Từ 20 giờ ngày 28.2 (giờ địa phương), Giáo hoàng Benedict XVI chính thức rút lui khỏi cương vị người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã.
Theo tờ La Croix, sau khi thoái vị, với tước hiệu “Giáo hoàng danh dự”, ông vẫn sẽ được gọi là “Đức Thánh cha Benedict XVI”. Về phẩm phục, Giáo hoàng danh dự sẽ mặc áo chùng trắng, mang giày nâu, thay cho giày đỏ như khi còn tại vị. Chiếc nhẫn ngư phủ, tín vật riêng của người đứng đầu tòa thánh, sẽ bị hủy. Tín vật này gợi nhớ về Thánh Phê Rô, giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội Công giáo và mỗi giáo hoàng khi tiếp quản giáo hội sẽ được trao nhẫn ngư phủ mới có khắc tông hiệu của mình.
Giáo hoàng Benedict XVI tại buổi giảng huấn 27.2 – Ảnh: AFP |
Ngày 27.2, Giáo hoàng Benedict XVI đã có buổi giảng huấn cuối cùng trước các tín hữu. Hơn 50.000 vé vào quảng trường Thánh Phê Rô ở Vatican đã được giữ chỗ sẵn từ nhiều ngày trước. Vào 11 giờ ngày 28.2, ông sẽ tiếp kiến các hồng y đã có mặt tại thủ đô Rome (Ý) để chuẩn bị cho mật nghị bầu chọn giáo hoàng kế vị. Chiều cùng ngày, Giáo hoàng Benedict XVI sẽ được trực thăng đưa đến dinh thự Castel Gandolfo, cách Rome 25 km về phía nam và ở lại đây 2 tháng. Trong thời gian này, việc bầu chọn giáo hoàng mới sẽ diễn ra một cách hoàn toàn độc lập với Giáo hoàng danh dự. Đúng 20 giờ ngày 28.2, việc điều hành hội thánh sẽ chính thức được giao lại cho Hồng y đoàn. Trước đó, Giáo hoàng Benedict XVI đã ra sắc lệnh cho phép tổ chức sớm mật nghị và nhiều khả năng, sự kiện này sẽ diễn ra trước ngày 15.3.
Bảo thủ và đột phá
Hồng y Joseph Aloisius Ratzinger trở thành Giáo hoàng thứ 265 của Giáo hội Công giáo La Mã từ ngày 19.4.2005, khi đã 78 tuổi và chọn tông hiệu Benedict XVI. Theo tờ Le Monde, ông sinh trưởng tại thị trấn Marktl-am-Inn, bang Bavaria (Đức). Từ thời trẻ, linh mục Ratzinger đã đam mê nghiên cứu thần học và nhanh chóng trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu của thế giới. Ông được mời làm giáo sư tại nhiều chủng viện và đại học ở Đức. Trong giai đoạn 1962-1965, linh mục Ratzinger là một trong những chuyên gia trẻ tuổi nhất tham gia cố vấn soạn thảo các văn kiện cực kỳ quan trọng, đánh dấu nhiều đổi mới của giáo hội. Sau đó, ông lần lượt được sắc phong giám mục rồi hồng y. Từ năm 1981, Hồng y Ratzinger được bổ nhiệm vào vị trí Tổng trưởng Thánh bộ giáo lý đức tin của Vatican và là cố vấn thân tín của Giáo hoàng John-Paul II.
Với uy tín ngày càng tăng, ông được bầu chọn làm người kế nhiệm của Giáo hoàng John Paul II. Trong gần 8 năm tại vị, Giáo hoàng Benedict XVI vừa bảo vệ các giá trị truyền thống của Công giáo vừa có những quyết định mang lại thay đổi sâu sắc. Ông vẫn kiên quyết phản đối hôn nhân đồng tính, phá thai, đồng thời đề cao hình mẫu gia đình truyền thống…
Đôi khi bị xem là bảo thủ, nhưng cũng chính Giáo hoàng Benedict XVI đã có 2 quyết định mang tính “lịch sử” là tuyên bố thoái vị và thừa nhận vụ bê bối về các linh mục lạm dụng tình dục. Ông đã phá vỡ sự im lặng của giáo hội, thừa nhận “rất hổ thẹn” về vấn đề này trong những chuyến công du tại Mỹ, Úc, Bồ Đào Nha… Kể từ đó, Vatican tỏ ra lắng nghe các nạn nhân và trừng phạt thích đáng những người có liên can. Bên cạnh đó, một trong những biến cố gây ảnh hưởng nhiều nhất đối với giáo hoàng là việc thông tin mật của tòa thánh bị rò rỉ ra giới truyền thông hồi năm 2012 cũng như nghi vấn về tham nhũng, rửa tiền, lạm quyền của giới giáo chức.
Giáo hoàng Benedict XVI cũng tiếp bước người tiền nhiệm nỗ lực tăng cường quan hệ với các tôn giáo khác, đặc biệt là Chính thống giáo và Hồi giáo. Ông từng tiếp kiến nguyên thủ của Ả Rập Xê Út, Jordan và nhiều lần đến thăm các thánh đường Hồi giáo. Về mặt xã hội, giáo hoàng không ngại lên tiếng cảnh báo nạn đầu cơ tài chính, tham nhũng, khai thác kiệt quệ tài nguyên…
Ngày 25.2, Giáo hoàng Benedict XVI khẳng định “vẫn sẽ phục vụ giáo hội” dù quyết định từ nhiệm. Sau 2 tháng tạm nghỉ ở dinh thự Castel Gandolfo, ông sẽ chính thức chuyển về tu viện Mater Ecclesiae, phía sau giáo đường Thánh Phê Rô của Vatican. Tờ Le Point dẫn lời giới chức cho biết Giáo hoàng danh dự sẽ dành toàn bộ thời gian sau khi thoái vị để cầu nguyện, nghiên cứu, viết lách và sẽ không can dự vào công việc của người kế nhiệm.
Quy trình bầu chọn giáo hoàng
Từ ngày 4.3, Hồng y đoàn gồm 210 thành viên sẽ họp tại Vatican để quyết định ngày bắt đầu bỏ phiếu bầu chọn giáo hoàng mới. Chỉ 117 người dưới 80 tuổi được tham gia mật nghị bầu chọn trong nhà nguyện Sixtine. Giáo hoàng mới là người nhận 2/3 số phiếu trong mật nghị. Mỗi ngày có 2 phiên bỏ phiếu, mỗi phiên tối đa bỏ phiếu 2 lần. Những phiên chưa chọn được giáo hoàng, phiếu sẽ bị đốt bỏ, từ bên ngoài, công chúng sẽ thấy khói bay ra màu đen. Trong thời gian diễn ra mật nghị, các hồng y phải tuyên thệ tuyệt đối giữ bí mật, không tiếp xúc với người ngoài, không được xem truyền hình, đọc báo. Khi bầu được giáo hoàng, số phiếu đem đốt sẽ được trộn một loại hóa chất để cho ra khói trắng. Sau đó, tân giáo hoàng sẽ chọn tông hiệu và xuất hiện trước ban công để ra mắt giáo dân cũng như thế giới.
Theo TNO
Bình luận (0)