Thực tế thị trường chưa có kim cương nhân tạo, chỉ có đá tổng hợp.
Tại hội thảo “Phân biệt kim cương nhân tạo và đá cubic zirconia (CZ)” do Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TPHCM (SJA) tổ chức ngày 6-1, ông Phạm Văn Dưng, Chủ tịch SJA, bức xúc cho rằng thời gian gần đây thị trường trang sức rộ lên sản phẩm gọi là kim cương nhân tạo, nhưng thực chất đó chỉ là những viên đá tổng hợp CZ. Người tiêu dùng đã bị đánh lừa một cách trắng trợn.
Đá CZ “hô biến” thành kim cương nhân tạo
Theo ông Dưng, thực tế thị trường Việt Nam chưa có kim cương nhân tạo, bởi đơn giản, giá bán của kim cương nhân tạo rất đắt. Thạc sĩ Đoàn Thị Anh Vũ, giảng viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, cho biết kim cương nhân tạo phải có tính chất vật lý và hóa học hoàn toàn giống kim cương thiên nhiên.
“Kim cương nhân tạo” bán ở cửa hàng nữ trang vàng khu vực chợ Bến Thành. Ảnh: HỒNG THÚY
Trong khi đó, CZ là loại đá tổng hợp, rất dễ sản xuất đại trà với số lượng lớn và đồng bộ về chất lượng, độ cứng chỉ có 8,5 tỉ trọng đến 5,8 (kim cương nhân tạo có độ cứng 10, tỉ trọng 3,52). Ngoài đá CZ, thị trường còn có nhiều loại đá tổng hợp khác, trong đó có loại được phủ cacbon bằng công nghệ nano, nhưng thực tế cũng là đá CZ có giá trị thương mại thấp.
Ông Nguyễn Thành Nghiêm, Giám đốc Công ty TNHH Giám định SJC Chợ lớn, chia sẻ bản thân ông là người chuyên làm công tác kiểm định đá quý, luôn chờ đợi để được kiểm định một viên kim cương nhân tạo thực thụ nhưng thực tế không dễ thấy tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, trên thị trường có rất nhiều loại đá tổng hợp được người bán giới thiệu là kim cương nhân tạo, giá bán từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/viên, cao hơn giá trị thực đến hàng trăm lần.
Cụ thể, đá tổng hợp có giá chỉ vài chục đến 100.000 đồng/viên nhưng được người bán hét đến hơn 3 triệu đồng và kèm theo đó là chế độ bảo hành hậu hĩ… Theo ông Lê Hữu Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú nhuận (PNJ)- Chủ tịch Công ty Kiểm định PNJ, đánh vào tâm lý ham giá rẻ của người tiêu dùng, một số doanh nghiệp bán kim cương nhân tạo “dỏm” quảng cáo giảm 30%-70% để bán hàng. Người tiêu dùng dù mua đựơc hàng giảm giá kiểu này vẫn bị thiệt bởi một viên đá CZ phổ thông 6,5 li có giá thực tế chỉ 23.000 đồng, còn loại 4,5 li chỉ có 9.000 đồng. Tuy nhiên, khi đến tay người tiêu dùng thì giá này đã vọt lên đến vài chục lần.
Cần mạnh tay xử lý
Luật gia Phan Thị Việt Nga, đại diện Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, cho rằng các cơ quan chức năng đã chậm trễ khi để thị trường đá CZ “loạn” lên trong thời gian qua, nhiều người tiêu dùng đã mua nhằm kim cương nhân tạo “dỏm” và chịu thiệt. Hiện đã có đầy đủ luật cũng như các quy định về xử lý vi phạm về giá, pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng.
Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, cơ quan quản lý thị trường cần mạnh tay xử lý những trường hợp cố tình lập lờ thông tin để gây hiểu lầm nhằm móc túi người tiêu dùng. Sắp tới, hội sẽ tiếp nhận những thông tin khiếu nại của người tiêu dùng và có văn bản gửi cơ quan chức năng, UBND TPHCM để có các biện pháp mạnh tay xử lý những vấn đề này.
Đại diện Sở Công Thương TPHCM cũng cho biết do giấy chứng nhận về các loại đá quý vẫn chưa cụ thể nên việc lập lờ đã diễn ra. Sắp tới sở sẽ kiểm tra gắt gao các vấn đề về giá cũng như phối hợp các cơ quan ban, ngành để kiểm tra, mạnh tay xử lý những trường hợp cố tình gian lận, đánh lừa người tiêu dùng.
Cơ quan chức năng chưa quản lý được thị trường đá tổng hợp, để người tiêu dùng bị móc túi.
|
Sơn Nhung
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)