Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhịp cầu giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh khuyết tật đang thể hiện ý tưởng của mình dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ người Hà Lan

Nhằm chia sẻ một phần khó khăn, tạo điều kiện để trẻ em khuyết tật có cơ hội vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, vừa qua tại Quảng Trị, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) đã tổ chức hoạt động mỹ thuật theo hình thức truyền thông sáng tạo dành cho đối tượng trẻ em trong độ tuổi đến trường không may bị khuyết tật…
Chung tay vì một thế giới tươi đẹp
Nằm giữa khúc ruột miền Trung đầy nắng gió, mảnh đất Quảng Trị được biết đến với những địa danh lịch sử nổi tiếng như cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, cứ điểm Cồn Tiên, Dốc Miếu, đường Chín – Khe Sanh… gắn với cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt kéo dài 20 năm ròng rã. Chiến tranh đã lùi xa, cây xanh đã liền lại miệng hố bom, nhưng cho đến hôm nay vẫn còn đó hàng vạn người không may bị khuyết tật, mà nguyên nhân chủ yếu là do di chứng của chiến tranh để lại. Và để họ có cơ hội vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, từ năm 1974, UBYT Hà Lan Việt Nam (MCNV) đã tìm đến Quảng Trị. Hoạt động nhân đạo mà MCNV ưu ái dành cho Quảng Trị từ thập niên 70 (thế kỷ 20) đó là đầu tư xây dựng Bệnh viện Hà Lan tại Đông Hà, nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Trung tâm y tế này không chỉ là nơi khám chữa bệnh cho người dân mà còn góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ y tế căn bản, đáp ứng yêu cầu chất lượng.
Đầu năm 2010, bằng các hoạt động liên quan đến mỹ thuật và sân khấu, MCNV đã dành sự quan tâm nhiều hơn hướng đến các đối tượng dễ bị tổn thương và phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Họ là phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa có số phận không may mắn…
Ông Joop Hoekstra, giáo viên đến từ Hà Lan cho biết: “Các hoạt động hỗ trợ mà chúng tôi mang đến giúp các bạn và các trẻ em khuyết tật thể hiện cách tiếp cận mới đầy sáng tạo. Chúng tôi không chỉ giúp người khuyết tật cải thiện cuộc sống vật chất, mà quan trọng hơn là tạo động lực để họ có thêm niềm tin và nghị lực phấn đấu vươn lên, đồng thời tạo điều kiện để cộng đồng, xã hội nhìn nhận công bằng và nhân ái hơn đối với họ”.
Cô Nguyễn Thị Thu Vân – giáo viên Trường Trẻ em khuyết tật Quảng Trị chia sẻ: “Trẻ em khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong việc tự phát triển bản thân vì thiếu các kỹ năng sống, sự tự tin, chia sẻ, biểu lộ cảm xúc, kết bạn… Các hoạt động hỗ trợ này giúp các em nâng cao sự tự tin để có thể khám phá tiềm năng của bản thân, từ đó cảm thấy tự hào với chính mình”.
Tự tin khẳng định mình
Trong thời gian hai tuần, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các nghệ sĩ Hà Lan, bộ môn nghệ thuật tạo hình đã mở ra với các trẻ em khuyết tật một chân trời mới. Thông qua việc thiết kế, lên ý tưởng tạo dựng hình ảnh, các em có thể truyền tải được thông điệp, suy nghĩ, ước mơ của mình đến người xem mà không cần nói lời nào.
Nghệ sĩ Marion Jacobes – Sophia Foundation, người trực tiếp hướng dẫn các em cho hay: “Chúng tôi đã cố gắng tách các em ra khỏi sự can thiệp và hướng dẫn của người lớn, tạo điều kiện để các em làm những công việc trong tầm kiểm soát của mình, điều đó giúp các em tự tin hơn và có tinh thần trách nhiệm hơn”.
Thông qua hoạt động thiết thực này, các em khuyết tật có cơ hội phát triển một số tác phẩm mỹ thuật, góp phần cải thiện môi trường sinh hoạt và học tập, như trang trí một số phòng ngủ, phòng ăn, phòng học, khu vui chơi thể thao, văn nghệ, các trò chơi dân gian… Ý tưởng cho quá trình sinh hoạt nghệ thuật này do chính các em quyết định kết hợp với sự tư vấn kĩ thuật của bốn nghệ sĩ đến từ Hà Lan. Hoạt động này giúp các em tự khám phá khả năng của bản thân và tự trả lời câu hỏi “Tôi có thể làm gì?”.
Em Hồ Thị Mỹ Lài, ở xã Cam Tuyền (Cam Lộ) xúc động: “Được tham gia khóa học em rất vui. Chúng em đã có những hoạt động bổ ích để nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, từ đó dễ hòa nhập cộng đồng. Và em thấy tự tin hơn khi làm quen với nhiều người bạn mới”.
Cô Nguyễn Thị Thu Vân – giáo viên có thâm niên gần 15 năm ở Trường Khuyết tật Quảng Trị phấn khởi: “Dù chỉ mới lần đầu làm quen với nghệ thuật tạo hình nhưng em nào cũng vui vẻ và rất háo hức với những gì mình học được. Các em đã cùng nhau thảo luận, đưa ra ý tưởng, phân công trách nhiệm của từng người trong nhóm dưới sự hỗ trợ về kĩ thuật của các chuyên gia. Trong một thời gian ngắn, những tác phẩm cụ thể đã dần dần xuất hiện. Đây thực sự là cơ hội hữu ích giúp các em tự khám phá bản thân, tìm thấy sự tự tin, niềm vui và sự hăng say trong công việc. Hơn nữa, đây còn là dịp để các em cùng nhau trải nghiệm về khả năng phối hợp làm việc theo nhóm. Đồng thời, những hoạt động giao tiếp sáng tạo này cũng góp phần giúp các em khám phá tiềm năng của bản thân, tăng cường phát triển thể chất… Từ đó giúp các em tự tin, biết cách giải quyết một số vấn đề gặp phải trong cuộc sống”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)