Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

TP.HCM: Khởi động hai tuyến buýt trên sông

Tạp Chí Giáo Dục

Theo khu Đường sông TP.HCM, sở Giao thông vận tải đã chấp nhận chủ trương để công ty TNHH Thường Nhật lập phương án vận chuyển hành khách công cộng bằng đường sông tại TP.HCM.

Ông Nguyễn Kim Toản, giám đốc công ty Thường Nhật, cho biết sở dĩ công ty ông mong muốn được tham gia vào công việc vận chuyển hành khách công cộng bằng đường sông vì bản thân ông thấy rõ được tiềm năng của phương thức này. Đó là giải pháp lâu dài giúp giảm tải cho đường bộ. Khi hình thành, buýt trên sông còn góp phần không nhỏ vào việc tạo giá trị gia tăng cho hoạt động du lịch và các sinh hoạt cộng đồng khác ở TP.HCM.
Buýt trên sông được kỳ vọng sẽ giảm bớt gánh nặng cho đường bộ.
Ảnh: Phan Quang
Theo phương án sơ bộ mà công ty Thường Nhật phác hoạ, buýt trên sông sẽ được chia ra làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 thí điểm thực hiện với hai tuyến sau đây:
Tuyến 1: có chiều dài khoảng 25km, bắt đầu từ An Lộc, An Hoà – Bình Lợi, Thanh Đa – sông Sài Gòn – kinh Tẻ – rạch Ông Lớn – rạch Đĩa – rạch Rơi – sông Phú Xuân. Lộ trình dự kiến tuyến này được chia ra thành ba đoạn. Mỗi đoạn dự kiến có sáu trạm dừng đón khách.
Đoạn 1: từ An Lộc – Miếu Nổi – Bình Lợi – Fatima – Bình Triệu 3 – Thanh Đa – Thảo Điền, có chiều dài khoảng 8km, tổng thời gian di chuyển và đón khách khoảng 24 phút. Ở đoạn này, phải sử dụng tàu nhỏ, chiều cao mạn khô không vượt quá 1,8m để chủ động vận chuyển ngang qua cầu Bình Lợi và cầu Kinh.
Đoạn 2: từ Thảo Điền – Thanh Đa – Ung Văn Khiêm – Trần Não – Ngô Tất Tố, khu Himlam – Bạch Đằng, với chiều dài khoảng 7km, tổng thời gian di chuyển ở đoạn này là 23 phút. Ở đoạn này sẽ sử dụng tàu lớn 100 khách vì tĩnh không của những cây cầu ở đây đều đạt chuẩn.
Đoạn 3: từ bến Bạch Đằng – kinh Tẻ – Phú Mỹ Hưng, chiều dài 10km, tổng thời gian di chuyển là 27 phút. Do tĩnh không cầu Rạch Ông và cầu Rạch Đỉa thấp nên phải sử dụng tàu nhỏ, với chiều cao mạn khô không vượt quá 1,8m.
Tuyến 2: từ Bến Nghé đến Tàu Hũ với tổng chiều dài khoảng 12km, sáu trạm dừng đón khách, tổng thời gian di chuyển khoảng 30 phút. Ở tuyến này sẽ sử dụng tàu lớn vì tĩnh không cầu cho phép.
Để thực hiện các tuyến thí điểm, nhà đầu tư sẽ phải xây dựng bốn bến hành khách trung tâm, mỗi lộ trình đầu tư bốn chiếc tàu, thời gian khởi hành cách đều 15 phút/chiếc trong giờ cao điểm. Dự tính, vốn đầu tư cho tuyến này ít nhất là 70 tỉ đồng.
Tàu buýt sợ các cây cầu
Theo một giảng viên trường cao đẳng nghề Giao thông vận tải đường thuỷ 2, việc đầu tư các tuyến buýt đường sông chỉ phát huy hiệu quả khi tất cả các tuyến đều được khai thác đồng bộ. Nếu hiện tại chỉ chú trọng phát triển những tuyến tương đối thuận lợi về độ tĩnh không cầu cũng như độ sâu lòng sông kênh, rạch mà không tính đến tính kết nối giữa tất cả các tuyến thì không sớm thì muộn sẽ phá sản. Vào năm 1995 – 1996, TP.HCM đã tổ chức tuyến tàu buýt trên sông Sài Gòn, xuất phát từ bến Bạch Đằng – Thanh Đa đến Bến Dược huyện Củ Chi, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã phải dừng hoạt động do vắng khách và thua lỗ.
Nếu muốn triển khai đồng bộ tất cả các tuyến tàu buýt đường sông, ngoài việc gia cố bờ bao, nạo vét lòng sông, kênh, rạch thì phải cải tạo các cây cầu bắc qua sông, kênh, rạch để đảm bảo độ tĩnh không theo quy định. Theo quy hoạch của TP.HCM, ở những tuyến kênh, rạch cấp 6 (nhỏ nhất) thì những cây cầu bắc qua cũng phải có độ tĩnh không thấp nhất là 2,5m (độ cao tĩnh không cầu được tính khi thuỷ triều đang ở mức cao nhất). Thế nhưng, thực tế hiện tại có rất nhiều cây cầu có độ tĩnh không khoảng 1m.
Chẳng hạn như cây cầu Lê Văn Sỹ bắc qua kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè hiện độ cao tĩnh không cầu chỉ đúng 1m, không thể khai thác tuyến buýt đường sông. “Chỉ tính riêng trên tuyến kênh nhiêu Lộc – Thị Nghè hiện tại có khoảng gần 20 cây cầu không đạt tiêu chuẩn về tĩnh không theo quyết định 66 của UBND thành phố về quy hoạch mạng lưới đường thuỷ và cảng, bến đến năm 2020”, ông Phan Hoàng Trí, phó giám đốc khu Đường sông TP.HCM, cho biết.
Theo ông Trí, để nâng độ tĩnh không cho hàng loạt cây cầu đúng với quy định theo quyết định 66 phải bỏ ra một số tiền rất lớn và cần một khoảng thời gian dài.

Nguồn SGTT 

 

 

Bình luận (0)