Giám thị tại Hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM hướng dẫn thí sinh điền thông tin vào giấy thi trước giờ làm bài. Ảnh: Mê Tâm |
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, sau khi kết thúc hai đợt thi tuyển sinh ĐH, số lượng thí sinh và giám thị bị vi phạm kỷ luật đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, sau kỳ thi cũng cần có một số vấn đề phải rút kinh nghiệm cho đợt thi CĐ tiếp theo.
Thí sinh vi phạm giảm 90 người
Sau hai đợt thi ĐH, số thí sinh đến dự thi ĐH hơn 1,2 triệu, đạt tỷ lệ 70,07% so với số hồ sơ đăng ký dự thi (tăng 0,45% so với năm 2008). Số lượng thí sinh và cán bộ vi phạm quy chế thi giảm cả về số lượng và mức độ vi phạm so với năm ngoái với 275 thí sinh và 16 cán bộ (năm 2008 có 365 thí sinh và 33 cán bộ). Có được kết quả này, Bộ GD-ĐT cho rằng do công tác chuẩn bị được triển khai sớm, tổ chức tập huấn kỹ cho cán bộ tham gia công tác tuyển sinh, nhất là cán bộ coi thi; phổ biến rộng rãi đến các thí sinh trong ngày làm thủ tục dự thi về quy chế, nội quy. Còn theo đánh giá của các trường, ý thức của thí sinh đã thay đổi. Ông Lê Phước Minh – Phó giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, cho rằng hiện xã hội đã dần đi vào đánh giá năng lực thực. Đồng thời thí sinh cũng có nhiều con đường khác nhau để học tập. Cơ hội học của thí sinh cũng rất nhiều. Các biện pháp răn đe cũng nghiêm hơn. Thí sinh đã có tính tự giác và tự trọng cao hơn. Mặc dù vậy, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận số thí sinh bị xử lý kỷ luật do vi phạm giảm so với năm 2008 nhưng hình thức đình chỉ thi vẫn chiếm đến 74%, chủ yếu do mang điện thoại di động vào phòng thi. Nguyên nhân một phần do thí sinh cố tình, một phần do hội đồng tuyển sinh các trường, cán bộ coi thi không nhắc nhở, kiểm tra kỹ thí sinh hoặc không tổ chức nơi để, trông giữ cho thí sinh gửi trước khi vào phòng thi.
Xem xét trách nhiệm in sao đề ở cụm thi Quy Nhơn
Về sai sót trong việc in sao đề thi tại cơ sở sao in đề thi của ĐH Quy Nhơn (in sai một câu của đề thi môn vật lý so với đề thi của Bộ trong đợt thi ĐH khối A đợt 1), Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, dù việc sai sót này do kỹ thuật hay do con người, nhưng cuối cùng chịu trách nhiệm vẫn là yếu tố con người. Theo thứ trưởng Phạm Vũ Luận, các cán bộ in sao đề thi phải rà soát kỹ khi in đề thi. Nếu ban sao in đề thi chấp hành nghiêm túc quy trình thì không xảy ra sai sót. Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo xác định rõ nguyên nhân, tìm ra sai sót. Việc tìm hiểu nguyên nhân sẽ có sự tham gia của cơ quan công an và kỹ thuật để Bộ có kết luận kiểm điểm trách nhiệm.
Tại TP.HCM, liên quan đến việc giám thị coi thi tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM giải thích sai đề thi môn toán, câu khảo sát hàm số có dấu trừ (-) phía trước, ông Nguyễn Văn Chiến (Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh, hiện Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã có giải trình gửi Bộ. Trên cơ sở giải trình này, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục sẽ đề xuất phương án giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi cho TS. Tuy nhiên, phía Bộ cũng cho rằng, hiện chưa thể kết luận được 4 giám thị đã giải thích đề thi cho bao nhiêu thí sinh tại hai phòng thi đó. Trong khi một số thí sinh thuộc hai phòng thi này có thể đang tiếp tục dự thi đợt 2 tại các trường khác nên việc xác nhận sự việc còn gặp khó khăn. Theo tường trình của trường, chỉ 1 trong 4 giám thị nhận là đã có giải thích đề cho thí sinh.
Đề thi mở – đáp án đóng
Năm nay, đề thi môn văn khối C và khối D được dư luận đánh giá cao do có 1 câu hỏi mở. Tuy nhiên, đáp án lại đóng, điều này khiến dư luận băn khoăn. Trước đó, với đề thi môn văn tốt nghiệp (cũng có một câu hỏi mở), nhiều địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã “khiếu kiện” lên Bộ vì tỷ lệ thí sinh đạt điểm trung bình thấp một cách đột biến. Về vấn đề này, Thứ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định sẽ không có chuyện đề mở sẽ thiệt cho thí sinh vì các hội đồng chấm thi trước khi chấm phải có thảo luận phương án căn cứ hướng dẫn chấm và đáp án của Bộ GD-ĐT.
Ngày 14, 15 và 16-7 tới sẽ diễn ra kỳ thi tuyển sinh CĐ theo phương thức 3 chung như ĐH. Đây là năm thứ 2, các trường CĐ tổ chức thi 3 chung.
Nghiêm Huê – Mê Tâm
Bình luận (0)