Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

MC Thanh Bạch: Những chuyện chưa từng kể trong thời đi học

Tạp Chí Giáo Dục

MC Thanh Bạch. Ảnh: Th. Hiệp

Gặp MC Thanh Bạch không khó, nhưng ngồi trò chuyện lâu với anh lại… không dễ. Đơn giản bởi vì anh rất bận. Bận quanh năm. Để trở thành một MC hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, nhiều người không khỏi bất ngờ khi biết rằng anh đã từng “thực hành” nghề này ngay từ thời tiểu học, trước khi được đào tạo trường lớp đến nơi đến chốn. “Việc trở thành một MC đứng nói lưu loát trước hàng triệu người như hiện nay với tôi quả là một giấc mơ…” – Thanh Bạch bật mí như thế!
Có duyên với “nghề” MC từ nhỏ
Thanh Bạch sinh ra tại xã An Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Lúc mới sinh ra, anh có nước da trắng như bông bưởi nên ông nội đặt tên là Thanh Bạch. Lớn lên một chút, má hay cho anh mặc bộ bà ba trắng, ôm con chim bồ câu trắng đi chơi loanh quanh khắp xóm. Ba anh đàn hát hay, diễn kịch tài. Có lẽ vậy nên anh đã thừa hưởng cái “gien” yêu nghệ thuật của ba từ rất nhỏ. Khi vào học lớp 1, anh là một đứa bé nhút nhát, ngại giao tiếp với bạn bè vì bị cà lăm (nói lắp). Nhiều lần cô giáo gọi đứng lên phát biểu, anh nói lắp bắp, bạn bè trong lớp nhại theo khiến anh rất tức và quyết tâm phải khắc phục yếu điểm của mình. Vào thời điểm đó, anh rất mê nghe radio và mê luôn giọng nói của các phát thanh viên vì giọng của họ tròn vành rõ chữ và truyền cảm. Anh nghe rồi bắt chước giọng của các cô chú ấy, những hôm ở nhà một mình, anh thường lấy quyển tập vo tròn lại làm micro: “Xin kính chào quý vị. Mời quý vị thưởng thức chương trình ca cổ cải lương…” hay “Đây là Đài Phát thanh Vĩnh Long, phát thanh trên làn sóng…” rồi tự cười một mình. Được một thời gian, cậu Bảy cho anh một dàn loa cũ kèm theo cái micro phát ra âm thanh đàng hoàng, anh mừng đến độ cả đêm không ngủ. Từ đó, anh càng phát huy “tài” làm phát thanh viên. Nhờ đó mà anh dần dần chữa được tật cà lăm lúc nào cũng không hay. Thời tiểu học, anh học giỏi đều các môn nhưng xuất sắc nhất vẫn là môn vẽ. Những bức tranh trong tiết học hội họa của anh bao giờ cũng đạt điểm cao nhất lớp. Nhiều bạn bè thấy tranh anh vẽ đẹp quá nên nài nỉ mua, từ đó anh bỗng dưng… có tiền ăn vặt nhờ vào tài vẽ tranh của mình. Một kỷ niệm lúc ấy mà anh không bao giờ quên, anh kể:Năm lớp 6, tôi thích một đôi giày nhưng xin hoài ba má không mua cho. Một lần, ba đi làm về bị rớt bóp, trong bóp có chìa khóa tủ tiền, thế là tôi làm liều… mở tủ lấy tiền của ba. Nhưng chưa kịp lấy thì ba phát hiện, ba chỉ nhẹ nhàng khuyên nhưng tôi vô cùng hối hận và hiểu rằng phải giữ được niềm tin của người khác với mình. Sau đó, tôi đã viết lại câu chuyện trên trong bài luận “Kể lại một kỉ niệm đáng nhớ trong đời”. Bài luận đó tôi đạt điểm cao nhất lớp và được thầy giáo đọc trước lớp…”.
Học giỏi vì… tự ái
Thời cấp 3, Thanh Bạch học ở TrườngTống Phước Hiệp (nay là Lưu Văn Liệt – Vĩnh Long). Là một học sinh giỏi nhiều năm liền, lại từng đoạt giải nhất môn văn cấp tỉnh nên anh khá nổi tiếng trong trường. Rồi cũng đến ngày thi đại học, theo sự chỉ định của ba má, anh nộp đơn thi vô ngành sư phạm và lén lút nộp đơn thêm vào một trường nghệ thuật tại TP.HCM. Ngày anh đến Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long nhập học cũng là ngày nhận được giấy báo trúng tuyển Trường Nghệ thuật Sân khấu II gửi về nhà. Dù biết nếu theo học nghệ thuật là phải xa nhà, phải tự lo liệu mọi thứ. Rồi cuối cùng, anh đã quyết định khăn gói lên Sài Gòn học Khoa Đạo diễn kịch nói. Anh vào sống trong ký túc xá, ngủ giường tầng. Nhưng cuộc sống thời điểm đó rất khó khăn, nhiều lúc đói quá, anh đón xe đò về quê xách gạo và thức ăn do má làm sẵn để “cải thiện” cuộc sống. Trong thời gian học tập tại đây, cùng với các bạn học của mình như Nguyễn Minh Chung, Hoa Hạ, Xuân Hương… Thanh Bạch là gương mặt không thể thiếu trong nhiều phong trào Đoàn Hội, giao lưu văn nghệ giữa các trường trong địa bàn TP.HCM. Năm 1978, sau khi đã hoàn thành xong khóa học tiếng Nga của Trường dự bị Đại học Ngoại ngữ TP.HCM, Thanh Bạch chính thức sang Nga học lớp đào tạo đạo diễn tại Trường Đại học Sân khấu Lunatsaxki – Ghitis do Việt Nam và Nga hợp tác tổ chức. Tuy nhiên, khi đang học Khoa Đạo diễn, anh đã làm đơn xin chuyển sang học tại Khoa Tạp kĩ sân khấu cũng của Trường Lunatsaxki – Ghitis. Quy định của khoa là nếu qua hai học kỳ, sinh viên nào chỉ đạt điểm loại trung bình sẽ bị trả về nước. Vì tự ái, vì danh dự mà Thanh Bạch lao vào học không biết mệt. Suốt 5 năm ở trường, anh chỉ biết học, thực hành, và lại học. Nhờ thế mà anh đã tốt nghiệp hạng ưu.
Thanh Bạch tâm sự: “Tôi thích công việc của một nhà sư phạm vì suýt chút nữa tôi đã trở thành một giáo viên thực thụ rồi. Có lẽ sau này, tôi sẽ tham gia vào công việc giảng dạy nhiều hơn. Nhưng tôi không bao giờ chia tay với nghiệp diễn được bởi đó là hơi thở của tôi…”.
 
Song Minh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)