Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, nhất là các huyện phía Đông xuất hiện hàng loạt ngôi nhà cao tầng có kiến trúc kỳ lạ, không có cửa sổ xen lẫn trong các khu dân cư dùng đề nuôi yến.
Mặc dù, nghề này đã mang lại những hiệu quả nhất định cho người nuôi, nhưng việc phát triển “quá nóng” và thiếu quy hoạch của địa phương đã khiến ngành chức năng phải vào cuộc để kiểm soát trước yêu cầu phát triển bền vững của nghề được xem là “hái ra vàng” này.
Ồ ạt mọc lên nhà nuôi yến
Những ngày này, chạy dọc theo quốc lộ 50 đi về các huyện phía Đông của Tiền Giang, nhất là địa bàn thuộc thị xã Gò Công, huyện Gò Công Tây, mọi người dễ dàng nhận ra hàng loạt ngôi nhà cao tầng “không cửa” mới xây dành cho yến với âm thanh dẫn dụ yến phát ra inh ỏi.
Thu hoạch tổ yến tại Gò Công – Ảnh: Thành Công
Theo Phòng Kinh tế thị xã Gò Công, mấy năm trước, trên địa bàn thị xã chỉ có hơn chục hộ nuôi yến thì hiện nay số hộ nuôi yến đã tăng lên hơn 100 hộ, tập trung nhiều nhất là khu vực dọc theo bờ sông cầu Long Chánh (phường 1) và khu vực ao Trường Đua (phường 2). Thậm chí, ngôi nhà cổ trên 100 năm tuổi ở khu Dinh Tỉnh Trưởng cũ cũng được tận dụng để trở thành nơi “ăn nghỉ” của chim yến.
Ông Trần Thanh Hoàng, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Gò Công cho biết, cách đây 3 năm số hộ nuôi chim yến chỉ đếm trên đầu ngón tay, tập trung ở khu vực Dinh Tỉnh Trưởng (cũ) và chợ Gò Công. Vậy mà giờ đây phong trào xây nhà nuôi yến ở địa phương này đã phát triển ồ ạt khắp trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn thị xã đã có trên 100 nhà nuôi yến và nhiều ngôi nhà cao tầng nuôi yến còn đang xây dang dở.
Thời gần đây, phong trào nuôi yến không chỉ rộ lên ở thị xã Gò Công mà các huyện lân cận như Gò Công Tây, Gò Công Đông, việc xây nhà nuôi yến cũng phát triển nhanh chóng với gần 300 hộ. Đóng góp vào sự phát triển nghề nuôi yến ở địa phương này có sự tham gia của nhiều người từ TPHCM và các địa phương khác đến đây mua đất, xây nhà để nuôi chim yến khiến giá đất vùng này tăng vọt.
Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Gò Công Tây, nghề nuôi yến phát triển trên địa bàn này khoảng 10 năm nay và ông Mười Thiết (Trần Văn Thiết), xã Long Bình là người đầu tiên nuôi yến trong vùng xuất phát từ dịp tình cờ. Đến nay, toàn huyện có trên 50 cơ sở nuôi yến, trong đó xã Long Bình có đến khoảng 40 cơ sở nuôi. Bên cạnh đó, phong trào nuôi yến còn lan sang các xã thuộc huyện Tân Phú Đông.
Theo nhiều hộ nuôi yến, nếu dẫn dụ yến thành công thì hiệu quả kinh tế mang lại từ việc nuôi yến rất cao (nhiều hộ đã phát triển thêm nhiều ngôi nhà “cao tầng” nuôi yến từ ngôi nhà ban đầu) nhưng lượng yến thực tế đã thu hoạch cũng như hiệu quả cụ thể thì người nuôi vẫn “bí mật”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND thị xã Gò Công tâm tư, nghề này khó quản lý do người nuôi yến ngại thông tin và rất khó thâm nhập. Về hiệu quả kinh tế thì không đoán được, có người dẫn dụ chim yến vào nhà được nhưng cũng có người thất bại.
Tăng cường quản lý nuôi chim yến
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, hiện nay hoạt động dẫn dụ và gây nuôi chim yến trong nhà ở các huyện phía Đông, thành phố Mỹ Tho của tỉnh đã mang lại một số hiệu quả kinh tế nhất định cho người nuôi. Tuy nhiên, việc xây dựng các cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến chủ yếu là cơi nới hoặc xây chung với nhà ở, xen lẫn trong khu dân cư, nên tiếng ồn do phát loa dẫn dụ chim yến, phân yến ở xung quanh khu vực nuôi đã gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, đặc biệt là đối với các bệnh nguy hiểm lây lan từ các loài gia cầm (cúm A-H5N1) gây bức xúc trong dư luận và cộng đồng dân cư.
Trước thực trạng nuôi chim yến ồ ạt như hiện nay, trong khi chờ quy hoạch để tổ chức quản lý, chấn chỉnh, hướng dẫn thực hiện việc dẫn dụ và gây nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh phát triển một cách bền vững, an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường và đạt hiệu quả, ngày 10/4/2012, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về quản lý việc dẫn dụ và gây nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh giao cho các sở, ban ngành tỉnh, chính quyền địa phương tổ chức theo dõi, quản lý việc dẫn dụ và gây nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh, đồng thời xây dựng đề án, đề tài nghiên cứu khoa học để nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ về dẫn dụ, gây nuôi và khai thác, chế biến yến sào đạt hiệu quả, an toàn vệ sinh, phòng chống dịch bệnh…
Đặc biệt, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm soát không cho phát sinh các cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến mới ở nội thành, nội thị, nội ô, thị trấn, thị tứ, khu dân cư tập trung, công sở, bệnh viện, trường học, chợ, khu du lịch, khu nghĩ dưỡng trên địa bàn tỉnh.
Theo các hộ nuôi yến trên địa bàn TX Gò Công, yến làm tổ bằng chính nước bọt của chúng tiết ra rồi tự kéo thành sợi nhỏ, cuộn lại giống hình vỏ sò gọi là yến sào (tổ yến). Sau khi chế biến, nó sẽ trở thành một loại thực phẩm quý hiếm mà người xưa đã từng xếp vào hàng "bát trân".
Ông Mười Thiết phấn khởi cho biết, các công ty ở Khánh Hòa đã đánh giá chất lượng yến sào ở Gò Công rất tốt, không thua gì ở các nơi khác. Hiện nay giá 1 kg tổ yến Gò Công dao động khoảng 32 triệu đồng, nếu làm sạch sẽ thì giá của nó lên đến 42 triệu đồng nên nhiều người vẫn gọi tổ yến là "vàng trắng".
(TBKTSG Online)
Bình luận (0)