Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

The Kings Speech, khi lòng tin chiến thắng nỗi sợ hãi

Tạp Chí Giáo Dục

Không khô khan như nhiều bộ phim lịch sử khác, tác phẩm điện ảnh về ông vua nói lắp của nước Anh đem tới nhiều nụ cười, những giọt nước mắt và thắp sáng niềm tin vào cuộc sống cho mỗi con người.

Oscar 2011 là giải có được nhiều bộ phim xuất sắc. Trong số 10 đề cử ở hạng mục Phim hay nhất, The Kings SpeechThe Social Network được đánh giá là hai ứng cử viên hàng đầu trước đêm trao giải. Một tác phẩm nói về nghị lực, sự đấu tranh của con người trước số phận nghiệt ngã, một tác phẩm lại nói về khát khao vươn lên và thay đổi xã hội của những thanh niên trẻ. Cuối cùng, vua nói lắp của nước Anh đã giành chiến thắng một cách thuyết phục trước "vua" Facebook tại đêm 27/2 ở nhà hát Kodak, Los Angeles, Mỹ.

Lấy bối cảnh nước Anh trước khi xảy ra Thế chiến II, The Kings Speech là câu chuyện về vua George VI mắc chứng nói lắp. Sau khi vua cha George V băng hà và việc thoái vị gây chấn động của vua Edward VIII, Bertie, công tước xứ York, lên ngôi. Khi đất nước đang ở bờ vực của chiến tranh và cần một người lãnh đạo, vợ của ông, Elizabeth, đã sắp xếp cho chồng mình tới gặp Lionel, một diễn viên thất bại, nhưng có khả năng chữa tật về phát âm với những phương pháp lập dị. Khởi đầu không được suôn sẻ nhưng càng về sau, cả Bertie và Lionel đã đi sâu vào một liệu trình phi chính thống.

Cảnh mở đầu trong The Kings Speech. Ảnh: Weinstein.

Tình bạn giữa Vua George VI và bác sĩ vô danh Lionel càng lúc càng trở nên khăng khít. Tật nói lắp của đức vua không thể biến mất hoàn toàn, nhưng với sự giúp đỡ của Lionel và Elizabeth, Bertie ngày càng khắc phục được căn bệnh này. Khi cuộc chiến giữa Anh và Đức sắp nổ ra, đức vua phải thực hiện một bài phát biểu qua sóng phát thanh để truyền nhiệt huyết tới dân chúng, quân lính và thống nhất họ trong cuộc chiến. Dựa trên một câu chuyện có thật về Vua George VI, The Kings Speech khai thác về những mốc lịch sử của Hoàng gia Anh và hành trình tìm lại giọng nói của Vua George VI.

The Kings Speech thuộc thể loại lịch sử và khai thác về cuộc đời của những nhân vật có thật, giống như The Last King of Scotland (nhà độc tài Idi Amin), Elizabeth The Great (nữ hoàng Elizabeth) hay The Last Emperor (vua Phổ Nghi). Thường thì ở những dòng phim kiểu này, tính giải trí rất thấp mà thay vào đó, tính lịch sử, phong cách nghệ thuật và tài năng của các diễn viên chính được nâng cao. Tiết tấu của The Kings Speech khá chậm, tâm lý các nhân vật được đẩy lên một cách từ từ. Phim cũng sử dụng chủ yếu là bối cảnh nội, trong hoàng cung, tu viện Westminster, giáo đường, nhà và văn phòng của Lionel…

Đạo diễn Tom Hooper trên trường quay. Ảnh: Weinstein.

Khi mới nghe tên và được tìm hiểu về câu chuyện, có thể rất nhiều khán giả sẽ không cảm thấy hứng thú với The Kings Speech. Tuy nhiên, khác với những bộ phim lịch sử khác, tác phẩm về ông vua nói lắp có cách dẫn dắt rất tự nhiên và gây tò mò cho người xem. Ngay từ những phút mở đầu phim, ngôn ngữ điện ảnh tinh tế của đạo diễn Tom Hooper và diễn xuất tuyệt vời của tài tử Colin Firth đã dẫn dắt khán giả bước vào thế giới riêng của bộ phim và hồi hộp theo dõi hành trình khổ luyện của nhân vật Bertie. Câu chuyện trong The Kings Speech hết sức đơn giản, nhưng lại thu thu hút người xem bởi nhiều yếu tố khác nhau.

Những câu chuyện về lịch sử của Hoàng gia Anh từ xưa đã có sức hấp dẫn với hàng triệu người trên thế giới. The Kings Speech chỉ tập trung khai thác về thời kỳ chuyển giao giữa Vua George V và Vua George VI nhưng qua đó, khán giả cũng hình dung được phần nào cuộc sống hoàng gia với những chuyện ly kỳ, và cả tai tiếng. Chuyện những người hầu gái đối xử với các hoàng tử, chuyện đức vua bỏ ngôi vị vì tình yêu hay chuyện lên ngôi bất đắc dĩ… đều được thể hiện một cách tự nhiên, nhưng cũng đầy kịch tính và bất ngờ trong gần hai tiếng chiều dài phim, buộc người xem không thể rời mắt một giây.

