Chị Hằng đang tỉ mẩn gọt trái dừa cho thật đẹp |
Sở dĩ nó có tên là “xóm dừa tươi” vì ở đây người ta chuyên “làm vệ sinh” rồi bỏ mối dừa tươi cho nhiều quán nước và chợ trái cây của thành phố. Vựa dừa này có hơn 30 hộ hành nghề gần 20 năm nay. Họ từ nhiều vùng quê khác nhau tụ về để kiếm kế sinh nhai…
“Bụp… bụp… bụp”, vài nhát dao ngọt xớt làm cho lớp vỏ dừa nhanh chóng rơi xuống đất. Chặt xong phần vỏ, người đàn ông đưa dao đi một vòng quanh trái dừa để tạo dáng cho nó. Trong vòng hai phút, một trái dừa vỏ trắng tinh, nhẵn mịn đã được cho vào thùng nước.
Sống được nhờ dừa
“Xóm dừa tươi” nằm ven sông Vàm Thuật (P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM), xung quanh chất đầy vỏ dừa, đi rất êm chân. Tiếng chặt vỏ dừa đều đều từ các mái lều hòa vào tiếng phà đưa rồi đón khách sang sông tạo nên một chuỗi âm thanh rất đặc biệt.
Ghé thăm túp lều lụp xụp đầu tiên của xóm, chúng tôi gặp ông Thanh Đức (61 tuổi, quê ở Bến Tre). Khi được hỏi tại sao chọn mảnh đất này làm chốn dừng chân để lập nghiệp, ông Đức xìu giọng: “Nhà nghèo quá, tôi phải bỏ quê lên thành phố kiếm miếng cơm. Dắt díu lên đây chẳng biết có trụ nổi không nên để bả với sắp nhỏ ở nhà chăm lo vườn tược. Loay hoay đủ thứ nghề không thành, tôi quay sang gọt dừa. Làm nghề này vậy mà hay, vừa có thu nhập ổn định, vừa đỡ nhớ quê”. Nhìn quanh túp lều của ông Đức, chúng tôi không tìm thấy một vật gì đáng giá. Túp lều dột trên trống dưới ấy được thuê với cái giá không rẻ chút nào: 1,2 triệu đồng/ tháng. Sống một mình, cả ngày ông chỉ biết trò chuyện với mấy buồng dừa. Mỗi tuần hai lần, khi nghe tiếng ghe máy của mối dừa dưới Bến Tre lên, lòng ông vui như mở hội. Ông lật đật chạy ra hỏi thăm mấy người đồng hương rồi khiêng dừa vào nhà làm tiếp.
Theo ông Đức, làm nghề gọt dừa bỏ mối này không cực khổ lắm nhưng phải ngồi nhiều. Mỗi ngày ông “làm đẹp” cho khoảng 150-200 trái dừa. Mỗi trái bán ra sau khi trừ vốn thu về cũng được gần 1 ngàn đồng tiền lời. Trừ tiền ăn uống, nhà trọ, xe cộ, mỗi tháng cũng có chút ít gửi về quê. Nghe ông nói ai cũng nghĩ nghề này coi bộ dễ ăn, nhưng khi tìm hiểu kỹ mới thấy rõ nỗi cơ cực của những người làm dừa. Ngồi gọt dừa cả ngày, lưng nhiều khi rất mỏi, tay muốn rã ra, nhưng ông đâu dám ngừng vì sợ không đủ dừa giao cho khách. Chúng tôi hỏi trong tương lai có muốn đổi nghề không, ông Đức dứt khoát: “Mình có tuổi rồi, làm được ngày nào hay ngày đó chứ không muốn bỏ nghề đâu”.
