Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Liệu pháp mạnh cứu doanh nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 23.4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh và một số bộ ngành đã có buổi làm việc với UBND TPHCM để nghe báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố trong quý I/2012.

Giải quyết đầu ra cho hàng hoá là giải pháp cấp bách cứu doanh nghiệp.

Tại buổi làm việc này, UBND thành phố đã có một loạt các kiến nghị nhằm tháo gỡ một phần khó khăn cho DN trong tình hình hiện nay và được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chấp thuận.

Thấp nhất trong nhiều năm

Theo đánh giá của UBND TP.Hồ Chí Minh: “Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng chậm hơn nhiều do chịu ảnh hưởng của giá cả đầu vào tăng, tình hình thị trường bất động sản (BĐS) suy thoái và chủ trương thắt chặt nguồn vốn đầu tư từ ngân sách đã gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh, các sản phẩm nguyên – vật liệu ngành xây dựng đình đốn”.
Cũng theo số liệu của UBND thành phố, quý I có 4.988 DN được thành lập với tổng vốn đăng ký 23.406,6 tỉ đồng. So với cùng kỳ tăng 30,91% nhưng số vốn đăng ký giảm 7,03%. Có 5.012 DN đã gửi thông báo ngừng hoạt động đến Cục Thuế thành phố, nhưng chỉ có 462 DN gửi thông báo tạm ngừng hoạt động đến Sở Kế hoạch – Đầu tư, tăng gấp 4,6 lần so cùng kỳ, đây là mức tăng cao so với nhiều năm trở lại đây. Thị trường tiêu thụ trong nước bị thu hẹp, hàng tồn kho tăng cao, nhiều dây chuyền sản xuất phải tạm ngừng hoạt động (theo Cục Thống kê, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1.3.2012 ngành công nghiệp chế biến tăng 87,2%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ tăng 62,7%; sản xuất sắt, thép tăng 59,1%; sản xuất ximăng, vôi, vữa tăng 55%; sản xuất xe có động cơ tăng 38,7% so với cùng kỳ).

Tháo gỡ nhiều khó khăn

UBND TPHCM đã kiến nghị một loạt các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong đó tập trung nhiều vào việc giảm lãi suất, dãn thuế và sửa đổi việc thu tiền sử dụng đất theo Nghị định 69…
Hàng hóa tồn kho – nỗi lo lớn của doanh nghiệp. Ảnh: Ngọc Huân
Trước khi Phó Thủ tướng có kết luận, một số bộ ngành cũng đã có ý kiến. Ông Nguyễn Đồng Tiến – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – cho biết, lãi suất đang được cải thiện từng bước là tín hiệu tích cực. Dự kiến mỗi quý giảm 1%. Hiện nay, các ngân hàng thương mại lớn, lãi suất cho vay thấp nhất 13%, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu… khoảng 14%. Các ngân hàng cũng dành nhiều gói tín dụng nhiều nghìn tỉ đồng với lãi suất 13 -16%. Đại diện Ngân hàng Nhà nước thông tin thêm, cơ cấu tín dụng chuyển biến theo hướng tích cực. Các lĩnh vực không khuyến khích như chứng khoán, BĐS, nông thôn, xuất khẩu tăng khoảng 30%. Lãi suất sẽ giảm tiếp nhưng vẫn phải kiểm soát lạm phát. Đối với tiếp cận nguồn vốn, nguồn vốn huy động vốn trong ngắn hạn chưa sử dụng hết, các ngân hàng muốn cho vay, vấn đề là tìm được dự án có khả năng cho vay… Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoàng Anh Tuấn cho biết, đồng tình với giải pháp giảm thuế. Nếu giảm thuế thu nhập và thuế VAT từ 9-12 tháng thì khoản tiền giảm thuế khoảng 20.000 tỉ đồng.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết: Kết thúc quý I định hướng điều hành là đúng. Kinh tế vĩ mô bắt đầu ổn định hơn, nhập siêu thấp nhất – chỉ 1% – chưa bao giờ được như vậy. Dự trữ ngoại tệ tăng, lạm phát tháng 4 dự kiến dưới 0,1%. Sản xuất có khó khăn, tuy nhiên chưa đi đến nhận định suy thoái, đình đốn. Đối với thành phố, nằm trong tình hình chung, nhưng tốc độ tăng trưởng tương đối khá. Trong thời gian tới, cần phải xử lý các vấn đề phát sinh hài hòa giữa hai mục tiêu là kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng quá thấp thì nguy hiểm. Năm 2012 Chính phủ khẳng định sẽ không có gói kích cầu nhưng sẽ có giải pháp. Nếu có điều kiện lãi suất phải hạ nhanh hơn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh thông tin thêm việc gia hạn nộp thuế cho DN chính phủ đang cho triển khai. Riêng đối với vấn đề sửa đổi việc thu tiền sử dụng đất theo Nghị định 69 – vốn bị ách tắc 3 năm nay và gây bức xúc cho nhiều DN – Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ cho nghiên cứu để sửa ngay.
Theo báo cáo của UBND thành phố, quý I/2012, tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn thành phố đạt 99.384 tỉ đồng, tăng 7,4% (cùng kỳ năm trước tăng 10,3%). Đây là mức tăng thấp so với các năm qua (chỉ cao hơn mức tăng quý I/2009 là năm chịu tác động khủng hoảng tài chính thế giới là 4%). Một số lĩnh vực khác như khu vực dịch vụ, khu vực công nghiệp và xây dựng… đều có mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2011. Cụ thể, khu vực dịch vụ tăng 8% (cùng kỳ tăng 10%); khu vục công nghiệp và xây dựng tăng 6,6% (cùng kỳ tăng 10,9%)… Chỉ có khu vực nông nghiệp tăng 4,5% (cùng kỳ tăng 4,2%).

UBND TP.Hồ Chí Minh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo nhằm giảm lãi suất cho vay ở mức 14-15%/năm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho các DN ổn định và phát triển sản xuất. Về chính sách thuế, UBND thành phố kiến nghị gia hạn nộp thuế thu nhập DN năm 2012 cho DN vừa và nhỏ; giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2012 đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vừa và nhỏ (khoảng 768 tỉ đồng); giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như lương thực, thực phẩm, đường, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (khoảng 500 tỉ đồng).

Ngọc Huân (Lao Động)

Bình luận (0)