chọn lựa và vượt trội. Giá cả cao là một trở ngại lớn để người dân tiếp cận dịch vụ truyền hình trả tiền, dù việc cạnh tranh nhiều năm nay đã đẩy giá cước giảm dần và tạo ra nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên, đến nay các nhà đài vẫn kiểu phát “có gì xem nấy” trong khi người tiêu dùng đòi hỏi dịch vụ nội dung tốt hơn cho chi phí mình bỏ ra.
Xu hướng cạnh tranh nội dung cũng mới manh nha gần đây. Ông Cao Văn Liết, tổng giám đốc VSTV, cho biết để thu hút thuê bao, họ chú trọng việc bổ sung kênh trong nước theo vùng miền và ba kênh truyền hình của K+ như K+1, K+NS và K+PC để nội dung ngày càng phong phú hơn; các chương trình nhắm tới từng đối tượng xem truyền hình như dành cho phụ nữ là Cẩm nang nội trợ, Vẻ đẹp tiềm ẩn, Vào bếp cùng Louis, cho nam giới là Thế giới xe hơi, Golf quốc tế và mở rộng đến đối tượng thiếu nhi.
Bên cạnh việc cho ra đời các những kênh có chất lượng phù hợp, nâng cấp công nghệ (dù nhiều kênh HD hiện nay thực chất được nâng cấp từ SD), các nhà đài đang mở rộng hợp tác sản xuất chương trình truyền hình với các công ty vệ tinh; cạnh tranh trao đổi hay mua bán bản quyền phát sóng các chương trình nước ngoài để thu hút người xem trong nước. Tuy nhiên, nhìn lại sau giai đoạn dài phát triển, cho đến nay truyền hình trả tiền vẫn chưa phải là một kênh dịch vụ xứng tầm với chính tên gọi của nó.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Bình luận (0)