Cũng làm dừa nhưng thu nhập của chị Hằng (35 tuổi, quê ở Tiền Giang) khá hơn nhiều. Nhờ tài “ngoại giao” nên mối dừa của chị ngày một tăng nhanh. Lúc đầu chỉ gia công dừa một mình, sau này lượng hàng yêu cầu cao quá nên chị phải mướn thợ. Đã hơn 15 năm gắn bó với xóm dừa, chị vẫn không thể quên những ngày đầu lập nghiệp. “Mới lên lạ nước lạ cái đủ bề khó khăn. Một mình chị phải vừa gọt dừa rồi đến 3 giờ sáng đẩy xe đi bỏ mối cho người ta. Mấy ngày đầu bán được ít lắm, mà dừa đã gọt để lâu sẽ đen. Vậy là phải bán đổ bán tháo dù tiếc đứt ruột, nhưng có còn đỡ hơn không. Rồi dần dần mình kiếm được nhiều mối, thu nhập nhờ vậy mà tăng lên. Đến nay, mỗi ngày mình bỏ được gần 400 trái dừa, số tiền kiếm được đủ lo cho con cái ăn học nên cũng thấy mừng”, chị Hằng nói như khoe.
Quyết tâm bám nghề
Nhờ chăm chỉ làm dừa mà chú Chín Thiện (quê Bến Tre) đến nay đã có của ăn của để. Đi lên từ hai bàn tay trắng, chú thấm thía được sự tủi nhục của những người nghèo khó nên quyết tâm cho con mình ăn học tới nơi tới chốn. “Ngày đầu bước chân lên thành phố, tôi làm đủ nghề, từ phụ hồ đến làm thuê làm mướn cho người ta nhưng cả nhà vẫn đói. Thấy ông anh cột chèo làm dừa khá quá, tôi quyết định làm theo. Khó khăn trong thời gian đầu không thể kể hết, nhưng điều đó có đáng gì đâu, vì vợ con tôi có thể làm tất cả. Nhưng cái làm tôi buồn là thái độ của người đời. Mình đi bán dừa luôn bị người ta coi thường. Từ đó, tôi quyết tâm làm giàu từ loại trái cây của quê hương mình”.
Nói là làm, ngày tiếp ngày, chú hết chặt, gọt dừa thì cho hàng lên đẩy đi khắp chợ rao bán. Mồ hôi ướt đẫm áo, chân tay mỏi nhừ, bụng đói meo nhưng nếu chưa bán hết dừa, chú Thiện nhất định không chịu bỏ cuộc. Rồi trời thương, mấy năm sau đó, chú buôn may bán đắt, hàng làm ra không kịp bỏ mối cho người ta. Có tiền, chú tậu nhà rồi mở cửa hàng tạp hóa cho vợ trông coi, còn mình vẫn ngày đêm gắn bó với xóm dừa. “Hình như ở riết thành quen, chỉ ngủ ở đây chú mới yên giấc. Ra ngoài nhà cứ thấy nóng nực, khó chịu lắm!”, chú Thiện nói vui.
Ngày chú Thiện đưa vợ lên Sài Gòn, cậu con trai tên Trung mới bước đi chập chững, thế mà nay, Trung đã là sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Nghe hỏi về chuyện học hành của con cái, chị Hằng cũng phấn khởi: “Bé nhà chị năm nay vào lớp 6 rồi, bé học giỏi nên chị cũng đỡ lo. Làm lụng vất vả chỉ mong con cái thương mình mà lo ăn học. Giờ chị cũng an tâm vì công việc thu nhập ổn định, chồng con mạnh khỏe, như vậy là nhất rồi. Nhờ có xóm dừa mà gia đình chị mới có được ngày hôm nay nên chị quyết theo nghề này đến cùng”.
Bài, ảnh: Mỹ Dung
“Mình làm nghề cực khổ mà có con học cao cũng thấy tự hào lắm. Ở cái xóm dừa này, rất ít người học cao, bởi người ta gặp khá nhiều khó khăn trong việc nhập hộ khẩu. Tôi may mắn hơn, nhưng không vì thế mà ỷ lại hay coi thường họ. Tôi sẽ dạy để Trung biết quý những gì cha mẹ nó làm ra”, chú Chín Thiện tâm sự. |
Bình luận (0)