Nhà biên kịch David Seidler hoàn toàn xứng đáng với giải Oscar trong đêm 27/2 vừa qua bởi ông đã tạo nên một kịch bản tuyệt vời. Câu chuyện có phần đơn điệu, tưởng như đi theo một đường thẳng lịch sử, nhưng David đã khéo léo cài cắm hợp lý từng chi tiết, từng nút thắt, nút mở và tạo nên kịch tính, bất ngờ cho từng phân đoạn. Phần thoại cũng là một trong những yếu tố lý giải cho việc tại sao The Kings Speech lại được đánh giá cao đến vậy. Những đoạn đối thoại giữa nhà vua và bác sĩ Lionel được xây dựng rất lôi cuốn, hài hước, ấn tượng, trong khi những câu chuyện kể mà đức vua dành cho hai con gái Elizabeth và Margaret lại mang nhiều tính triết lý sâu sắc.

Một cảnh trong The Kings Speech. Ảnh: Weinstein.

Vua George VI đã trở thành vai diễn để đời của tài tử Colin Firth. Tài năng của anh từng được thể hiện trong nhiều bộ phim trước đó như Bridget Joness Diary, Love Actually, Mamma Mia hay A Single Man. Nhưng có lẽ phải tới The Kings Speech, Colin mới đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp với tượng vàng Oscar danh giá cho Nam diễn viên chính xuất sắc. Diễn xuất của Colin Firth qua vai diễn Bertie khiến khán giả cười, khóc theo từng cung bậc cảm xúc của nhân vật và cuối cùng là đem đến một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Những cử động cơ hàm, cổ họng, cách phát âm hay cách mà Colin thể hiện nỗi đau khổ, vật vã, sự bất lực trước bệnh tật của vua George VI khiến người xem quên đi ranh giới giữa diễn viên và nhân vật.

Nói một cách ví von, khi khán giả bước vào phòng chiếu và đèn tắt tối om, diễn xuất của Colin Firth giống như một ngọn đuốc, soi rọi đường đi và khiến tất cả những ai ngồi trước màn ảnh rộng phải hồi hộp theo dõi. Khoảnh khắc mà đức vua đọc bài diễn xuất cũng chính là khoảnh khắc gây xúc động và căng thẳng nhất trong phim. Đó là khi mong đợi của cả khán giả lẫn các nhân vật đều được thể hiện qua những hình ảnh, âm thanh được chiếu lên từ cuốn phim 35mm. Lúc ấy, dường như chính khán giả cũng đã trở thành những nhân vật trong The Kings Speech với những cảm xúc mạnh mẽ nhất.

Dàn diễn viên phụ của phim, nổi bật là Helena Bonham Carter (vai Elizabeth) và Geoffrey Rush (vai Lionel) cũng hoàn thành tốt vai trò của họ. Âm nhạc của The Kings Speech do nhà soạn nhạc người Pháp Alxandre Desplat thực hiện cũng góp phần khiến cảm xúc người xem trở nên trọn vẹn. Những giai điệu piano dịu dàng, u buồn hay những bản nhạc giao hưởng vang lên một cách tinh tế, tạo hiệu ứng cao cho các tình tiết cũng như diễn xuất của dàn diễn viên. Bên cạnh đó, những câu hát "chay" của Vua George và Lionel trong liệu trình cũng lưu lại được nhiều dấu ấn trong tâm trí người xem.

Xem The Kings Speech, khán giả còn được thưởng thức những hình ảnh tuyệt đẹp của nước Anh những năm 1930 thế kỷ trước. Những con đường vắng ngập tràn sương mù, những cỗ xe ngựa trên đường đá, những cung điện, giáo đường nguy nga, tráng lệ tạo nên một thủ đô London đầy vẻ hoài cổ, quyền quý. Phim sử dụng chủ yếu tông màu vàng trong nội cảnh để tạo cảm giác ấm áp, đối lập với sự lạnh lẽo của tuyết trắng và sương mù ở ngoại cảnh. Ngoài ra, những ai quan tâm tới văn hóa Anh hẳn cũng sẽ rất thích thú khi được xem một bộ phim nói giọng Anh – Anh toàn bộ.

Tài tử Colin Firth thể hiện xuất sắc hình ảnh một ông vua nói lắp. Ảnh: Weinstein.

Hành trình của Vua George VI trong việc tìm lại giọng nói cho thấy niềm tin là sức mạnh lớn nhất giúp con người làm được những việc tưởng như bất khả thi. Nhân vật Bertie bị tật nói lắp từ bé. Với ông, những cuộc phát biểu giữa chốn đông người, những chiếc micro là cơn ác mộng lớn nhất. Nhưng Bertie là một vị vua, đại diện cho hình ảnh của cả nước Anh khi đó. Để có được một bài diễn thuyết kéo dài 9 phút, Bertie đã phải trải qua biết bao nhục nhã, đau đớn, đôi khi tưởng như hoàn toàn bất lực. Nhưng ông đã làm được điều thần kỳ và hơn thế nữa, còn mang lại hy vọng cho bao con người không may mắn trên thế giới.

The Kings Speech không phải là một bộ phim đề cao vua chúa, với cuộc sống xa hoa, vương giả đầy quyền lực. Phim đã xây dựng hình ảnh một ông vua rất tầm thường, mang nhiều khiếm khuyết như một người dân bình thường. Nhưng qua đó, ta thấy được nghị lực và nhân cách cao đẹp của một con người, khi biết vượt qua những cản trở của số phận để vươn tới những giá trị lớn lao trong cuộc đời, mà cụ thể trong phim là trọng trách của một vị vua đang phải dẫn dắt đất nước mình bước qua cuộc chiến tranh khốc liệt. Ngoài ra, The Kings Speech cũng ẩn chứa những triết lý và ngụ ngôn thú vị về cuộc sống diễn ra hàng ngày mà mỗi người xem đều sẽ có những cảm nhận riêng sau khi xem xong.

The Kings Speech khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 10/6.

Nguyên Minh (Theo VNE)

Bình luận (0)