Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Nhớ máu”

Tạp Chí Giáo Dục

 

“Nhớ máu” viết bằng máu thịt và sức sống của nhà thơ ngay trong khoảnh khắc ở Tuy Hòa, lúc đang trong quân ngũ để có một bài thơ, một hồn thơ đáng kính, đáng nể.
Tháng 8 năm 1946, đơn vị của Trần Mai Ninh từ Khánh Hòa ra công tác tại thị xã Tuy Hòa (Phú Yên), lúc Tuy Hòa cùng cả nước sôi sục, đợi chờ kháng chiến sắp nổ ra.
Vào một đêm tháng 10 năm 1946, anh em văn nghệ tổ chức buổi diễn đàn cho thanh niên về lý tưởng cách mạng. Người được mời lên nói chuyện là nhà thơ Trần Mai Ninh. Bài nói chuyện của nhà thơ được tòa soạn Tạp chí Hồn Trẻ lấy làm bài “Lời nói đầu”. Và khi in ra đã gây xôn xao tán thưởng cùng với những bài của nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Đỗ Cung…
Vào tháng 11 năm 1946, tình hình đất nước trở nên khẩn trương với những tin từ mặt trận phía trong dội về.
Lúc bấy giờ, tòa soạn Tạp chí Hồn Trẻ muốn có một bài thơ thật “dữ dội” để nói lên không khí sục sôi quyết liệt trước giờ xông trận.
Một buổi trưa đang nắng gắt, gió lồng lộng thổi từ bốn phía, phố xá đều đóng kín cửa. Có tiếng gõ cửa tòa soạn. Cửa mở ra, nhà thơ Trần Mai Ninh bước vào đầu trần, chiếc súng ngắn giắt trễ bên hông. Nhà thơ chưa nói hết, gió thổi bay chiếc mũ xuống cầu Đà Rằng… Anh Tịnh Hà (thư ký tòa soạn) rót chén nước trà Tam Thái mời, nhà thơ cũng không kịp uống… liền đọc vội một đoạn mà nhà thơ cũng không kịp nói tên bài thơ.
“Ơ cái gió Tuy Hòa
Cái gió chuyên cần
Và phóng túng
Gió đi ngang, đi dọc
Gió trẻ lại – lưng chừng
Gió nghĩ
Gió cười
Gió reo lên lồng lộng”.
Nhà thơ dừng hớp chén nước trà, mắt sáng lên để đọc tiếp đoạn thơ về con người Tuy Hòa:
Ơ, những người!
Đen như mực, đặc thành keo
Tròn một củ
Hay những người gầy sắt lại
Mặt rẹt một đường gươm
Lạnh gáy…”
Và nhà thơ chỉ nói mấy câu ngắn gọn tin từ Nha Trang “lệnh” cho đơn vị anh vào gấp mặt trận. Anh đọc tiếp đoạn thơ gấp gáp trong hơi thở:
“ – Còn mấy bước tới Nha Trang
– A, gần lắm!
Ta gần máu,
Ta gần người,
Ta gần quyết liệt,”
Anh em ngay lúc ấy đã thuộc đoạn thơ nhờ sức lắng, hồn lắng của thơ Trần Mai Ninh. Sau đó tòa soạn định in bài thơ anh gửi lại nhưng không rõ tên bài thơ.
Bốn tháng sau ngày toàn quốc kháng chiến, bài thơ Trần Mai Ninh có mặt trên Tạp chí Tiền Phong của Hội văn nghệ từ Việt Bắc gửi vào. Bây giờ anh em mới biết đó là “Nhớ máu”, một bài thơ hình thành từ cái gió Tuy Hòa.
M.N

Bình luận (0)