|
Vào mỗi buổi tối, tại trụ sở UBND phường 12, quận 6, TP.HCM lại nhộn nhịp bước chân của những học viên làm đủ mọi nghề, từ bác xe ôm đến chú thợ hồ, chị bán vé số, chị bán hủ tiếu… cùng những em nhỏ nô nức tới lớp học xóa mù chữ. Trong lớp học ấy không có ranh giới nào cho sự chênh lệch về tuổi tác. Hễ ai muốn biết viết, biết đọc là họ được UBND phường khuyến khích đến học.
Trước đây, lớp học nằm trong một con hẻm nhỏ ở đường Hậu Giang, phường 12, quận 6, do cô giáo Nguyễn Thị Chính làm chủ nhiệm. Nhưng do lớp này ngày một đông (khoảng 35 học viên) nên phải chuyển sang cơ sở mới. Và UBND phường 12 đã quyết định dành hẳn một phòng họp riêng cho lớp học này. Tại đây, các học viên chẳng những không phải đóng học phí mà còn được tặng sách, vở và gạo thường xuyên.
Từ những trẻ nghèo
Nước da đen sạm, mái tóc vàng khô vì cháy nắng, đã 13 tuổi rồi nhưng trông Tuy còi như một cậu nhóc vừa bước vào lớp 1. Cả buổi học, Tuy còi (tạm trú tại phường 12, quận 6) ê a tập đánh vần từng con chữ, chốc chốc lại quay sang hỏi cô giáo đôi ba điều. Tuy còi hào hứng: “Em rất thích đọc, thích viết nhưng học xong lớp 1 xóa mù chữ rồi vẫn chưa thể đọc được, vì thế em lại tiếp tục đến đây để học với các cô chú”. Nhà Tuy còi rất nghèo, bố mất sớm, mẹ đi làm xa, anh trai của em phải nghỉ học giữa chừng, đi làm thợ hồ kiếm thêm thu nhập. Nhưng số tiền ít ỏi đó chỉ đủ cho hai anh em sống cho qua ngày đoạn tháng chứ việc học hành của em không có ai quan tâm lo lắng.
Ngồi cạnh Tuy còi trong lớp là Võ Anh Kiệt. Mới 11 tuổi đầu nhưng em đã tỏ ra là một cậu nhóc từng trải, hiếu động, cười nói luôn, chốc chốc lại làm gián đoạn buổi học của các cô các chú. Kiệt kể: “Bố em làm thợ hồ, mẹ ở nhà nội trợ, chị làm thợ máy, chỉ có mỗi mình em đi học. Nhưng học chưa hết cấp 1 em đã nghỉ rồi. Bố mẹ không quan tâm đến việc học hành của em nên chẳng ai nói gì. Nghỉ học, ở nhà đi chơi suốt ngày với mấy đứa bạn lang thang lại chán nên em tham gia lớp học này”.
Cùng học với Tuy còi với Kiệt còn rất nhiều bạn trẻ khác tuổi chừng 15, 16 cũng có chung hoàn cảnh với các em như Yến Bình, Dương Minh… Các em đều là con của những chú những bác làm thợ hồ, khuân vác, đạp xe thồ, bán vé số… Hoàn cảnh nghèo khó đã không đưa được bước chân các em tới trường nhưng trong mỗi em vẫn luôn khao khát được học chữ, vì thế các em đến với lớp học xóa mù chữ rất đều đặn, mỗi tuần ba buổi mà hiếm có em nào nghỉ học.
Đến các chú thợ hồ, cô bán vé số
Bàn tay gân guốc, chai sạn vì chuỗi ngày lao động vất vả, chú Lý Còn được xem là học viên lớn tuổi nhất của lớp học. Cuộc đời gian khó vây quanh khiến chú không còn nhớ chính xác mình bao nhiêu tuổi, mà chỉ ước chừng mình đã ngoài 45. Ở cái tuổi này nhưng ước mơ được học chữ, đọc báo đã thôi thúc chú đến với lớp học. Chú kể: “Tuy đã học xong 1 năm lớp xóa mù chữ nhưng tôi chỉ mới viết được từng chữ cái và đánh vần chứ chưa đọc sách hay báo được nên cần phải cố gắng hơn”.
Hàng ngày, chị Võ Thị Duyên (35 tuổi) đi khắp các hang cùng ngõ hẻm của quận 6 để bán vé số, tối đến chị lại cùng những đứa trẻ bước vào lớp học. Chị vui vẻ nói: “Đến lớp, mình có thêm nhiều bạn mới, nhiều niềm vui mới nên mặc dù ngày đi làm vất vả nhưng mình vẫn không có ý định nghỉ học”.
Những người luôn kề vai sát cánh cùng các học viên tại lớp học đặc biệt này là hai cô giáo Đặng Thị Hạnh và Phan Thị Lâm. Cô Hạnh là Hiệu trưởng của Trường Tiểu học Phú Lâm, còn cô Lâm là giáo viên dạy tại Trường Tiểu học Lam Sơn. Vừa mới nghỉ hưu, hai cô đã tình nguyện về đây dạy học. Cô Hạnh chia sẻ: “Ở lớp học này, các em nhỏ đa phần mất cơ bản nên dạy trước quên sau, còn các anh chị lớn thì đến lớp không thường xuyên, nhiều lúc họ nghỉ học vì phải làm thêm ngoài giờ. Không ít hôm có anh đến lớp chân tay còn lấm lem dầu mỡ nhưng vẫn chăm chú đánh vần từng con chữ. Nhìn cảnh tượng đó, chúng tôi cảm động lắm nên luôn cố gắng hết sức để truyền đạt kiến thức cho các bạn”.
Bài, ảnh: Dương Bình
35 tuổi nhưng chị Lòn Xíu Cón không biết đọc biết viết, cầm tờ báo trên tay mà không hề biết ngược xuôi những con chữ thế nào. Chị vẫn chưa đi làm giấy khai sinh cho hai con nhỏ vì không biết chữ. Giữa cái thành phố đầy ồn ào tấp nập này vẫn rất nhiều người như chị, khát khao được biết con chữ nhưng đến giờ chỉ mới có thể ê a tập đánh vần. |
Bình luận (0)