Ông Dế Mèn phiêu lưu khắp chốn ngày nào giờ chỉ nhắc từng bước một trong căn nhà chật hẹp ở Nghĩa Tân, Hà Nội. Tóc đã bạc trắng, da đã đồi mồi và nụ cười đã móm mém, nhưng lối nói hóm hỉnh và ánh nhìn tinh quái ở Tô Hoài, bất luận tuổi tác, vẫn không lẫn vào đâu được.
Đón phóng viên từ cửa vào căn hộ ở 108 C3 Tập thể Nghĩa Tân, nhà văn Tô Hoài đã ở nụ cười hiền lành với hàm răng trên chỉ còn một nửa. Ông đi chậm, không đến nỗi lập cập nhưng cũng hơi nhúc nhắc. Phần vì bệnh tật tuổi già, phần vì hai cánh cửa ngăn hai căn phòng nhỏ, chật cứng đồ cản lối ông đi. Không gian sống của Tô Hoài khá hẹp và giản dị. Phòng ngoài là một giá sách lớn, bộ bàn ghế và chiếc bàn viết nho nhỏ. Phòng trong đặt một chiếc giường đơn, cái tủ đồ, tivi, điện thoại… là nơi nhà văn nghỉ ngơi.
Nhà văn Tô Hoài ở tuổi 90. Ảnh: L.H. |
Vừa yên vị trở lại trên chiếc xe lăn, Tô Hoài đã hồ hởi nói chuyện, rất tự nhiên và cởi mở. Giọng ông nhỏ, vừa đủ nghe nhưng rất rành rọt. Ông bắt đầu câu chuyện bằng bài viết của nhà phê bình Vương Trí Nhàn: "Tô Hoài – nhìn từ một khoảng cách gần", từng gây xôn xao giới văn nghệ vì đã dựng lên một chân dung Tô Hoài "khá nhiều tính xấu". Những tưởng ông sẽ tức giận, sẽ thanh minh. Nhưng Tô Hoài đủng đỉnh, cười hì hì, nói: "Người ta tưởng tôi với anh Nhàn có mâu thuẫn gì. Nhưng mà anh ấy đưa cho tôi đọc trước. Tôi đồng ý, chả có ý kiến gì. Anh ấy muốn viết sao thì viết. Bài anh ấy đưa ra, lắm người nhân đó chửi tôi. Nhưng cũng không ít người bênh tôi quyết liệt. Tôi cũng kệ". Rồi ông bình thêm: "Anh Vương Trí Nhàn giỏi viết về những cái cằn nhằn, tức những chuyện ngoài văn chương. Mà những cái đó, giới văn sĩ mình người ta không thích".
Cái khéo và cái ranh mãnh của Tô Hoài là ở đó. Ông nói vậy, trả lời vậy mà như không nói, không bình luận gì cả. Ông chẳng xác nhận rõ, Vương Trí Nhàn viết vậy là đúng hay sai, là thật, hay giả về ông. Lối viết chân dung, hồi ký, tiểu thuyết nửa thật, nửa nghe kể như thế thì Tô Hoài rành quá. Ông nói: "Tôi hay viết về những nhân vật lịch sử, những con người mà mình kính trọng như Vừ A Dính, Hoàng Văn Thụ… Viết bừa bãi một cách phóng khoáng". Khi được hỏi lại, vậy với những cuốn hồi ký như Cát bụi chân ai hay Chiều chiều, về những con người có thật, ông có viết theo kiểu "bừa bãi một cách phóng khoáng" không, nhà văn khéo léo trả lời: "Cát bụi chân ai hay Chiều chiều là tôi viết về tôi. Có phóng khoáng hay không là do người đọc".
Trong văn chương, sự khéo léo của Tô Hoài giúp ông tạo nên được những trang văn giàu giá trị hiện thực. Ông kể: "Khi đi thực tế để viết cuốn Mười năm, tôi biết một chị phụ nữ hết sức tài ba, hết sức giỏi, hết sức đẹp nhưng hết sức lẳng lơ. Cuốn sách khiến anh Tỉnh ủy Hà Đông lúc đó lên tận Hội Nhà văn đòi kiểm điểm tôi vì "địa bàn chúng tôi không có người như thế". Nhưng tôi có viết tên tuổi thật của chị ta đâu mà kiện. Cũng như trong Cát bụi chân ai, tôi kể Xuân Diệu đồng tính. Không phải chỉ mỗi tôi mới biết, mới viết chuyện đó. Nhưng tôi viết xong, có một anh đến tận nơi để gặp và hoan nghênh tôi. Anh ấy là chủ tịch một hội đồng tính". Quả thực, từ rất sớm, bằng những câu chữ ma mị của Tô Hoài, người đọc dường như hình dung rõ nhất về một Xuân Diệu tình trai đáng thương, đáng cảm thông hơn ai hết.
