Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim “lai”: lợi trước mắt, hại lâu dài

Tạp Chí Giáo Dục

Việc Việt hóa phim truyền hình nước ngoài khó mang lại những bộ phim hoàn chỉnh và thuần Việt. Những tác phẩm “lai” này sẽ phá hoại dần thẩm mỹ của người xem, thui chột niềm tin của khán giả lẫn những nhà biên kịch.

Hai bộ phim Việt hóa từ phim truyền hình Hàn Quốc và Argentina đang được phát sóng: Dù gió có thổiCô nàng bất đắc dĩ – Ảnh: H.Lê

Sự đáp ứng một cách tức thời về số lượng kịch bản trong điều kiện nhà nhà chạy theo thời lượng phát sóng trên màn ảnh nhỏ đã khiến kịch bản Việt hóa được lựa chọn như là một giải pháp an toàn. Công việc Việt hóa sẽ giúp tiết kiệm thời gian đáng kể.

Hiện nay không ít hãng sản xuất yêu cầu các biên kịch chuyên và không chuyên Việt hóa kịch bản theo tốc độ mỗi ngày một tập.

Lợi thì có lợi

Yếu tố tích cực nhất của kịch bản Việt hóa chính là đường dây câu chuyện sẵn có với những mối liên hệ ràng buộc phức tạp và hấp dẫn. Thế nhưng, có một cái bẫy chết người xuất hiện ở đây. Bởi vì những chi tiết tạo nên câu chuyện đó đều là những chi tiết của xứ người. Muốn vận dụng tốt đường dây câu chuyện, biên kịch buộc phải thay đổi hoàn toàn những chi tiết Việt vào một câu chuyện ngoại. Và đến đây thì không phải biên kịch nào cũng đủ bản lĩnh lẫn sự bình tĩnh để làm cho đến đầu đến đũa mà không bị sống sượng.

Ông Đặng Ngọc Minh – phó Ban khai thác phim truyện, Đài truyền hình TP.HCM – nhấn mạnh: “Chủ trương của Ban khai thác phim truyện Đài truyền hình TP.HCM là chú trọng sử dụng và khuyến khích kịch bản thuần Việt, do người Việt sáng tác. Tỉ lệ phim Việt trên sóng được quy định nhằm mục đích phát triển phim Việt, khuyến khích người Việt xem phim Việt. Nếu như tỉ lệ phim Việt hóa lên sóng quá nhiều thì không phù hợp với chính sách khuyến khích người Việt dùng hàng Việt”.

Thế mạnh thứ hai của kịch bản Việt hóa chính là sự bảo chứng về mặt công chúng thông qua tỉ suất người xem ở các nước xuất xứ phim. Ví dụ như Ngôi nhà hạnh phúc từng làm mưa làm gió ở Hàn Quốc hay Cô gái xấu xí là một bộ phim cực “hot” của Columbia, và phiên bản Mỹ Ugly Betty gây sốt với rất nhiều khán giả truyền hình Mỹ cũng như nhận nhiều giải thưởng nhà nghề.

Sức hút của công chúng quả là một sự hấp dẫn khó cưỡng lại với các nhà sản xuất phim Việt. Chẳng cần tốn tiền quảng cáo làm gì, chỉ với thông tin “làm lại phim X nổi tiếng của nước Y đã phát sóng trên màn ảnh VN” cũng đủ làm khán giả quan tâm. Nhưng…

Đừng giết chết kịch bản Việt

Không phủ nhận sức mạnh và cái lợi hiển hiện của việc sử dụng kịch bản Việt hóa, nhưng đạo diễn Lê Bảo Trung khẳng định: “Tôi cho rằng cái lợi trước mắt sẽ là cái hại rất lâu dài về sau. Chẳng lẽ cả làng biên kịch VN chuyển thành những người gia công chi tiết cho kịch bản nước ngoài, không còn sáng tạo được gì nữa. Một nền điện ảnh của một quốc gia sẽ ra sao nếu như yếu tố sáng tạo bị thui chột. Ở góc độ đạo diễn, tôi không thấy có gì là tự hào khi làm lại phim nước ngoài với những kịch bản được Việt hóa không tới nơi tới chốn. Tôi chỉ làm lại khi bảo đảm có cái gì đó thật sự khác biệt hoặc mình làm hay hơn người khác. Nhưng cả hai điều tôi vừa nói là cực khó và gần như không thể làm được với điều kiện hiện tại của VN”.

Lý do được không ít nhà sản xuất biện minh cho việc sử dụng kịch bản Việt hóa là vì biên kịch VN không có khả năng thực hiện những kịch bản dài hàng trăm tập.

Liệu đó có phải là lý do thực thụ không? Đạo diễn Tường Phương khẳng định: “Biên kịch VN hoàn toàn có khả năng thực hiện những kịch bản dài tập. Tôi nghĩ nếu đạo diễn và nhà sản xuất mạnh dạn đầu tư và dành thời gian thích đáng cho khâu chuẩn bị trong công tác biên kịch, thì hoàn toàn có thể có những kịch bản thuần Việt dài và hay”.

Đồng quan điểm với đạo diễn Tường Phương, đạo diễn Lê Bảo Trung phân tích: “Có thể có những kịch bản do các tác giả VN viết chưa thật tốt. Nhưng cái gì cũng cần thời gian. Làm nhiều, viết nhiều thì chất lượng sẽ tốt dần lên. Nếu vì hiện tại chưa có nhiều tác phẩm tốt mà sử dụng vô tội vạ kịch bản Việt hóa thì chẳng khác gì giết chết kịch bản Việt”.

Ở góc độ người trực tiếp biên tập kịch bản đầu vào của các phim phát sóng trên Đài truyền hình TP.HCM, bà Minh Hà, biên tập viên Ban khai thác phim truyện, cho biết: “Mỗi năm số lượng kịch bản Việt mà ban khai thác nhận được rất nhiều. Có cái tốt, có cái chưa tốt. Chủ trương chung của chúng tôi là cố gắng nâng niu những sáng tác của người Việt để có một bộ phim Việt tốt. Nếu chưa tốt mà có triển vọng, có ý tứ hay thì chúng tôi nỗ lực cùng tác giả để có một kịch bản tốt lên sóng”.

Không phải tất cả phim Việt hóa đều không có chất lượng. Nhưng nhìn mặt bằng chung, có thể thấy không có nhiều phim “lai” tốt. Về lâu dài, kịch bản Việt hóa không phải là sự lựa chọn tích cực và mang tính chiến lược cho sự phát triển nền điện ảnh truyền hình của một quốc gia. Câu trả lời để ngỏ cho giới sản xuất và những người làm nghề.

LAM LINH (Theo TTO)

Bình luận (0)