Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Cẩn thận không biến thành phim… Tây!”

Tạp Chí Giáo Dục

Bí mật Eva – một bộ phim truyền hình 70 tập, đã phát sóng trên VTV3, là sản phẩm với sự tham gia của 10 tác giả kịch bản. Bộ phim thu hút sự quan tâm của khán giả, đặc biệt là phụ nữ nhiều lứa tuổi. Ông Đỗ Minh Tuấn, đạo diễn bộ phim này, đã chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online.

Một cảnh trong phim Bí mật Eva – ảnh: tin247.com

* Hiện nay một số lượng nhà làm phim đang thử sức với phim truyền hình mang yếu tố hài hước, mong đem lại tiếng cười và sự thư giãn cho khán giả. Xin ông thẳng thắn cho biết chúng ta cần lưu ý những gì khi làm phim để tránh “nhạt”, “nhảm”?

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: Các phim hài lạm dụng những động tác ngoại hình khoa trương, hay những câu pha trò khiên cưỡng cố tình nhét vào mồm nhân vật thì sẽ bị nhạt. Diễn lờ đờ, lại làm ra vẻ hài, nhướn mày nheo mắt, rồi còn thoại ngắc ngứ vì chưa thuộc kịch bản… thì chỉ gây phản cảm cho người xem. Khi đạo diễn biết khai thác cái hài trong các tình huống và tính cách, diễn xuất càng chân thành tự nhiên sẽ làm khán giả cười.

Cần phải thẳng thắn rằng hài hước chỉ có thể đẻ ra từ trí tuệ, phối hợp nhiều khâu với nhiều ngón nghề không đơn giản. Làm khán giả khóc đã khó, làm khán giả cười còn khó hơn.

Vậy mà hiện nay hình như một số nhà sản xuất nghĩ rằng chỉ cần kịch bản có chất hài là đạo diễn nào cũng có thể làm thành phim hài được.

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn – Ảnh: nhân vật cung cấp

* Bí mật Eva do ông đạo diễn có hơi hướng của dòng phim chick flick (phim dành cho phái đẹp), với câu chuyện chính xoay quanh tình yêu, hôn nhân, thời trang hay những khúc mắc của phụ nữ về cánh đàn ông… Ông đã gặp những khó khăn gì trong việc biến bộ phim trở nên thuần Việt?

– Tôi vô cùng lo lắng, băn khoăn khi bắt tay làm Bí mật Eva. Làm sao để phim gần với đời sống khán giả Việt? Kịch bản nếu không chú ý thì sẽ làm ra một bộ phim…tây, vì nhà sản xuất chủ trương làm phim này để giáo dục kỹ năng sống cho chị em trong các  hoàn cảnh tiêu biểu nhất, theo đúng hình mẫu các nhân vật trong loạt phim ăn khách Sex and the city của Mỹ.

Bên cạnh đó, nhu cầu quảng cáo lại bắt buộc đạo diễn phải sử dụng các bối cảnh sang trọng và các tiện nghi hiện đại nhất. Vậy làm thế nào để người xem đa số là người nghèo đồng cảm, xúc động với những nhân vật “người Việt gốc… Mỹ”, ăn nói điệu đàng sặc mùi triết lý dạy đời và sinh hoạt như những đại gia?

Để giải bài toán khó này, chúng tôi đã cố gắng xây dựng các nhân vật sao cho chân thực và gần gũi để khán giả tin và đồng cảm với họ, bị họ ám thị dẫn dắt theo câu chuyện. Đời hóa, Việt hóa câu chuyện và nhân vật là việc hết sức lắt nhắt, tỉ mẩn trong rất nhiều khâu, nhưng quan trọng nhất là khâu dàn cảnh và chỉ đạo diễn xuất.

Diễn viên ta có thói quen khi nói chuyện cứ đứng nhìn vào nhau rồi hút thuốc dễ dãi, hoặc vung tay theo lời nói như trong cuộc họp, rất giả và sân khấu.

Khán giả thường thích những nhân vật béo, hồn nhiên và quậy phá như Cuội, Trư Bát Giới… Diễn viên đóng vai Bảo Trinh không phải là người béo, nhưng chúng tôi vẫn có cách xây dựng Bảo Trinh thành bạn của khán giả mọi lứa tuổi bằng cách cần tăng độ hồn nhiên. Chính sự hồn nhiên đã khiến cách diễn luôn đẩy lên cao trào của diễn viên thoát khỏi tính sân khấu để trở thành phương cách bộc lộ nét quậy phá đáng yêu trong cá tính Bảo Trinh.

* Xin chân thành cảm ơn đạo diễn!

NGA LINH thực hiện (Theo TTO)

Bình luận (0)