Khi nhận được đề nghị phỏng vấn nhà văn, chị Sông Thao – con gái ông – tỏ ra khá e ngại, vì: "Bố tôi tuổi đã cao, nay đã bắt đầu lẫn". Nhưng suốt cuộc nói chuyện, lão Dế Mèn gây ngạc nhiên bởi trí nhớ rành rọt, tỉ mỉ và cách pha trò rất hài hước. Nhắc đến Dế Mèn, ông hào hứng hẳn ra, ánh mắt tinh nhanh, gương mặt dường như trẻ lại. "Dế mèn tôi viết năm 17-18 tuổi, trẻ lắm. Ban đầu nó chỉ là Chuyện con dế mèn, ngắn lắm. Nhưng sau NXB thấy đọc được, bán được nên tôi kéo ra thành Dế Mèn phiêu lưu ký. Cuốn đó tôi được nhuận bút 20 đồng. Mà hồi đó 3 đồng một tạ gạo. Chừng ấy tiền đủ cho tôi rong chơi khắp nơi, làm vốn cho những cuốn khác".
Tô Hoài tại lễ nhận giải cuộc vận động Noi gương Hồ Chí Minh với tập bút ký Lăng Bác Hồ, diễn ra tối 14/5 tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Rong chơi, lang thang, đi và quan sát đối với Tô Hoài là chuyện cốt tử để những trang viết tồn tại. Ông đi nhiều, trải nghiệm nhiều mới có được những tác phẩm ngồn ngộn sự sống. "Tôi từng có 3 năm làm cải cách ruộng đất ở Thái Bình, Thanh Hóa, 7 năm làm tổ trưởng dân phố ở Hà Nội… Tiểu thuyết tôi viết, toàn là từ chuyện thật cả đấy chứ".
Và Dế Mèn phiêu lưu ký là một minh chứng cho giá trị của những trải nghiệm đối với sáng tạo nghệ thuật. Tác phẩm đã được dịch và xuất bản tại 27 quốc gia trên thế giới. Tô Hoài nói: "Tôi viết được Dế Mèn là vì tôi có hai thực tế rất giàu có. Thứ nhất, tôi giỏi chơi dế lắm. Gì chứ dế mèn, xiến tóc thì đầy sông Tô Lịch. Thứ hai, tôi tham gia kháng chiến sớm. Những chuyện về lý tưởng tuổi trẻ, thế giới đại đồng là tôi thuộc làu làu. Nên khi đưa vào truyện, nó trở nên nhuần nhuyễn, không bị khiên cưỡng".
Nói rồi, ông lại nhúc nhắc bước ra phòng khách lần tìm bằng được một chú dế bằng gỗ, khoe: "Thái Lan nó còn chế ra cả những con dế mèn bằng gỗ. Vặn cót lên, nó nhảy tanh tách và kêu rả rích nữa. Thú lắm". Ông miệng nói, tay run run vặn dây cót để con dế gỗ phát ra tiếng kêu rồi cười lớn một cách hạnh phúc.
Nhà văn xoa đầu, khoe mái tóc vừa cắt. Ảnh: L.H. |
Trò chuyện với Tô Hoài, dường như mọi chuyện đều có thể biến thành trò bông lơn. Nhưng khi được hỏi bí quyết để thành công với những trang viết dành cho thiếu nhi, nhà văn bỗng trở nên tư lự, nghiêm ngắn hẳn. Cây bút từng mê hoặc hàng thế hệ trẻ thơ dường như lại không thể nói rõ nghệ thuật cuốn hút các độc giả nhí. Ông buông ra một nhận xét khó ai cãi được: "Viết cho thiếu nhi khó lắm".
Sau một lúc suy nghĩ rất lâu, Tô Hoài nói thêm: "Tôi không biết vì sao. Nhưng tôi thích truyện thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh. Mới đây có cái Đảo mộng mơ – trẻ thơ và trong sáng. Tôi cũng mê truyện Nguyễn Ngọc Tư, viết về sông nước Cà Mau rất hay. Nguyễn Ngọc Tư nếu viết về thiếu nhi chắc cũng rất giỏi. Với nhà văn, ngôn ngữ quan trọng lắm. Muốn viết giỏi, viết hay, ngôn từ phải giàu, phải thật am hiểu về chuyện mình đang viết".
Ở tuổi 90, mới đây, Tô Hoài vừa đoạt giải cuộc vận động theo gương Hồ Chí Minh với tập bút ký Lăng Bác Hồ. Ông vẫn tiếp tục viết. "Tôi viết đều lắm, sáng nào cũng viết. Giờ chỉ viết cho thiếu nhi thôi".
Trong từng nụ cười, ánh nhìn, Tô Hoài dường như đang sống trong thời trẻ con thứ hai của đời người. Khi phóng viên đề nghị được chụp ảnh, ông tươi tắn gật đầu, tay sửa lại cổ áo rồi dè dặt: "Nhưng mà đang quần áo lôi thôi thế này". Rồi lại như nghĩ ra điều gì, ông ngượng ngùng đưa tay lên vuốt đầu, nói khẽ: "Mới cắt tóc hôm qua đấy. Con gái nó vừa đẩy ra hàng". Ông lại cười hì hì, rung rung mấy sợi tóc bạc trắng, lưa thưa trên đỉnh đầu.
Lưu Hà (Theo VNE)
Bình luận (0)